Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chốn nương náu của mỗi người

Tình cảm gia đình được bồi đắp mỗi ngày bằng tình yêu thương và ký ức. Nhờ vậy, những người ở thế giới bên kia được tái sinh một lần nữa, họ vẫn sống trong trái tim người ở lại.

Nguoi con anh 1

Bức tranh Đã trở về của họa sĩ Sergey Grigoriev. Ảnh: The Men.

Georges Simenon để lại dấu ấn khó phai trong lòng độc giả bởi loạt tiểu thuyết trinh thám về nhân vật thanh tra Maigret. Ông có sự nghiệp đồ sộ với 200 cuốn tiểu thuyết, 155 truyện ngắn và 25 cuốn tự truyện. Nhà văn người Bỉ luôn nỗ lực làm mới bản thân trong sáng tác, bên cạnh tiểu thuyết trinh thám, ông viết về nhiều đề tài khác như: tình yêu, gia đình, mất mát thời hậu chiến.

Gần đây, tiểu thuyết Người con của Georges Simenon đã được dịch ra tiếng Việt. Đây là một tác phẩm về đề tài gia đình, có nhiều yếu tố tự truyện. Bằng lối kể chuyện dung dị và điềm tĩnh, nhà văn đã lột tả được nỗi bất an của một người cha trước sự xa cách của đứa con đang bước vào tuổi trưởng thành, từ đó bày tỏ nỗi ân hận với người cha quá cố.

Con cái là sự tái sinh của cha mẹ

Trong đám tang của cha mình, Alain Lefrançois mới có dịp quan sát kỹ cậu con trai 16 tuổi Jean-Paul. Cậu thiếu niên ấy cao lớn hơn và có nhiều nét giống Alain trước kia. Người đàn ông trung niên chợt nghĩ sau này khi già nua và trở thành một ông lão, liệu mình có mang dáng vẻ giống cha hay không.

Nguoi con anh 2

Tiểu thuyết Người con của Georges Simenon. Ảnh: Quỳnh Anh.

Đã lâu, Alain và cha anh không nói chuyện. Tuổi tác, khoảng cách thế hệ và những quan điểm trái ngược trong suy nghĩ, khiến họ dần trở nên xa cách. Trong bầu không khí tĩnh lặng và trang nghiêm của tang lễ, Alain cố lục lọi trong trí nhớ xem lần cuối mình và cha tâm sự là khi nào. Người con trai không tìm được một mốc thời gian cụ thể, có thể là trước khi mẹ anh qua đời.

Khi Alain còn là một cậu thiếu niên, anh và cha mình từng rất thân thiết. Ông Phillippe Lefrançois khi ấy là tỉnh trưởng, dù công việc khá bận rộn, nhưng ông vẫn dành thời gian trò chuyện với con trai. Hai cha con không nói chuyện về chính trị hay kinh tế, người cha kể cho con trai những câu chuyện của gia đình.

Đáng tiếc, giờ đây Alain và Jean-Paul không có được sự gần gũi cần thiết ấy, cha con họ chẳng có chuyện gì để nói cùng nhau. Jean-Paul thích đi xem chiếu bóng cùng đám bạn hơn là trò chuyện với cha mẹ. Alain lo sợ rằng một mai khi anh chết đi, những câu chuyện của gia đình Lefrançois sẽ bị quên lãng.

Để ngăn điều đó xảy ra, Alain quyết định viết nhật ký, anh sẽ dùng nó để lưu giữ những ký ức của gia đình. Người cha ấy tin rằng một ngày nào đó cậu con trai Jean-Paul sẽ tìm đọc nó.

Gia đình được dựng xây từ tình yêu thương và ký ức

Những câu chuyện đáng nhớ trong quá khứ của từng thành viên trong gia đình Lefrançois được Alain kể một cách tường tận. Alain chắc rằng cậu con trai của mình không có chút ký ức gì về bà nội. Mẹ của anh qua đời khi Jean-Paul còn quá nhỏ, nhưng Alain vẫn muốn con trai mình nhớ tới bà nội, dù thông qua ký ức của cha.

