Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chống tham nhũng từ ghế nhà trường

Dù đang ngồi trên ghế nhà trường, hàng chục sinh viên báo chí đã được tiếp cận với chủ đề tham nhũng ở thể loại gai góc nhất.

Sáng 30/11, Khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) tổ chức triển lãm “Báo chí điều tra”. Bộ sưu tập tác phẩm Báo chí điều tra nằm trong khuôn khổ dự án Báo chí điều tra P34 - VACI 2013 là sáng kiến của Khoa Báo chí và Câu lạc bộ Báo chí điều tra (Investigative Journalism Club – IJC).

Hoạt động tuyển chọn và xây dựng bộ sưu tập gồm 20 tác phẩm Báo chí điều tra tiêu biểu nhằm tôn vinh các cây bút điều tra xuất sắc trong cả nước; đồng thời, phần phân tích tác phẩm của hội đồng chuyên môn làm bài học tốt cho sinh viên báo chí khi học về báo chí điều tra.

20 tác phẩm triển lãm dự kiến sẽ được in trong sách tham khảo “Tác phẩm báo chí điều tra – tuyển chọn và phân tích”; đồng thời, đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào “Giáo trình Báo chí điều tra” của Khoa Báo chí (dự kiến, hai tài liệu này sẽ được xuất bản vào năm 2015).

Hội thảo tổng kết Dự án P34 “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng, chống tham nhũng” đã diễn ra cùng ngày.

Tại hội thảo, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, với đề án nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng sẽ giúp sinh viên có nhận thức tốt hơn về báo chí điều tra, góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. 

Nhà báo Trần Bá Dung
Nhà báo Trần Bá Dung.

Còn nhà báo Trần Bá Dung - Trưởng ban nghiệp vụ của Hội nhà báo Việt Nam bày tỏ hy vọng CLB không những chỉ là nơi sinh hoạt nghiệp vụ bổ ích cho các bạn sinh viên mà còn đưa các thành viên CLB vào cuộc thực thụ, tham gia trực tiếp với các cơ quan báo chí để có những tác phẩm báo chí điều tra tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ nhiệm Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định: “CLB là ý tưởng đề xuất được đánh giá cao  trong bối cảnh hiện nay khi mà báo chí điều tra được coi là công cụ có ý nghĩa, thể loại “búa tạ” trong báo chí phòng chống tham nhũng.

Vì vậy, CLB báo chí điều tra ra đời đáp ứng nhu cầu đào tạo cho sinh viên báo chí học kiến thức, kỹ năng, nguyên tắc điều tra cho sinh viên báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Khánh An

Bạn có thể quan tâm