Trong thung lũng dưới sườn đồi, nơi những lá cờ của Israel và Mỹ được kéo cao, người Palestine nói vùng đất này từng thuộc về dân làng Arab, là nơi họ trồng cây vả, nho và lúa mì.
Mọi thứ xoay quanh Jerusalem luôn là chủ đề gây tranh cãi từ lâu. Thành phố thiêng là trung tâm của cuộc xung đột dai dẳng.
Một điều mà người Israel và Palestine đều đồng ý: quyết định của Mỹ, chuyển đại sứ quán nước này từ Tel Aviv tới Jerusalem vào lễ độc lập lần thứ 70 của Israel, đến vào một thời điểm mang tính biểu tượng. Nhưng sự đồng tình chỉ dừng ở đó.
Người Israel tin rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ quan điểm lâu đời của họ rằng Jerusalem là thủ đô cổ xưa của dân tộc Do Thái, và là nơi đặt các địa điểm thiêng liêng như Bức tường phía Tây và các ngôi đền cổ của người Do Thái.
Người Palestine thì bị xúc phạm bởi lập trường của Mỹ về thành phố có hơn 300.000 người Arab và là thành phố linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo.
Công nhân dùng cần trục treo cờ Mỹ cạnh cờ Israel, cạnh lối vào đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem, ngày 7/5. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã từ chối gặp các quan chức Mỹ, nói rằng Washington không thể được coi là nhà trung gian trung thực nữa.
Giống như mô hình thu nhỏ của Jerusalem, mảnh đất được lựa chọn để đặt đại sứ quán Mỹ cũng mang riêng mình nhiều phức tạp. Nó nằm tại Arnona, giờ là một cộng đồng với phần lớn cư dân là người Do Thái, ở phía nam thành cổ Jerusalem.
"Đất chẳng của ai"
Reuters cho biết địa điểm đặt đại sứ quán Mỹ nằm giữa Tây Jerusalem và một khu vực được gọi là No Man's Land (đất chẳng của ai), được tạo ra vào cuối cuộc chiến năm 1948 giữa Israel và các nước láng giềng khối Arab.
Sau thỏa thuận đình chiến năm 1949, lực lượng Israel rút về phía tây của phân giới được quy định, còn Jordan về phía đông. Khoảng đất trống ở giữa một số khu vực được gọi là No Man’s Land (đất chẳng của ai).
Một trong những khu vực đó là vùng giữa khu dân cư Do Thái Talpiot và các ngôi làng Arab ở phía đông.
Nơi đây vẫn là khu phi quân sự cho đến Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, khi Israel chiếm được Bờ Tây từ Jordan, sau đó mở rộng biên giới của Jerusalem và sáp nhập một số làng Arab vào thành phố.
Động thái này không được quốc tế công nhận còn người Palestine tiếp tục đòi lại Đông Jerusalem, cho rằng đó phải là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Vào tháng 2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert thừa nhận rằng địa điểm đặt đại sứ quán "nằm một phần ở Tây Jerusalem và được gọi là 'Đất chẳng của ai'".
Điều này đã được một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc xác nhận. "Theo luật pháp quốc tế, đó vẫn là lãnh thổ bị chiếm đóng, bởi cả hai bên đều không có quyền chiếm giữ khu vực giữa các đường phân giới", ông nói với Reuters.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với phu nhân Sara Netanyahu, cố vấn cao cấp Nhà trắng Jared Kushner và con gái tổng thống Mỹ Ivanka Trump dự lễ khánh thành đại sứ quán mới của Mỹ tại Jerusalem ngày 14/5. Ảnh: AP. |
Khi Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ông để ngỏ cho Israel và Palestine tự phân chia thành phố giữa họ bằng cách nói rằng mình không có ý định "giải quyết các biên giới trong tầm tranh chấp".
Nabil Shaath, nhà ngoại giao kỳ cựu của Palestine, cho biết việc di dời đại sứ quán có thể phức tạp hóa các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. "Đặt đại sứ quán tại No Man's Land thực sự đã vi phạm về mặt nhân khẩu học và địa lý của Jerusalem," ông nói tuần trước.
Tuy nhiên, Yossi Beilin, nhà cựu đàm phán hòa bình của Israel, cho biết vị trí của đại sứ quán không quan trọng đối với việc khôi phục tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.
"Cuối cùng, nếu phải hòa giải ở Jerusalem, như tôi hy vọng, thì chúng tôi sẽ phải vẽ ra một đường phân giới rất chính xác và sẽ phải đền bù", Reuters dẫn lời Beilin.
Tận cùng thế giới
Vào một ngày trời quang đãng, Biển Chết và Jordan có thể được nhìn thấy từ con phố chạy phía trên khu đại sứ quán.
Con đường đó từng là rìa của Talpiot, một khu dân cư được xây dựng vào những năm 1920 bởi những người nhập cư Do Thái mới đến và là nơi ở của những nhân vật như S.Y. Agnon, cha đẻ nền văn học Do Thái hiện đại từng đoạt giải Nobel năm 1966.
Công trường xây dựng gần đại sự quán Mỹ tại Jerusalem. Ảnh: Reuters. |
Nhiều thập kỷ sau, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Israel, Amos Oz, đã viết trong cuốn tự truyện năm 2002 có tựa A Tale of Love and Darkness (tạm dịch: Truyện kể về Tình yêu và Bóng tối) kể lại những ký ức thời thơ ấu của ông về Talpiot.
Trong cuốn sách, Oz kể mình đến thăm người chú tên Joseph Klausner, một học giả nổi tiếng và là đối thủ của Agnon. Oz mô tả dì và chú của mình đi bộ xuống đường phố phía trên thung lũng vào một buổi tối thứ bảy:
"Ở cuối đường cụt, cũng là nơi kết thúc của Talpiot, kết thúc của Jerusalem, và tận cùng của vùng đất định cư: vượt ra ngoài những ngọn đồi ảm đạm, cằn cỗi của sa mạc Judean. Biển Chết lấp lánh phía xa như một đĩa thép nóng chảy... Tôi có thể thấy họ đang đứng đó, ở điểm tận cùng của thế giới, trên bờ vực hoang vu".
Thế nhưng Mohammad Jadallah, 96 tuổi, một người Palestine ở làng Sur Baher nằm phía kia của thung lũng lại kể rằng ông nhớ thế hệ cha mình từng canh tác đất ở chính nơi đó.
"Mọi thứ đã thay đổi. Bây giờ đại sứ quán Mỹ tồn tại ở đây. Họ chống lại người Arab và người Palestine", ông nói.