Xin tiếp tục trích đăng phần tiếp theo của cuốn 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh do tác giả Annette Hefkens - người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn máy bay rơi tại Khánh Hòa viết. 192 Hours là cuốn sách do Nhà xuất bản tổng hợp TP.HCM và First News phối hợp thực hiện.
Ngày thứ tư – cơn mơ trà lipton
Tôi choàng tỉnh trong “chỗ ở” mới. Không còn thi thể “hàng xóm” nào xung quanh. Đồng hồ cũng không còn, nhưng hình như vẫn còn sớm. Tôi ngước nhìn mặt trời. Dãy núi bên phải tôi nhú ra như chop nón khổng lồ. Cây dại mọc đầy giữa cái khe chia cắt tôi với dãy núi. Như khu rừng của Tarzan. Và tôi là Jane. Phải rồi.
Dưới chân tôi khoảng ba mét không còn cảnh rừng trơ trọi vì máy bay rơi. Và dừng lại được là rừng. Chỗ tôi ngồi đây phải là khá cao trên núi. Nếu tự tôi leo lên đây bình thường thì phải vất vả lắm. Theo kế hoạch thì tôi còn phải đợi thêm bốn ngày nữa. Tôi lật sơ qua cuốn sách ngữ pháp Đức – Việt của cô gái đọc thử một trang. Chưa bao giờ tôi thích tiếng Đức. Hay là mình thử dùng tiếng Việt? Khó tập trung quá. Đầu tôi cứ nhẹ bẫng. Cứ như là từng đám mây cứ thay phiên trùm lấy đầu tôi. Thôi, cố quên đi. Tôi quay lại là mình. Mình của chờ đợi.
Ở chỗ mới, tôi có thể chiêm ngưỡng quang cảnh thoáng đãng hơn. Tôi nhớ những tiểu tiết của từng chiếc lá ở nơi cũ, nhưng ở đây tôi có thể nhìn xuống khe núi sâu hơn ở bên phải. Nơi đó, rừng thật dày đặc, như một bức tường xanh khổng lồ. Và hơn thế nữa, ngồi ở đây tôi có thể nhìn thấy máy bay cứu hộ! Và họ cũng có thể thấy tôi. Bất chợt tôi nhận ra việc chỉ đơn thuần mình có mặt ở đây, sống sót và vẫn còn ý thức, đã quan trọng đến dường nào. Tâm trí tôi cùng lúc vừa hoang mang, vừa quyết tâm. Nước! Phải rồi, tôi phải uống nước. Tôi cần nước. Tôi ngước nhìn phần cánh bị gãy của máy bay và nhận ra các thiết bị cách nhiệt đều được làm từ giấy hoặc bọt xốp. Tôi nảy ra một ý: có thể tận dụng các thiết bị cách nhiệt này như một vật xốp có thể hút nước! Phải rồi, tôi phải lấy cho được! Bằng cách nào đó, tôi buộc mình từ từ đứng dậy. Trên đôi chân gãy. Tôi với tay về cái cánh gãy. Hông tôi lại đau thấu xương. Không với nổi. Tôi tiến lại gần hơn, và thử lại lần nữa. Ngực đau như có ai đâm, nhưng tôi vẫn dùng hết sức bình sinh để chạm tới các cánh. Cuối cùng thì tôi cũng chạm vào thiết bị cách nhiệt đó. Chộp lấy những mảnh nhỏ, tôi rải chúng xuống mặt đất, ngay bên cạnh chỗ tôi nằm. Cho là đã lấy đủ, tôi cố quay trở lại chỗ cũ của mình. Lần này thậm chí còn đau hơn. “Aahhhh!”. Tôi thét lên vì đau. Khi nằm dài ra, tôi bắt đầu gom lại các mảnh xốp, nặn chúng thành bảy quả nhỏ, xếp chúng ra đó và chờ đợi. Đợi mưa, khát, khát quá đi thôi. Tôi mệt kinh khủng. Chỉ cố gắng đứng trong vài phút mà bây giờ cơ thể tôi hầu như kiệt quệ, Tôi gục đầu ngủ.
