Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chóng mặt quản lý giá xăng dầu

Ngày 5/2, Liên bộ Công Thương - Tài chính gửi công văn tới các đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc điều hành kinh doanh nhiên liệu này.

Nội dung “chốt” mức giá bán lẻ nhiều loại xăng dầu. Đồng thời với đó, có đầu mối đã... xin được “xả” quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tại sao lại có hai hiện tượng ngược chiều nhau này?

Theo chỉ đạo của liên bộ, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá cụ thể do liên bộ quy dịnh. Cụ thể, xăng A92 không được cao hơn 15.686 đồng/lít, dầu diezen 0,05S không được cao hơn 15.183 đồng/lít, dầu hỏa không được cao hơn 15.623 đồng/lít, dầu mazut không được cao hơn 11.861 đồng/kg. Tất cả những mức “không cao” hơn này được áp dụng sau khi đã trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ở mức 40 đồng/lít.

“Không được quá” 

Đồng thời với đó, liên bộ chỉ đạo các DN bán lẻ xăng dầu giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các loại nhiên liệu sử dụng cho động cơ (trừ xăng sinh học E5), với mức giảm từ 20% đến trên 50% so với mức trích lập cũ.

Cụ thể, xăng dùng cho động cơ giảm xuống còn 340 đồng/lít (giảm 460 đồng/lít), dầu hỏa xuống còn 520 đồng/lít (giảm 280 đồng/lít), dầu mazut giảm xuống còn 270 đồng/kg (giảm 530 đồng/kg). Đồng thời là chỉ đạo tăng trích lập Quỹ bình ổn giá thêm 20 đồng/lít đối với các loại diezen và 40 đồng/lít với xăng sinh học E5.

Lý do có chỉ đạo này, theo liên bộ, là vì diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây “có chiều hướng tăng trở lại”, để góp phần ổn định giá và tránh tác động đến người tiêu dùng do điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian này.
Nói cách khác, bằng chỉ đạo này, có thể thấy mong muốn của liên bộ là giảm áp lực về giá và các khoản đóng góp lên các đầu mối kinh doanh xăng dầu, đồng thời tránh việc tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu dễ gây tác động không tốt lên DN và người tiêu dùng toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc chỉ can thiệp vào mức trích quỹ bình ổn giá lại cho thấy sự bối rối của liên bộ trong dự báo giá xăng dầu thế giới, cũng như quản lý giá xăng dầu trong nước?

Theo thông tin từ liên bộ, tới hết tháng 12/2014, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có quy mô trên 4.000 tỷ đồng. Về nguyên tắc và như nhiều DN đầu mối đã công bố nhiều lần, xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam thường có độ “trễ” về thời gian so với giá xăng dầu thế giới.

Không thể có chuyện kinh doanh lợi thì DN hưởng, lỗ lại bắt người tiêu dùng gánh giúp.

Không thể có chuyện kinh doanh lợi thì DN hưởng, lỗ lại bắt người tiêu dùng gánh giúp.

Cụ thể là từ khi ký hợp đồng nhập khẩu tới khi thực nhập phải mất trên 2 tháng, trong khi giá mua trên thị trường thế giới phải dựa trên giá tại thời điểm ký hợp đồng. Như vậy có thể thấy, ngay cả giá bán lẻ trên thị trường trong nước hiện cũng chưa phải căn cứ vào thời điểm giá xăng dầu thế giới đang thấp nhất (vốn mới lập “đáy” 15 ngày trước đây).

Nếu cứ theo thực tế này, hoàn toàn có thể thấy giá xăng dầu trong nước cần tiếp tục giảm tiếp. Sau đó, đến thời điểm giữa tháng 3/2015 mới bình ổn hoặc tăng trở lại, đúng theo lập luận của liên bộ là giá xăng dầu thế giới “có chiều hướng tăng trở lại”.

Từ đây sẽ thấy, việc giảm trích quỹ bình ổn chỉ phục vụ cho quyền lợi của các doanh nghiệp. Vì chính liên bộ cũng cho phép các DN không được bán quá giá đã quy định. Khi giảm mức nộp quỹ nhưng không buộc giảm giá bán, đương nhiên lợi nhuận của DN sẽ tăng. 

Căn cứ chông chênh

Về nguyên tắc, mục đích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu là để có nguồn tài chính kiềm chế, bù đắp các dao động thất thường của giá xăng dầu thế giới tác động tới giá xăng dầu trong nước.

Vì đặc trưng này mà các DN đầu mối phải thu “hộ” mức nộp phí của người tiều dùng và Nhà nước là người quản lý quỹ, DN không được phép sử dụng.

