Thành viên nhóm Kakuhido, Liên minh Cách mạng những người đàn ông bị phụ nữ cho là "kém mã" giương cao tấm biểu ngữ lớn có nội dung “Phá tan Ngày lễ Tình nhân” ở quận Shibuya, Tokyo.
'Thể hiện tình cảm là âm mưu'
Nhóm biểu tình thu hút nhiều cái nhìn tò mò của người dân qua đường khi hô vang khẩu hiệu: “Âu yếm nơi công cộng là khủng bố”.
“Mục đích của chúng tôi là đè bẹp thứ tình yêu như thế này”, AFP dẫn lời Takayuki Akimoto, thành viên của nhóm cho hay.
Nhóm biểu tình Kakuhido vừa đi vừa hô to, thu hút sự chú ý của những người dân qua đường. Ảnh: AFP. |
“Chúng tôi không đi tìm các giá trị trong tình yêu theo cách mà xã hội áp đặt. Điều đó (thể hiện tình cảm nơi công cộng) giống như một âm mưu do những người coi chúng tôi là “cấp thấp” hay thua cuộc thực hiện. Nó khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu. Thật không thể tha thứ được”, ông nói.
Nhóm Kakuhido từng phản đối “những bà nội trợ kiểm soát tương lai Nhật Bản” vì bất bình trước cảnh những người chồng phải luôn phải làm việc tối ngày ở văn phòng.
Lễ Tình nhân biến tướng
Ngày lễ Tình nhân ở Nhật là cơ hội kiếm tiền thuận lợi của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, khi nhiều phụ nữ nước này đổ xô đi mua chocolate cho đàn ông theo truyền thống, từ người yêu cho đến những đồng nghiệp nam.
Sau đó môt tháng, vào ngày Valentine Trắng, đàn ông sẽ là những người “đáp lễ". Đây là sáng kiến do các nhà sản xuất bánh kẹo khởi xướng nhằm tăng doanh thu từ những năm 1980.
“Việc tặng chocolate theo truyền thống thể hiện bạn luôn bị cạnh tranh”, Akimoto, 33 tuổi, thành viên nhóm Kakuhido chia sẻ. “Bạn bị đánh giá dựa trên những số lượng đồ ngọt mà bạn nhận được. Đó chỉ là chiến lược kinh doanh của nhà sản xuất chocolate mà thôi, thật nực cười."
Phụ nữ Nhật chọn mua chocolate tặng những người đàn ông mà họ yêu quý nhân ngày lễ Tình nhân. Ảnh: AFP. |
Ngày lễ Tình nhân được cho là bắt nguồn từ văn hóa Kitô giáo và La Mã cổ đại. Theo Akimoto, ý nghĩa ngày lễ đã bị thay đổi và nó trở thành dịp để các nhà kinh doanh kiếm tiền.
Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số vì các cặp vợ chồng không muốn quan hệ tình dục hoặc không có thời gian quan tâm đến chuyện này. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản vẫn phải nỗ lực tìm các biện pháp khuyến khích sinh con.
Akimoto khẳng định thông điệp của nhóm bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định sau 10 năm biểu tình.
“Thời gian gần đây, bạn có thế thấy ngày càng có nhiều người đón Giáng sinh một mình, phụ nữ thì bắt đầu mệt mỏi vì ngày lễ Tình nhân. Chúng tôi tin rằng qua những cuộc biểu tình như thế này, chúng tôi có thể làm thay đổi xã hội”, Akimoto nói.
Nhóm Kakuhido được Katsuhiro Furusawa thành lập vào năm 2006. Anh này từng bị thất tình và luôn có tư tưởng phản đối lễ Tình nhân.
“Bạn không cần phải đón Giáng sinh hay lễ Tình nhân gì hết. Chỉ là một ngày để làm những thứ bình thường mà thôi. Họ (những người thể hiện tình cảm nơi công cộng) rất đáng sợ, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng để đấu tranh lâu dài”, Akimoto nhấn mạnh.