Sáng đầu năm 2017, anh Lê Văn Bé (Chín Suối, 43 tuổi, ngụ xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết gia đình đang có kế hoạch mở khu nhà hàng ven bãi biển dài 360 m. Đây là khu đất mà vợ chồng anh khai phá cách nay 23 năm, từ khi rời đất liền ra đảo ngọc.
Người đàn ông nước da sạm nắng kể rằng quê anh ở huyện Hòn Đất, cha mẹ là nông dân. Thời trai trẻ, anh Bé ngày làm ruộng, đêm giăng câu bắt cá bán để sống qua ngày.
Anh Bé kể chuyện ra đảo lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Ảnh: Việt Tường. |
Một ngày giữa tháng 4/1993, anh Bé bán 20 kg cá được 47.000 đồng. Đưa vợ đi Hà Tiên chơi hết số tiền này, người nông dân mơ thoát nghèo khi nhìn thấy mọi người từ đất liền khăn gói xuống tàu có ghi bốn chữ "Hà Tiên - Bắc Đảo".
"Bắc Đảo ở đâu mà nhiều người muốn ra đó lập nghiệp khiến tôi thắc mắc. Trong túi không còn đồng nào nhưng tôi rủ vợ làm liều một chuyến. Không có tiền nên tôi đưa giấy tờ tùy thân cho chủ tàu giữ rồi ra đảo làm thuê kiếm tiền chuộc lại", chủ trại chó xoáy Bé Thúy nhớ lại.
Những ngày anh Bé mới đặt chân lên đảo ngọc, Gành Dầu còn hoang vu, chỉ có khoảng 20 người cất nhà ở tạm bợ để khai khẩn đất hoang. Khi đó, trung tâm hành chính xã là Cửa Cạn cách Gành Dầu khoảng 15 km nhưng anh Bé đi đăng ký tạm trú mất 2 ngày do phải lội bộ men theo bìa rừng.
"Nghề đầu tiên tôi làm ở đảo là đốt than củi thuê cho một nhóm người đến trước. Khi có được ít tiền, tôi trả nợ chủ tàu và mua dụng cụ đào ao nuôi cá, xới đất trồng rau bán vì người dân trên đảo khi đó rất cần rau xanh", anh Bé nhớ lại.
Ngày đầu năm 2017, anh Bé cắt rau mang ra chợ bán. Ảnh: CTV. |
Nhờ chịu khó khai phá đất hoang và chí thú làm ăn, ba năm sau anh Bé sở hữu khoảng 2 ha đất ven biển Bãi Dài. Ngoài nuôi cá và trồng rau, người nông dân này mở trại nuôi heo, nuôi chó xoáy Phú Quốc, chồn, nhím... với quy mô trang trại.
"Hồi đó tụi tôi thấy ông Bé ngày nào cũng chở rau ra chợ mà không rõ tên anh ấy. Chỉ biết anh Bé thứ 9, trước nhà có con suối nên mọi người gọi nông dân này là Chín Suối đến tận bây giờ", anh Út Lương ở chợ Gành Dầu kể.
Theo anh Bé, hiện mỗi ngày anh bán rau các loại được khoảng 450.000 đồng. Đàn chó xoáy gần 100 con có giá 5-15 triệu đồng/cặp đã giúp gia đình có tổng thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng.
"Đất đai có được từ hai bàn tay trắng có thể bị chính quyền địa phương thu hồi để giao cho doanh nghiệp đầu tư khu du lịch. Tổng giá trị khu đất của gia đình lên đến vài chục tỷ đồng nhưng giá bồi thường chỉ hơn 1 tỷ đồng. Nếu không bị thu hồi đất ven biển, tôi sẽ đầu tư khu nhà hàng", anh Bé chia sẻ.
Đàn chó xoáy của trang trại Bé Thúy. Ảnh: Việt Tường. |
Trao đổi với Zing.vn, bà Lê Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu, cho biết gia đình anh Bé được đánh giá là hộ sản xuất giỏi, cả vợ chồng đều chí thú làm ăn nên xứng đáng được tuyên dương.