Điều này có nghĩa, tới một quy mô nhất định, Nhà nước có thể tăng, hoặc giảm mức trích lập quỹ bình ổn để phục vụ bình ổn giá và tiền nộp tăng, hay giảm cũng là do người dân đóng góp, hoặc được hưởng lợi.

Do thế, trường hợp giảm mức trích nộp thì giá xăng dầu cần phải giảm theo tương ứng. Vì đó là tiền người dân đóng góp, không phải tiền của DN. Ngược lại, trong trường hợp giảm mức trích lập nhưng không buộc DN giảm giá bán lẻ, thì có nghĩa liên Bộ Tài chính - Công Thương đã “trèo rào” nguyên tắc quản lý để gia tăng lợi nhuận cho DN.

Cần nói rõ, căn cứ trên giá bán hiện tại, lợi nhuận của DN có thể là dương, hoặc âm. Nhưng nếu DN đang lỗ và lỗ đó là hợp lý, Nhà nước cần cho phép DN tăng giá bán để bù đắp chi phí, chứ không thể giảm trích lập quỹ bình ổn giá và không giảm giá bán để tăng biên độ lợi nhuận cho DN.

Điều đó cho thấy cách làm của liên bộ không khác gì tạo cơ chế hợp pháp để DN kinh doanh xăng dầu “móc túi” người tiêu dùng. Mặt khác, việc hai bộ liên quan bối rối đến mức phải sử dụng biện pháp mập mờ trong quản lý giá xăng dầu lại thêm một lần nữa chứng minh thực tế cơ chế quản lý giá hiện nay đang vô cùng thiếu hiệu quả. Đến mức chính cơ quan quản lý cũng vướng, không thể tạo được hiệu quả quản lý dựa trên cơ chế ấy và phải dựa vào những mưu mẹo quản lý thuần túy.

Sự chông chênh về pháp lý trong chỉ đạo trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu lần này cho thấy liên bộ Tài chính - Công Thương vẫn “bất lực” trong việc xác lập các cơ chế quản lý ấy. Vậy mà toàn bộ xã hội thì lại phải căn cứ vào giá xăng dầu - tức là căn cứ vào sự chông chênh ấy - để xác lập những tiền đề cơ bản nhất trong chi phí sản xuất, lợi nhuận.

Ông Đinh Sỹ Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) 

Ở các nước, quỹ bình ổn giá do các hiệp hội, các nhà sản xuất, kinh doanh tự lập ra để can thiệp điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi trước là doanh nghiệp (DN), sau đó đến người tiêu dùng (NTD), còn tại Việt Nam nhiều quỹ do Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra để hỗ trợ. Tôi băn khoăn về hiệu quả của quỹ bình ổn giá từ trước tới nay khi chưa có ai đánh giá, kết luận hiệu quả đến đâu. Nếu không cẩn thận lại trở thành chỗ xin cho, không mang lại chút quyền lợi nào cho NTD.

Ts. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính)

Việc trích lập quỹ bình ổn thực chất người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá "rẻ" hơn khi "xả" quỹ. Cảnh "mượn đầu heo nấu cháo" này khiến người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt thòi do phải trích quỹ dự phòng "kiểu cho vay không lãi" với số tiền không nhỏ (4.000 tỷ đồng).

Cuối cùng, chỉ DN được lợi, còn người tiêu dùng chịu cảnh thiệt đơn, thiệt kép. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý phải thấy được sự vô lý này và chắc chắn không thể đồng ý. Không thể có chuyện kinh doanh lợi thì DN hưởng, lỗ lại bắt người tiêu dùng gánh giúp.

Ts. Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu tài chính - giá cả

Bình ổn giá theo tôi hiểu là giá không thay đổi, hoặc thay đổi rất ít. Nhưng tôi cũng có thể hiểu hàng hóa đang ở một mức giá cố định, được điều chỉnh nhảy vọt lên một mức cao hơn rồi giữ yên ổn một thời gian. Một số chuyên gia cho rằng việc sử dụng sai quỹ bình ổn giá xăng dầu của Petrolimex thì quyền lợi của NTD đối với các quỹ này như thế nào khi đã phải đóng 3.000 đồng/lít xăng... Ngoài ra, quỹ này cũng dễ dẫn tới nguy cơ tiêu diệt sự cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu.

Giá dầu giảm, giá nhớt trơ trơ

Chỉ trong tháng 1/2015, giá một số sản phẩm dầu gốc đã giảm 10%-15% so với tháng 12/2014.

http://thoibaokinhdoanh.vn/-chong-mat-quan-ly-gia-xang-dau.html

Theo Trần Duy/ Thời Báo Kinh Doanh

Bạn có thể quan tâm