Xã hội hóa sách giáo khoa là một trong những chủ trương được quan tâm của ngành giáo dục. Động thái này được kỳ vọng mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân, đồng thời xóa bỏ độc quyền trong in ấn.
Một trong những bộ sách nổi bật nhất sau xã hội hóa sách giáo khoa là Cánh Diều của CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC).
Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2016 với số vốn gần 35 tỷ đồng. Thời gian đầu hoạt động, đơn vị liên tục thua lỗ.
Đến giai đoạn 2020-2021, sau khi bộ Cánh Diều được phát hành, doanh thu và lợi nhuận của VEPIC tăng đột biến.
Cụ thể, năm 2020, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VEPIC đạt khoảng 188 tỷ đồng, tăng gần 184 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 4.485% so với năm 2019. Thay vì thua lỗ, VEPIC đã có lãi 22,5 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROS) của công ty lên tới 12%. So sánh với khoản lỗ 14,4 tỷ đồng trong năm 2019 thì lợi nhuận sau thuế của VEPIC đã tăng tới 36,9 tỷ đồng chỉ trong 1 năm.
Tới năm 2021, doanh thu tiếp tục tăng 129 tỷ đồng, lên mức 343 tỷ đồng, tương đương mức tăng 68,6% so với năm 2020. Nhờ đó, VEPIC thu được lợi nhuận 29,6 tỷ đồng. ROS giảm nhẹ nhưng vẫn đạt 8,6%.
Bước sang năm 2022, VEPIC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt tới 616 tỷ đồng, tăng 273 tỷ đồng, tương đương 79,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 55,4% lên 46 tỷ đồng. ROS năm 2022 của VEPIC đạt 7,5%.
DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN CỦA VEPIC TỪ 2017-2022 | |||||||
Nhãn | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | |
Doanh thu | Tỷ đồng | -5.8 | 5 | 4.1 | 184 | 343 | 616 |
Lợi nhuận sau thuế | -1.6 | -10.4 | -14.4 | 22.5 | 29.6 | 46 |
So sánh bối cảnh chung, tỷ lệ ROS tại nhiều doanh nghiệp thuộc ngành giáo dục thấp hơn khá nhiều so với VEPIC. Ví dụ, CTCP Sách Giáo dục TP.HCM (SGD) có ROS các năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt đạt 2,5%; 1,6% và 0,66%. Còn tại CTCP Sách và Thiết bị Bình Định (BDB) ROS theo các năm kể trên lần lượt là 2,3%; 2,4% và 1,9%.
Báo cáo tài chính năm 2022 cũng cho thấy cơ cấu doanh thu của VEPIC chủ yếu đến từ hoạt động bán sách với 603 tỷ đồng, chiếm gần 98% trên tổng doanh thu của công ty. Phần doanh thu còn lại đến từ việc bán giấy in, giáo cụ và cung cấp các dịch vụ khác.
Tuy nhiên, phần lớn cơ cấu nguồn vốn của VEPIC đang đến từ việc đi vay nợ. Trong đó nợ phải trả chiếm 521,1 tỷ đồng, tương ứng 77,5% tổng nguồn vốn công ty.
Cũng trong năm 2022, VEPIC tăng cường các khoản vay nợ ngắn hạn, ghi nhận tăng từ 185,5 tỷ đồng lên mức 381,9 tỷ đồng. Đáng chú ý trong cơ cấu khoản vay của VEPIC, vay ngân hàng chỉ chiếm hơn một nửa. Số nợ còn lại 173,8 tỷ đồng đến từ các khoản vay cá nhân.
Dữ liệu cho thấy VEPIC đã vay tín chấp bổ sung vốn lưu động gần 78 tỷ đồng từ 4 cá nhân lãnh đạo gồm Phó chủ tịch Đỗ Quốc Anh, Tổng giám đốc Vũ Bá Khánh, 2 Phó tổng giám đốc Phạm Thanh Nam và Nguyễn Văn Tư. Trong đó, số tiền lãi ghi nhận trả là gần 7 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với thời điểm đầu năm 2022.
Mức lãi suất vay phải trả cho lãnh đạo xấp xỉ 10%/năm trong khi doanh nghiệp này chỉ nhận lãi suất 4,8%-8%/năm cho khoản tiền gần 60 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng đang nằm tại ngân hàng.
Dù kinh doanh có lãi nhưng lưu chuyển dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VEPIC lại liên tục âm. Trong năm 2021, dòng tiền kinh doanh âm 154,3 tỷ đồng và tiếp tục âm thêm 113,4 tỷ đồng trong năm 2022.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VEPIC đạt 672 tỷ đồng, tăng 52% so với cuối năm 2021. Còn so với cuối năm 2019, thời điểm trước khi bộ Cánh Diều nhận được sự quan tâm, tài sản của VEPIC đã tăng 556 tỷ đồng, tương đương mức tăng tới 479%.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế