Mohammad Shahed, chủ bệnh viện ở Bangladesh, đã bị truy lùng trong 9 ngày qua. Ông Shahed bị bắt khi đang cố gắng trốn sang Ấn Độ trong một bộ áo dài trùm đầu burqa của phụ nữ, cảnh sát cho biết.
Ông bị cáo buộc cấp kết quả âm tính với virus corona cho bệnh nhân mà không thực hiện xét nghiệm. Shahed, 42 tuổi, là một trong những người bị chính quyền Bangladesh bắt giữ trong vài ngày qua liên quan đến vụ bê bối này, theo AFP.
Chủ bệnh viện Bangladesh, ông Mohammad Shahed (giữa), bị bắt vì cáo buộc làm giả kết quả xét nghiệm virus corona. Ảnh: AFP. |
Các chuyên gia cảnh báo kết quả xét nghiệm virus giả đã làm xấu đi tình hình dịch bệnh vốn đã tồi tệ ở đất nước 168 triệu dân này.
"Các bệnh viện của ông Shahed đã thực hiện 10.500 xét nghiệm virus corona, trong đó chỉ có 4.200 xét nghiệm là thật. Còn 6.300 kết quả xét nghiệm còn lại được cấp cho bệnh nhân mà không thực hiện xét nghiệm", phát ngôn viên của Tiểu đoàn hành động nhanh, đại tá Ashique Billah, nói với AFP.
Shahed cũng bị cáo buộc đã tính phí xét nghiệm và điều trị Covid-19 mặc dù ông đã đồng ý với chính phủ rằng các bệnh viện của ông ở thủ đô Dhaka sẽ miễn phí các dịch vụ này.
Một bác sĩ nổi tiếng ở Bangladesh và chồng của bà cũng bị cảnh sát bắt giữ và buộc tội cấp hàng nghìn chứng nhận âm tính Covid-19 giả tại phòng thí nghiệm ở Dhaka.
“Vụ bê bối có thể gây tổn hại nặng nề cho những người lao động nhập cư Bangladesh đang tìm cách ra nước ngoài. Kiều hối rất quan trọng với nền kinh tế của Bangladesh”, ông Shakirul Islam thuộc nhóm bảo vệ quyền của người di cư OKUP nói.
Tuần trước, Italy đã đình chỉ các chuyến bay từ Bangladesh đến Rome để ngăn chặn các ca nhiễm Covid-19. Một số hành khách đến từ Dhaka đã có kết quả dương tính với Covid-19.
Lo sợ các ca bệnh trong cộng đồng người nhập cư Bangladesh, nhà chức trách ở khu vực Lazio của Italy đã tiến hành "xét nghiệm hàng loạt".
"Một số người Bangladesh xét nghiệm dương tính với Covid-19 ở Italy có giấy chứng nhận âm tính Covid-19 từ Bangladesh", ông Islam cho biết. "Chính phủ phải đảm bảo chất lượng xét nghiệm Covid-19 trong các phòng thí nghiệm ở địa phương vì lợi ích công nhân Bangladesh ở nước ngoài”.
Khoảng 12 triệu lao động nhập cư Bangladesh ở nước ngoài đã gửi về gần 19 tỷ USD vào năm ngoái, theo ngân hàng trung ương Bangladesh.
Tính đến ngày 15/7, Bangladesh đã ghi nhận hơn 193.000 ca nhiễm và 2.456 ca tử vong do virus corona.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết con số này có thể không chính xác vì Bangladesh thực hiện rất ít xét nghiệm.