Cách đây hơn 4 năm, phong trào nuôi nhím ở miền Tây phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, đầu ra của loài vật nuôi này rất bấp bênh. Trong khi đó, chồn mướp là vật nuôi mới lạ, cho giá trị kinh tế cao mà số lượng hộ nuôi không nhiều. Vì thế, anh Nhi dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi, cách làm chuồng thông qua các kênh thông tin đại chúng. Anh cho biết: “Sau khi đi tham quan tận mắt mô hình ở huyện Long Mỹ thấy được hiệu quả từ nuôi loài vật này nên tôi quyết định nuôi". Nghĩ là làm, với số vốn gần 20 triệu đồng, anh mua về 6 con chồn bố mẹ.
Ban đầu, anh Nhi nuôi thử 3 cặp chồn bố mẹ. Sau hơn 12 tháng đàn chồn đã tăng lên 16 con. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên đàn chồn bị hao hụt. Chị Lê Thị Diễm Thơ, vợ anh Nhi kể, chồn chết nhiều do ăn phải thịt gà, vịt chết do hai vợ chồng anh chị hám rẻ mua ngoài chợ về. Qua đợt đó, đàn chồn chỉ còn lại 4 con. Không chịu bỏ cuộc, vợ chồng anh Nhi quyết tâm học hỏi kinh nghệm thông qua Internet và mô hình thực tế. Từ đó, đàn chồn phát triển và số lượng chồn nuôi tăng lên.
Thức ăn chủ yếu của chồn mướp là các loại chuối chín. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo anh Nhi, nuôi chồn khá đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc và chi phí. Với chồn sinh sản, ngườ nuôi cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều, còn chồn giống, thương phẩm chỉ cần 1 lần vào buổi tối. Thức ăn chủ yếu là chuối chín, cá, chuột, đầu gà. Tuy nhiên, đầu gà phải được nấu chín trước khi cho ăn để chồn không bị nhiễm bệnh.
Loài động vật này rất phù hợp với việc nuôi nhốt. Vì thế, lồng nuôi phải có chiều dài 1 m, rộng 80 cm, cao 60 cm, chi phí từ 300.000 – 500.000 đồng/lồng. Chồn sau 12 - 14 tháng nuôi bắt đầu sinh sản, nhưng tốt nhất người nuôi nên canh chồn đạt 2,5 - 4 kg/con để khi đẻ, chồn cho hiệu quả lớn. Cách kiểm soát cân nặng, theo anh Nhi, là cân đối độ đạm ở mức phù hợp thông qua việc điều chỉnh lượng thức ăn.
Chồn rất thích hợp cho việc nuôi nhốt. Với mỗi chiếc lồng người nuôi phải bỏ chi phí từ 300.000 đến 500.000 đồng. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Chuồng nuôi chồn tốt nhất được xây có độ dốc để thoát nước tiểu và dễ dàng vệ sinh. Đối với chuồng gỗ thì đóng khoảng cách thưa để cho chồn thải phân, anh chia sẻ.
Chồn rất dễ nuôi, tuy nhiên cũng thường mắc bệnh tiêu chảy. Để tránh loại bệnh này thì người nuôi không nên cho ăn các loại cá, chuột, gà, vịt chết và nhiều mỡ. Để chồn cho sinh sản đều, chuồng nuôi phải được xây dựng gần nhà. Vì khi chồn lên giống (con cái) sẽ phát ra tiếng kêu nên cần phát hiện và cho chồn đực vào giao phối 3 - 4 lần, mỗi lần cách nhau từ 1 đến 2 ngày để chồn đực lại sức, tăng khả năng thụ tinh.
Thường sau 12 – 14 tháng nuôi, chồn đạt trọng lượng từ 2,5 kg/con trở lên sẽ bắt đầu cho sinh sản. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo chị Thơ, chồn cái và đực được nuôi riêng biệt, chỉ khi giao phối mới ghép đôi lại. Vì nếu nuôi chung thì chồn dễ tấn công dẫn đến hao hụt. Chồn từ khi phối giống đến sinh sản khoảng 60 - 65 ngày. Chồn bố mẹ mỗi năm cho sinh sản 2 - 3 đợt (tùy theo thời gian tách đàn), mỗi đợt từ 2 đến 4 con. Sau 1 tháng 20 ngày sống chung với chồn mẹ, chồn con được tách đàn và nuôi dưỡng bằng thức ăn với thời gian 10 ngày thì xuất bán. Theo tính toán, mỗi ngày chồn ăn 3 - 4 trái chuối, dặm thêm cá, chuột thì chi phí đầu tư trên dưới 2.000 đồng/con.
Mỗi năm, với việc nuôi 13 chồn bố mẹ, anh Nhi xuất bán từ 35 - 40 con chồn giống 2 tháng tuổi (trọng lượng từ 600 đến 700 gram/con) cho các hộ nuôi ở Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang. Với mức giá 2 triệu đồng/con, trừ chi phí, anh thu lãi trên 70 triệu đồng. Đàn chồn của anh Nhi sinh sản rải rác và nuôi với số lượng ít nên không đủ đáp ứng cho nhu cầu của các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh. Nhiều hộ nuôi phải đặt hàng trước đến nửa năm.
Sau sinh 2 tháng chồn con có trọng lượng từ 600 đến 700 gram được bán với giá 2 triệu đồng/con. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo một số hộ nuôi chồn, giá bán chồn giống đứng ở mức cao do chất lượng thịt của loài vật này thơm ngon, bổ dưỡng và nguồn cung trên thị trường ít.
Ông Nguyễn Bảy Học, một chủ cơ sở ươm ếch ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) cho biết, giờ việc nuôi ếch không đem lại nguồn lợi nhuận như trước vì chi phí đầu tư tăng mà nguồn thu mua hạn chế nên việc sản xuất nhỏ lẻ. Vì vậy, mấy năm gần đây thấy một số hộ dân nuôi chồn mướp có hiệu quả, ông định chuyển sang đầu tư. Tuy nhiên, đã mấy tháng trời đặt mua chồn con mà vẫn không mua được.
Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh, cho biết: “Toàn huyện có 72 sổ đăng ký nuôi động vật hoang dã với 8.883 cá thể, chủ yếu là ba ba, cua đinh, trăn và chồn mướp. Với chồn mướp, hiệu quả kinh tế của loài vật nuôi này rất cao. Mặc dù, chồn thương phẩm có giá bán từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg, nhưng do các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ nên chủ yếu là bán giống”.