Sáng 5/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Họp báo thường kỳ quý I. Tại đây, nhiều vấn đề nóng của ngành trong thời gian qua được các phóng viên đặt câu hỏi.
Liên quan đến sự việc cháu bé ở Hưng Yên bị đàn chó tấn công đến tử vong, Phó cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành thừa nhận khó kiểm soát chó thả rông ở các địa phương.
Hiện cả nước chỉ có TP.HCM thành lập được đội săn bắt chó thả rông (từ tháng 8/2018) và đã xử phạt nhiều trường hợp người dân để chó chạy ngoài đường, không rọ mõm.
Hà Nội cũng mới thí điểm mô hình này tại quận Thanh Xuân và dự kiến sẽ triển khai thêm ở các khu vực khác. Còn lại, các tỉnh thành, địa phương khác đều chưa thành lập được đội này.
Phó cục trưởng Cục Thú y Phạm Xuân Thành trả lời báo chí về sự việc bé trai ở Hưng Yên bị đàn chó cắn tử vong. Ảnh: Mỹ Hà. |
Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định xử phạt đã được quy định đầy đủ trong văn bản pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa địa phương nào phạt được các trường hợp chủ nuôi để chó thả rông ngoài đường, không đeo rọ mõm.
"Nếu theo đúng Nghị định, chủ nuôi chó trong sự việc tại Hưng Yên có thể bị phạt hành chính, hay nặng hơn là bị xử lý hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng", Cục trưởng Thành khẳng định.
Theo ông Thành, tỷ lệ người dân chủ động mang chó đi tiêm phòng dại ở Việt Nam vẫn quá thấp, dù các đơn vị thú y địa phương thường xuyên tuyên truyền, tích cực xây dựng các văn bản quy định phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Trả lời về trách nhiệm liên quan sự việc, ông Phạm Xuân Thành nói ngành Thú y có chức năng quản lý về dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Việc quản lý cho thả rông hoàn toàn thuộc thẩm quyền của chính địa phương.
Đến nay đã có 23 tỉnh, thành trên cả nước xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là khoảng 73.000 con.
Sau 2 tháng bắt đầu kiểm soát và khống chế dịch, hiện có 3 ổ dịch đủ điều kiện để công bố hết dịch khi qua 30 ngày chưa phát hiện thêm ổ dịch mới.