Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chọn lọc thông tin trong thời đại của tin giả

Sách "Đừng như con ếch lên dây cót" dùng khoa học để phản biện những thông tin được xem là "thuần túy khoa học", từ đó cho người đọc một bộ công cụ phục vụ chọn lọc thông tin.

Suốt lịch sử nhân loại, có lẽ chưa bao giờ khoa học được đặt ở vị thế cao như một thế kỷ qua. Khoa học dường như được phổ cập rộng rãi hơn bao giờ hết: các môn khoa học cơ bản được giảng dạy trong hệ thống giáo dục từ bậc tiểu học, thậm chí là mầm non ở nhiều nước; sách, khóa học khoa học thường thức đa dạng, dễ tiếp cận. Gần hết một phần tư đầu tiên của thế kỷ 21, phổ cập khoa học càng phong phú hơn nữa với mạng lưới thông tin số khổng lồ và vô số người làm sáng tạo nội dung tự do.

Nhưng có vì vậy mà người tiếp nhận hiểu khoa học hơn và dùng kiến thức ấy phục vụ đúng đắn cho các lựa chọn trong cuộc sống? Trong Đừng như con ếch lên dây cót, tác giả Nguyễn-Kim Mai Thi đã phân tích cặn kẽ những quan niệm thường thấy được cho là dựa trên nghiên cứu khoa học, để chỉ ra rằng bức tranh toàn cảnh thì rộng lớn và đa chiều hơn rất nhiều.

Học cách hoài nghi phương pháp khoa học

Cuốn sách bao gồm 9 chương, bàn luận đa dạng các vấn đề: các khía cạnh phức tạp xoay quanh hợp pháp hóa chất gây nghiện, mối quan hệ giữa trò chơi điện tử và bạo lực, chênh lệch lương theo giới tính, dược phẩm và liệu pháp y học thay thế, độ an toàn của vaccine, tính di truyền của trí thông minh, khác biệt trong suy nghĩ giữa nam giới và nữ giới, vấn đề đạo đức xoay quanh thử nghiệm trên động vật.

dung nhu con ech anh 1

Sách Đừng như con ếch lên dây cót.

Mỗi chương mở đầu với "Câu hỏi gài" nơi tác giả đặt cho người đọc một câu hỏi quen thuộc, mà nhiều người ngỡ đã có câu trả lời hiển nhiên.

Câu hỏi của chương 1 là: "Nên để mức độ tác hại của chất gây nghiện quyết định tính hợp pháp của nó hay không?" Phần đa độc giả có lẽ sẽ chọn đáp án "Nên". Song chính ở điểm này, Mai Thi đã chỉ ra một lỗ hổng: mức độ tác hại của chất gây nghiện được xếp hạng rất "tùy tiện".

Năm 2009, sau nỗ lực bất thành muốn loại chất tổng hợp ectasy khỏi hạng A trong bảng phân loại chất gây nghiện, nhà dược học-tâm thần người Anh David J. Nutt bị loại khỏi Hội đồng tư ấn về việc dùng thuốc sai mục đích của chính phủ Anh. Sau đó, Nutt đã lập nhóm chuyên gia độc lập về chất gây nghiện, công bố bảng xếp hạng làm cả thế giới kinh ngạc:

dung nhu con ech anh 2

Ảnh chụp từ sách.

Dễ nhận thấy điểm gây kinh ngạc của bảng xếp hạng này chủ yếu nằm ở chỗ rượu và thuốc lá được xếp cao hơn cả cần sa, khác với cách đánh giá và thống kê, xếp hạng của nhiều báo cáo khoa học hay các quốc gia khác.

Ở đây, Mai Thi lưu ý người đọc chú ý đến một điều quan trọng không kém kết quả nghiên cứu: đó là phương pháp nghiên cứu. Theo đó, phương pháp Nutt sử dụng là Phân tích quyết định đa tiêu chí (Multicriteria Decision Analysis, MCDA) gồm 3 bước: xác định tất cả tiêu chí cần xem xét (như trong trường hợp này là tác động của chất gây nghiện trên khía cạnh thể chất, tâm lý, xã hội), đánh giá từng tiêu chí theo một thang điểm, định lượng và gán cho mỗi tiêu chí một hệ số tỷ trọng.

Vậy là nhược điểm lớn nhất của phương pháp này lộ rõ: ngay từ bước đầu nó đã rất chủ quan. Từ đây, Mai Thi đưa đến kết luận có lẽ không mấy dễ chịu: "một đánh giá bao quát về mức độ nguy hại của các chất gây nghiện sẽ luôn luôn chủ quan".

Hiểu đúng khoa học

Tác giả mở rộng bàn luận về một số phương pháp đánh giá khác, phương án gia giảm tình trạng sử dụng chất gây nghiện của một số quốc gia và cả việc lựa chọn nguồn thông tin khoa học để đưa ra chính sách. Lưu ý về "những nhược điểm và những sự không chắc chắn về mặt phương pháp", tác giả cảnh báo rằng "khoa học được chấp nhận như sự thật mà không suy xét kỹ thì thậm chí điều này còn có thể gây tổn hại nhiều hơn".

Bên cạnh phương pháp khoa học được nhấn mạnh xuyên suốt, tác giả còn đề cập và giải thích súc tích, dễ hiểu nhiều khái niệm khác để hiểu báo cáo khoa học: mối tương quan (khi so với quan hệ nhân quả, khi dưới dạng "dự báo thống kê); cỡ tác động; kiến thức cơ bản về thử nghiệm lâm sàng, miễn dịch cộng đồng, quá trình điều chế, thử nghiệm và sản xuất vaccine,...

Bên cạnh những trường hợp điển hình được tác giả chọn phân tích kỹ lưỡng và trình bày hấp dẫn, trực quan, sinh động mang đến một góc nhìn khoa học, có lẽ điều hay nhất ở một cuốn sách như thế này là dựa trên những ví dụ vốn giới hạn, độc giả được trang bị các công cụ mang tính phổ quát hơn, có thể ứng dụng vào việc tiếp nhận, xử lý thông tin ở đa dạng các lĩnh vực khác nhau.

dung nhu con ech anh 3

Nguyễn-Kim Mai Thi trong một video trên kênh Youtube phổ biến khoa học của mình.

Nguyễn-Kim Mai Thi là Tiến sĩ hóa học người Đức gốc Việt và đồng thời là một nhà báo chuyên về khoa học. Cô điều hành hai chương trình khoa học Terra X (đài truyền hình Đức số 2 ZDF) và MAITHINK X (đài ZDF-neo), sản xuất kênh YouTube maiLab với hàng triệu lượt đăng ký. Cô được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá, gồm Huân chương Công trạng của nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức và Huân chương Leibniz.

Năm 2019, cô ra mắt cuốn sách đầu tiên Ngộ quá, cái gì cũng HÓA! (đã được xuất bản tiếng Việt năm 2023). Cuốn sách lập tức trở thành best-seller, được dịch sang nhiều thứ tiếng. Đừng như con ếch lên dây cót (nguyên tác tiếng Đức: Die kleinste gemeinsame Wirklichkeit, 2021) là tác phẩm best-seller tiếp theo của cô, với hơn 165.000 bản đã bán ra.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tâm Anh

Bạn có thể quan tâm