Sau khi Cục Hàng không công bố phương án mở cửa bay quốc tế và nghiên cứu áp dụng hộ chiếu vaccine vào giai đoạn 3 (cuối năm 2021), Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá đây là một đề xuất rất kịp thời, rất dũng cảm và rất đúng.
Ông đã có cuộc trao đổi với Zing về đề xuất áp dụng hộ chiếu vaccine nhằm mở cửa du lịch quốc tế.
Bốn điều kiện
- Là lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành và chủ tịch một hãng hàng không, ông nghĩ sao về việc xem xét áp dụng hộ chiếu vaccine?
- Hộ chiếu vaccine không phải là vấn đề mới trên thế giới. Hiệp hội Vận tải Hàng không Thế giới (IATA) đã đưa ra khuyến nghị tới nhiều nước, trong đó có Việt Nam về travel pass - thẻ đi lại giữa các nước có phổ cập vaccine theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Có nhiều nước đã thực hiện bong bóng đi lại song phương giữa hai quốc gia hoặc nội bộ vùng.
WHO thì không hoan nghênh những sáng kiến như hộ chiếu vaccine lắm vì theo họ có thể tạo sự bất bình đẳng giữa những nước giàu có khả năng phổ cập vaccine và những nước nghèo. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã sớm áp dụng và tiến tới sớm đơn phương mở cửa hoàn toàn như Mỹ, Singapore.
Hộ chiếu vaccine được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế trở lại cũng như tạo điều kiện để người Việt du lịch quốc tế. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khu vực, các nước ASEAN đang triển khai rất nhanh các sáng kiến dạng hộ chiếu vaccine để đón đầu làn sóng du khách trở lại sau dịch. Thái Lan đơn phương chấp nhận hộ chiếu vaccine chỉ cách ly du khách 7 ngày và tiến tới còn 3 ngày. Singapore cũng đã công nhận hộ chiếu vaccine của nhiều quốc gia. Các nước này thậm chí cũng đã tiếp cận các doanh nghiệp Việt Nam để chào hàng, mở cửa cho du khách Việt Nam sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, hộ chiếu vaccine tại Việt Nam chỉ có thể triển khai với những điều kiện sau. Đầu tiên, chính phủ hai nước đã phải ký kết với nhau song phương trên cơ sở công nhận hệ thống chống dịch, hệ thống tiêm chủng vaccine Covid-19 của đôi bên, đã xây dựng quy chuẩn để công nhận quá trình chống dịch song phương.
Sau khi ghi nhận kết quả chống dịch của một quốc gia nào đó, Việt Nam nếu yên tâm có thể cách ly du khách 3-7 ngày. Chúng ta có thể ký kết với một nước, hoặc một nhóm quốc gia như ASEAN.
Thứ hai là cần cách ly du khách bao nhiêu ngày. Theo tôi, nên tạo một hành lang an toàn gồm những điểm có sân bay và khách sạn đón tiếp khách nước ngoài, đảm bảo an toàn chống dịch, kéo dài từ Bắc vào Nam. Khách nước ngoài có thể đi dọc hành lang đó trong thời gian cách ly. Sau khi hết thời gian cách ly, du khách có thể di chuyển ra ngoài hành lang này.
Chúng ta chống dịch tốt rồi thì phải dựa vào đó để phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel
Hành lang này là cần thiết vì người ta bỏ tiền mua chuyến du lịch chứ không ai bỏ tiền mua chuyến cách ly. Các khách sạn đã đăng ký làm nơi cách ly trả phí có thể liên kết thành một hệ thống, phục vụ khách du lịch trong nội bộ hành lang này. Trong quá trình du lịch trong hành lang, du khách sẽ được xét nghiệm Covid-19 liên tục và sau 3 lần âm tính có thể tham gia du lịch tự do.
Thứ 3 là Việt Nam và các nước ký kết song phương áp dụng hộ chiếu vaccine cần có hệ thống mã QR hay bar code để trao đổi dữ liệu di chuyển của hành khách giữa hai quốc gia, phục vụ tốt hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Thứ 4, việc triển khai mở cửa qua hộ chiếu vaccine cần được làm từng bước, từ từ, ưu tiên những doanh nghiệp lớn có đầy đủ hệ thống phục vụ tạo dựng hành lang an toàn sẽ được triển khai đón khách trước. Sau đó dựa vào khả năng tiếp nhận, kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam có thể từ từ mở cửa đón khách theo khả năng.
Cá nhân tôi cho rằng các nước mở cửa hết mà mình không mở cửa sẽ thành chậm chân. Đây là một cuộc cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh điểm đến, Việt Nam chúng ta cần phải nhanh dù tiềm năng của chúng ta lớn, bởi tiềm lực của các nước xung quanh họ hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta chống dịch tốt rồi thì phải dựa vào đó để phát triển kinh tế.