Nguoi con anh 3

Nhà văn người Bỉ Georges Simenon. Ảnh: Louis Monier/AFR.

Chuyện tốt và cả chuyện xấu của các thành viên trong gia đình đều được Alain kể lại. Anh không bao che cho bất kỳ ai, kể cả bản thân mình. Chuyện quá khứ, dù tốt đẹp hay xấu xa đều là một phần của gia đình.

Thời gian trôi qua, biến cố giúp con người tỉnh ngộ, lỗi lầm và khiếm khuyết đã không còn là điều đáng để chúng ta bận tâm. Đó chính là sự bao dung của tình thân, thứ tình cảm thiêng liêng chúng ta có được khi trở về nhà.

Alain kể lại một cách chi tiết câu chuyện tình của anh và vợ. Họ đã quyết định cưới nhau khi chiến tranh nổ ra và vượt nhiều chông gai để xây dựng gia đình nhỏ của riêng mình.

Những câu chuyện liên quan tới gia đình nhà vợ, cũng được Alain kể một cách trìu mến, chuyện về người cha vợ luôn tin mình mang dòng máu hoàng tộc, chuyện về những cô em vợ cùng chồng bôn ba khắp nơi… Có lẽ, Jean-Paul rất khó có dịp gặp gỡ những người dì đó, nhưng cậu thiếu niên ấy vẫn phải biết về họ.

Qua những câu chuyện ấy, Alain muốn nói với con trai về hôn nhân. Gắn bó với ai đó trọn đời là một quyết định lớn lao, chúng ta sẽ bước vào một gia đình lớn, học cách yêu thương và sẻ chia với những người xa lạ, không cùng huyết thống. Đó là một bài học khó khăn và cần nhiều kiên nhẫn.

Hồi tưởng lại quá khứ của gia đình, Alain Lefrançois học cách đối diện với chính mình và những lỗi lầm mà anh vẫn cố quên. Làm bố, gánh vác trên vai là gia đình nhỏ của riêng mình, Alain mới thấu hiểu những áp lực mà cha anh đã chịu đựng trong quá khứ.

Giống như nhiều đứa con khác, Alain Lefrançois không muốn có một cuộc đời giống như cha mình. Nhưng khi đã sống quá nửa đời người, anh nhận ra mình giống cha tới kỳ lạ. Trở thành một người bố, lo lắng trước sự xa cách của con cái, Alain thấy xót xa trước sự cô đơn mà cha anh đã nếm trải trong nhiều năm trời, kể từ khi vợ qua đời.

“Chúng ta sống lại trong con cái mình”. Người con trai trong cuốn tiểu thuyết đã nhận ra điều đó khi vĩnh biệt cha già và nhìn đứa con đang lớn. “Người con” mà Georges Simenon muốn nhắc tới là ai? Đó có phải là cậu thiếu niên vô ưu Jean-Paul hay người đàn ông từng trải, đang tự chất vấn chính mình Alain Lefrançois?

Georges Simenon đã kể một câu chuyện cảm động về gia đình mà không cần tới bi kịch và nước mắt. Độc giả sẽ cảm thấy rưng rưng trước sự hy sinh của cha mẹ và những nuối tiếc của con cái khi không chịu hạ thấp cái tôi để hiểu cho đấng sinh thành. Gia đình giống như một cái cây, nó cần chúng ta bảo vệ và vun đắp hàng ngày.

Nhà chồng con gái Đề Thám ở Pháp giàu có và tiếng tăm như thế nào

Mùa hè năm 1931, Hoàng Thị Thế kết hôn với Robert Bourgès, con trai của một gia đình buôn rượu vang tại Bordeaux lâu đời và giàu có.

Mười ba tuổi, Will Smith từng muốn tự tử vì gia đình tan vỡ

Trong hồi ký, Will Smith kể về biến cố năm 13 tuổi, những dằn vặt khi cha mẹ ly thân.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm