Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chọn ngày đẹp lên Hà Nội, khách bị chặt chém ở bến xe

Ngày 24/2 tức ngày mùng 6 Tết, được cho là ngày lành tháng tốt nên lượng người chọn lên thành phố đông đúc, kéo theo các dịch vụ chặt chém ở bến xe lại được dịp tung hoành.

Mặc dù ngày 8/1 âm lịch công ty mới khai xuân nhưng do mùng 6 tốt ngày nên chị Hoa (Thanh Hóa) quyết định bắt xe lên Hà Nội để làm việc. Tuy nhiên, hôm nay cũng là ngày nhiều người lên Hà Nội làm việc nên các xe khách gần như chật kín người. Nhà xe thi nhau "lèn" người, khách ngồi không có chỗ duỗi chân. Không những ép khách ngồi 6 người trên hàng ghế 4 chỗ, các chủ xe còn tăng giá vé đến 150.000 đồng/người trong khi ngày thường chỉ có 100.000 đồng.

Được cho là ngày đẹp, mùng 6 Tết nhiều người bắt xe lên Hà Nội làm việc kéo  theo nhiều dịch vụ chặt chém. Ảnh: Ngọc Lan.

Chị Hoa cho biết mong muốn chọn ngày lành đi làm nhưng hết cục tức này đến cục tức khác dồn lên tận cổ: "Vừa lên Hà Nội, do nắng nóng mỏi mệt nên mình ghé vào quán ăn, gọi tô phở lèo tèo vài cọng bánh, thịt, chủ quán hét giá lên đến 50.000 đồng/tô, trong khi ngày thường chỉ 30.000 đồng. Nhưng đã trót gọi chủ quán làm rồi nên phải ăn".

Cũng tránh đi mùng 5 và 7 theo quan niệm là gặp xui xẻo nên sáng mùng 6, Chiều - sinh viên Đại học Công nghiệp bắt xe từ Thái Bình lên Hà Nội. Mặc dù không bị "chặt chém" nhưng theo Chiều, do đông khách nên nhà xe cũng nhồi nhét khách. 11h trưa lên đến Hà Nội, phải mang nhiều thực phẩm, quần áo và gạo lên dự trữ nên Chiều phải bắt xe ôm về nhà trọ ở Mễ Trì Hạ.

"Mọi lần đi xe ôm từ bến xe Mỹ Đình về phòng trọ chưa đầy 4 km, mình chỉ mất 15.000 đồng nhưng hôm nay, mấy người xe ôm chèo kéo, hét giá lên đến 70.000 đồng, cộng 10.000 đồng tiền chở đồ. Cuối cùng, mình phải đi bộ ra tận đường Phạm Hùng, đi xe ôm với giá 40.000 đồng". 

Nhiều quán ăn hét giá gấp 3-4 lần so với ngày thường. Ảnh: Ngọc Lan.

"Mùng 6 được cho là ngày đẹp nhưng với tôi thì quá tệ, bởi lẽ không những bị 'nhồi nhét' trên xe khách mà phải trả mức giá đắt đỏ cho các dịch vụ kèm theo", anh Tuấn Anh, vừa bắt xe từ Nghệ An đến Hà Nội chia sẻ. Phải đi gấp, chưa chuẩn bị đồ ăn nên tại điểm nghỉ giữa đường, anh Tuấn Anh hỏi mua một quả trứng luộc với giá 10.000 đồng, tô mì không 25.000 đồng, cao hơn 5.000 đồng so với ngày thường. Khi lên đến bến xe Giáp Bát, uống một cốc trà đá, chủ quán hét giá 10.000 đồng, gấp 3 lần bình thường. Nhưng vì hàng nào cũng báo giá như vậy nên anh Tuấn Anh vẫn phải chấp nhận mua.

Chị Hương, chủ quán nước tại bến xe Mỹ Đình cho biết, cả năm mới có vài ngày Tết nên cũng tranh thủ bán hàng. Hơn nữa, mùng 6 tốt ngày, khách lên đông, trong khi rất ít hàng mở nên chị mặc nhiên hét giá cao mà không lo thiếu khách.

Còn với chị Hà, chủ quán ăn bình dân gần bến xe Mỹ Đình thì sau Tết, giá rau cỏ, thực phẩm đắt đỏ, kéo theo giá đồ ăn cũng tăng lên. "Mấy ngày gần đây, ít siêu thị mở cửa, hàng hóa tại chợ cũng khan hiếm nên nhiều hàng quán không có đồ để làm. Nếu như nhà tôi không dự trữ nguyên liệu sẵn từ trước thì khách dù có tiền cũng không có đồ mà mua", chị Hương nói.  

Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm sau Tết tuy trời nắng, rau dễ phát triển nhưng giá rau xanh tăng mạnh. Hiện tại, su hào từ mức 3.000-4.000 đồng/củ tăng lên 6.000-7.000 đồng/củ; cải cúc tăng gấp đôi lên 5.000 đồng/mớ; rau cần, cải thảo và một số loại củ khác cũng có mức biến động giá tương tự.

Đặc biệt, các loại rau gia vị như hành tươi, húng, xà lách, húng… tăng 1.000-2.000 đồng/mớ. Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, các loại thịt, cá cũng tăng, giá sườn heo, cá quả dao động từ 150.000-160.000 đồng/kg trong khi trước Tết chỉ 120.000 đồng/kg.

Sau Tết, giá hàng hóa vẫn cao

Chợ, siêu thị đã mở cửa trở lại, chủ yếu bán phục vụ buổi sáng. Hàng hóa sau Tết dồi dào nhưng nhiều mặt hàng giá bán vẫn còn cao.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm