Chỉ còn vài giờ nữa là đến mốc 0h ngày 1/2 - thời điểm giao thừa năm âm lịch, đồng thời là mốc áp dụng chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị quyết 15 của Chính phủ.
Chính sách này tác động trực tiếp đến biểu giá thu phí dịch vụ đường bộ trên cả nước. Tổng cục Đường bộ đang chỉ đạo các nhà đầu tư BOT đường bộ khẩn trương cập nhật công nghệ để áp dụng biểu giá mới theo thời gian đã được ấn định.
Trạm thu phí Thường Tín trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. |
Trao đổi với Zing chiều 31/1, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết doanh nghiệp vừa nhận được chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ về việc phối hợp với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC để điều chỉnh giảm 2% thuế VAT trong giá vé dịch vụ đường bộ.
"Yêu cầu quá gấp, sáng nay (31/1 - PV) chúng tôi mới nhận được, trong khi vé in cả rồi. Nhưng trên yêu cầu thì chúng tôi vẫn phải chấp hành và cố gắng hoàn thành", ông Khôi chia sẻ.
Nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khẳng định việc điều chỉnh biểu giá trên hệ thống thu phí không dừng (ETC) sẽ được hoàn tất trước 0h ngày 1/2. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp băn khoăn là việc thanh toán với tài xế sử dụng tiền mặt.
Hiện, mỗi tài xế xe con phải trả tối đa 35.000 đồng khi đi hết cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo ông Khôi, nếu áp dụng mức giảm 2% thuế VAT thì tài xế được hoàn lại khoảng 700 đồng. Với đoạn ngắn nhất là 10 km (từ Pháp Vân đến Thường Tín), tài xế được giảm 200 đồng.
"Chúng tôi không có 200 đồng hay 500 đồng để trả lại cho khách. Nếu khách dùng dịch vụ thu phí không dừng thì còn có thể thanh toán sòng phẳng", lãnh đạo BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chia sẻ, đồng thời cho biết đã báo cáo lại Tổng cục Đường bộ về yếu tố bất cập này.
Trong khi một số doanh nghiệp BOT đang phối hợp cùng đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để áp dụng biểu giá thu phí mới cho tài xế, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết doanh nghiệp chưa thể cập nhật ngay lập tức biểu phí mới tại 4 tuyến cao tốc đang quản lý gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Vị này cho biết VEC không thể tự thay đổi biểu giá theo mức giảm thuế VAT mà sẽ phải báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ để xin chỉ đạo.
Trước đó, ngày 28/1, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% từ 1/2. Theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giá dịch vụ đường bộ được áp dụng chính sách mới này.
Chính sách mới được ban hành vào ngày 28/1, chỉ 4 ngày trước thời hạn thực thi (1/2) khiến cho Tổng cục Đường bộ lẫn các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu phí không dừng (VETC, VDTC) phải gấp rút cập nhật hệ thống, điều chỉnh biểu giá thu cho từng loại phương tiện.