Trong 4 thế kỷ, bức tượng Manneken Pis, tức "chú bé đứng tè" theo phương ngữ của người Hà Lan tại Bỉ, được xem là hiện thân của văn hóa "laissez-faire" (tự do làm điều mình muốn) của người Bỉ.
Tuy nhiên, các quan chức thủ đô Brussels mới đây đã rất bất ngờ khi biết rằng hóa ra "chú bé" đã "tè" ra nước sạch có thể uống được - khoảng 1.000 đến 2.500 lít mỗi ngày, đủ dùng cho 10 hộ gia đình. Số nước này sau đó chảy trực tiếp vào hệ thống cống rãnh của thành phố, theo Guardian.
Régis Callens, một chuyên gia về năng lượng, đã phát hiện ra điều này sau khi thiết bị đo được lắp vào bức tượng cao 61 cm.
"Chúng tôi vốn nghĩ đây là một quy trình khép kín và cậu bé không tiêu tốn thứ gì", Callens nói với báo La Dernière Heure. "Vì Manneken Pis chỉ là một trong 350 đến 400 bức tượng ở đây, không ai để ý nhiều đến điều đó".
Bức tượng chú bé đứng tè nổi tiếng ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Tuần này, một đường dẫn nước đã được xây dựng để gom nước từ Manneken Pis và đưa lượng nước này trở về bức tượng.
Sau đó, một đường dẫn nước khép kín kiên cố sẽ được xây dựng sao cho phù hợp với vị trí của đài phun nước trên một con đường lát sỏi gần Quảng trường Lớn ở trung tâm khu phố cổ của thủ đô Bỉ. Manneken Pis là tác phẩm nổi tiếng của nhà điêu khắc theo trường phái baroque Jérôme Duquesnoy.
Ủy viên hội đồng thành phố Benoît Hellings nói: "Chúng tôi có thể tự hào nói rằng lần đầu tiên trong 400 năm, Manneken Pis không tè ra nước uống sạch. Thành phố giờ kiểm tra tất cả đài phun nước ở khu vực trung tâm để tránh sự lãng phí tương tự".
Manneken Pis, vốn thu hút hàng nghìn người đến tham quan mỗi ngày, là bản sao của bức tượng ra đời năm 1619 đang được lưu giữ ở một bảo tàng gần đó.
Gốc gác của bức tượng vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Một luồng quan điểm cho rằng nó có liên quan đến truyền thuyết về việc quân đội trung thành với công tước Godfrey III xứ Leuven đã đặt ông này, khi đó là một cậu bé hai tuổi, vào một cái rổ treo trên cây. Cậu bé đã đứng ở đó tè lên quân địch.
Một câu chuyện từ thế kỷ 14 lại cho rằng bức tượng là sự ghi công đối với một cậu bé địa phương tên Julianske. Cậu bé được cho là đã cứu thành phố bằng cách tè lên ngòi nổ mà kẻ thù đã châm lửa hòng phá bức tường phòng thủ của thành phố.
Bức tượng được mặc quần áo 130 lần mỗi năm và có hơn 1.000 bộ trang phục.