Tôi lại thức giấc. Bởi vì trời mưa. Mưa như trút nước! Mưa lớn đến nỗi tôi phải giữ cái mũ trong áo choàng đi mưa của mình với cả hai tay để hứng nước, và uống ừng ực từng giọt. Ôi, ngon có khác gì rượu sâm benh! Tôi hoan hỉ nhìn từng quả bóng xốp đang thấm nước, và tự chúc mừng mình: thành công rồi! Nhờ vậy mà mấy ngày tới tôi có thể lây lất được đây!
Mặt trời bắt đầu lặn. “Đi ngủ thôi”, tôi tự nhủ. “Ngủ đi, đừng suy nghĩ gì hết”.
“Chỗ ở” mới sang sủa hơn nên tôi ngủ dễ hơn. Rõ ràng là tôi thấy cô bạn Helen, xuất hiện từ dãy núi. Helen lớn lên ở New Jersey và là đứa con thứ hai trong gia đình có bốn người con. Cô này có thói quen mời tôi đi ăn ở Madrid, và bây giờ đang đưa cho tôi một ly trà đá Lipton, một trong những thức uống Mỹ khoái khẩu của Helen. Nhưng chưa kịp lấy cốc trà thì tôi chợt thấy Helen lùi dần vào dãy núi.
“Này, đừng đi!”, tôi thét lên. Tôi biết rất rõ là mình đang ngủ và cũng chẳng thể nào đi tới chỗ của Helen. Nhưng tôi thực sự muốn cô bạn mình quay lại. Tôi cứ gào thét, gào thét tên cô. Tôi muốn có ly trà đá của mình!
Hiện trường vụ tai nạn ở chân núi Ô Kha. (Ảnh: Tư liệu) |
Ngày thứ năm – chống chọi với cơn khát và nỗi cô đơn
Tôi nhìn vị trí của mặt trời. Mấy giờ rồi nhỉ? Không thể tin chắc về kiến thức hướng đạo sinh của mình, nhưng ít ra tôi nghĩ mình có thể biết được đã bao nhiêu tiếng trôi qua, đủ để tôi đáng được nhấm nháp một ngụm nước. Để xài tới quả bóng nhỏ bằng xốp kia. Ba tiếng một lần, tôi tự hứa với mình như vậy. Dù gì đi nữa thì tôi cũng có trực giác tốt về những con số.
Uống thôi. Tôi hút nước từ đó ra và nhấm nháp từng giọt. Hai hay ba tiếng trôi qua rồi, tôi nghĩ vậy. Tôi vắt nước từ một quả bóng khác. Chỉ là nước thôi mà sao lúc này mùi vị ngon tuyệt vời. Đáng để chờ đợi quá đi chứ! Tôi tận hưởng cái nhịp điệu đều đều này. Bây giờ thì tôi đã bắt đầu tận hưởng những việc lặp đi lặp lại như thế này!
Tôi nhìn xuống tay. Bàn tay ngọc ngà – phần duy nhất trên cơ thể mà tôi thực sự cảm thấy tự hào. Giờ đây nó đã trở thành đôi bàn tay khổng lồ. Chúng phù lên và sưng húp đến mức chiếc nhẫn của Pasje như đang cắt vào ngón tay tôi. Chúng tôi mua chiếc nhẫn đó cách đây 13 năm tại de Haarlemmerstraat (Leiden), với giá 25 đồng guilder (tiền Hà Lan). Tuy vậy, chiếc nhẫn đó vẫn giúp tôi an ủi phần nào.