Mục tiêu kép
- Nhiều người cho rằng việc mở cửa cho khách du lịch nước ngoài và để người Việt đi nước ngoài du lịch có nguy cơ khiến dịch bùng phát mạnh trở lại. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi phải nhắc lại chúng ta chống dịch tốt, nếu không lấy đó để phát triển kinh tế thì chống dịch để làm gì. Chúng ta chống dịch để kinh tế không đình đốn, để mọi người được ra đường lao động, sinh hoạt bình thường. Đó là mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra trong quá trình kiểm soát dịch Covid-19, vừa chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế.
- Cá nhân ông có kỳ vọng gì khi Việt Nam áp dụng hộ chiếu vaccine?
- Tôi cho rằng đây là đề xuất rất kịp thời, rất dũng cảm, rất đúng. Hơi thất vọng là Tổng cục Du lịch không đề xuất mở cửa hoặc liên kết với Cục Hàng không để đề xuất này mạnh hơn. Đề xuất này cho thế giới thấy là chúng ta đã sẵn sàng và tâm lý thị trường du lịch cũng ấm lên. Đây là điều tôi cho rằng rất tốt.
Tuy nhiên để mở được thì còn nhiều bước nữa, những cái gì cũng phải có mở đầu. Tôi đánh giá rất cao đề xuất này và cho rằng Chính phủ với mục tiêu kép sẽ nghiên cứu một cách tích cực, có chính sách nhanh và đủ mạnh để chúng ta triển khai tốt và thắng lợi đề xuất này.
Ông Kỳ cho rằng những thành quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam cần được tận dụng để trở thành đà phát triển kinh tế, mà cụ thể là thu hút khách du lịch quốc tế. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Là hãng hàng không lữ hành, Vietravel Airlines có kế hoạch khai thác quốc tế ra sao sau khi hộ chiếu vaccine được áp dụng?
- Theo quy định, một năm sau bay khi quốc nội thì hãng hàng không mới được khai thác quốc tế. Điều này đồng nghĩa đến tháng 12/2021 Vietravel Airlines mới đủ điều kiện để bay quốc tế.
Nói vậy không có nghĩa là chúng tôi không có sự chuẩn bị. Vietravel Airlines đang tăng đội tàu bay, trao đổi và chuẩn bị xin cấp phép Cục Hàng không và cơ quan quản lý hàng không các nước để tiến tới khai thác các đường bay quốc tế thường lệ.
Các nước này Vietravel cũng đã có mối quan hệ tốt và có các đối tác mạnh, chỉ nối lại thảo luận khi cần thiết. Chúng tôi có lợi thế khi Vietravel là hãng nghiên cứu, tổ chức, phát động thị trường du lịch. Các hãng hàng không khác đôi khi phải tập trung nhóm các doanh nghiệp lữ hành để phát động thị trường, Vietravel Airlines may mắn khi phía sau có Vietravel.
Cách ly 7-14 ngày giống chính sách cho người Việt hồi hương hơn là cho du khách
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel
Tuy nhiên chúng tôi có khó khăn là đội bay nhiều khả năng sẽ không phát triển kịp và không thể đáp ứng được khi thị trường bùng nổ trở lại sau dịch.
- Ông đánh giá sao về quy định hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trong giai đoạn 3 phải cách ly tại nơi cư trú 7-14 ngày? Liệu đây có phải là rào cản lớn với du khách quốc tế khi lựa chọn đến Việt Nam trong thời gian tới?
- Bảy đến 14 ngày tại nơi cư trú, tôi nghe giống chính sách dành cho người Việt hồi hương hơn, còn ở đây chúng ta đang nói đến khách du lịch. Họ đi tour chỉ 10 ngày, làm sao mình cách ly được 14 ngày, do đó hành lang an toàn là phương án hợp lý.
Nếu hành lang này được chia thành các pha nhỏ thì việc triển khai sẽ rất an toàn. Nếu xuất hiện ca bệnh tại pha nào, cung đường nào, ta phong tỏa riêng các ca bệnh cùng pha đó, cung đường đó.
Ta chống dịch nhưng không nên mang dịch bệnh ra thành con ngáo ộp rồi sợ hãi không dám làm gì. Ổ dịch Hải Dương lớn như vậy ta còn dập được, thì kiểm soát các pha trên hành lang an toàn là chuyện hoàn toàn khả thi.
Nếu đợi đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng sẽ lâu, nên cần đi trước một bước, không thì chậm mất. Các công ty du lịch Việt Nam đang đứng ngồi không yên vì các nước mở hết rồi, thậm chí mở đơn phương. Nếu ta đi sau họ, ta sẽ không còn nguồn khách.