Tôi nhìn kỹ lại đôi tay mình. Mấy con đỉa khát máu đó vẫn đang tiếp tục tận hưởng! Chân tôi bây giờ cũng to lên gấp đôi. Trời đất! Tôi chỉ mang một chiếc giày. Mất chiếc còn lại khi nào vậy? Trên cái chân không giày đó bây giờ đầy vết thương. Móng chân tôi thì tím đen lại. Tôi chờ đợi. Tôi tính thời gian và tiếp tục chờ đợi. Nhưng mà mình đã đợi quá lâu rồi mà! Thật là kiên nhẫn quá đi! Tôi tự cười mình, cười cái tình huống cực kỳ trớ true của mình. Bệnh sợ phòng kín và thiếu kiên nhẫn. Không đủ kiên nhẫn để làm bất cứ chuyện gì. Tôi nghĩ tới chuyện tắm nắng ở Madrid, nhớ về việc tôi chẳng bao giờ có thể tắm nắng trong nửa tiếng. Đối với tôi, 20 phút là quá lâu và tôi không thể làm gì khác ngoài việc đánh bài chuồn. Tôi chẳng bao giờ chờ cho đến lúc tóc mình được sấy khô mỗi khi đi cắt tóc với cô bạn Helen ở Jacques Desanges. Lâu lắm, không có kiên nhẫn chờ.
Vậy mà bây giờ tôi ở đây, để chịu số phận bi đát là chờ đợi và ở yên một chỗ. Thật kiên nhẫn.
Nỗi sợ phòng kín của tôi chắc chắn là có liên quan tới sự thiếu kiên nhẫn. Tôi chỉ muốn liên tục di chuyển. Tôi ghét máy bay, dù là kích cỡ nào, khi chúng không chịu di chuyển như lẽ ra phải thế, khi chugns nằm yên trên đường băng. Tôi đã gặp chuyện này khi bay ở Washington DC, và khi đó Pasje phải thỏa thuận với tổ lái là tôi được đi vào buồng lái. Tôi “phải ra khỏi đây”. Nỗi sợ hãi khi “không động đậy” xảy ra ngay cả khi đi thang máy, trên tàu, hay ngồi trên thang đưa đến dốc trượt tuyết, thậm chí trong xe hơi.
Vậy mà bây giờ tôi lại ở đây. Kẹt cứng. Không sợ hãi. Chỉ biết chờ đợi.
Tôi hòa vào dàn âm thanh của khu rừng. Tiếng côn trùng vo ve. Tiếng dế réo rắt. Tiếng chim líu lo. Đều là những âm thanh quen thuộc. Chúng làm tôi nhớ lại bộ phim Lực lượng thầm lặng, bộ phim truyền hình dài tập chiếu trên đài truyền hình Hà Lan. Lúc xem phim đó mình bao nhiêu tuổi nhỉ? Chắc chừng 12? Bộ phim dựa trên một cuốn tiểu thuyết Hà Lan. Cả câu chuyện cứ mang một sắc thái tối tăm và huyền bí. Bây giờ tôi mới hiểu. Sự bí hiểm nằm trong không khí. Trong âm thanh. Chắc chắn phải là một cú sốc văn hóa cho những người Hà Lan khi phải đến một môi trường sống như vậy. Như bà tôi, người đã kết hôn thông qua mai mối. Bà đã đi khắp trái đất bằng tàu trong suốt cả cuộc đời với người đàn ông bà quen biết chỉ qua lớp khiêu vũ. Cha hay kể cho tôi nghe những câu chuyện đáng sợ về Mắt Quỷ hay những con người đáng sợ, theo cách nhìn của người phương Tây. Kể như chuyện cười, nhưng rõ ràng là sắc thái của những câu chuyện đó thì không đùa chút nào. Tôi thường mang mấy câu chuyện này ra kể lại cho cô em họ nghe mỗi khi cô bé sang ở nhà tôi. Làm vậy đúng là hơi ác. Cô em tôi lần nào nghe xong cũng hãi hung vì sợ. Còn tôi thì không. Lúc này cũng không.
Vậy nếu những nhân vật đáng sợ đó có xuất hiện ở đây ngay lúc này thì sao? Có lẽ sẽ làm tôi thấy bớt quạnh quẽ hơn vậy!
Phần tiếp theo: Chìm vào thế giới tự nhiên.