Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cho ý kiến về hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, quy định giải trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, không phải theo giám sát hay pháp luật, tức là không giới hạn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Theo đó, từ khi Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015 được ban hành, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tính từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện được 31 phiên giải trình, trong đó có một số phiên giải trình do hai Ủy ban cùng phối hợp tổ chức.

Việc tổ chức các phiên giải trình đã góp phần làm rõ, giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, bức xúc trong đời sống xã hội, những vấn đề “nóng,” mang tính thời sự, được cử tri và nhân dân quan tâm; qua đó, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đã được quy định cơ bản trong một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân...

Tuy nhiên, các quy định mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nên việc tổ chức các phiên giải trình cũng còn gặp không ít khó khăn, lúng túng, thiếu thống nhất trong việc quyết định lựa chọn vấn đề giải trình; việc xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức phiên giải trình, kết luận vấn đề được giải trình; việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá thực hiện kết luận vấn đề được giải trình...

Do đó, chưa tạo được tính chủ động cho các chủ thể yêu cầu giải trình, người được yêu cầu giải trình, cá nhân, tổ chức có liên quan cũng như các cơ quan, đơn vị phục vụ hoạt động giải trình; thiếu thông tin mang tính phản biện, thiếu sự tham dự của chuyên gia hoặc đối tượng chịu tác động của chính sách nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giải trình.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục bất cập, hạn chế, nhất là về trình tự, thủ tục, bảo đảm yêu cầu “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,” việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thống nhất, đưa công tác giải trình đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội.

Về tính chất, vai trò của hoạt động giải trình, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi hướng dẫn của dự thảo Nghị quyết; cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một trong các phương thức hoạt động giám sát, không phải là hoạt động thuộc lĩnh vực lập pháp.

Ý kiến khác đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi hướng dẫn của dự thảo Nghị quyết theo hướng hoạt động giải trình không chỉ trong hoạt động giám sát mà cả trong hoạt động lập pháp, với tính chất là một kênh để thu thập thông tin phục vụ cho việc thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, các cơ quan của Quốc hội tổ chức các cuộc họp để nghe cơ quan xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết giải thích, cung cấp thông tin về các chính sách, nội dung trong các dự án được trình, tương tự như hoạt động điều trần của nghị viện một số nước.

Thuong vu Quoc hoi anh 1

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một phương thức hoạt động giám sát, không phải là hoạt động của công tác lập pháp. Điều này khác với hoạt động điều trần của nghị viện một số nước. Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết này là văn bản hướng dẫn việc thi hành các quy định của các luật có liên quan nên cần phải phù hợp với quy định của các luật.

Vì vậy, dự thảo Nghị quyết cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là một trong các phương thức của hoạt động giám sát, không mở rộng ra hoạt động lập pháp. Tổng Thư ký Quốc hội ghi nhận ý kiến này và sẽ chuyển nội dung này đến cơ quan soạn thảo để tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân trong thời gian tới.

Về số lượng tối thiểu phiên giải trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức theo chương trình giám sát hằng năm, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại khoản 2 Điều 6 của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, hằng năm, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức ít nhất 1 phiên giải trình theo chương trình giám sát. Ý kiến khác cho rằng không nên quy định cứng như dự thảo, vì việc tổ chức phiên giải trình phải căn cứ vào tình hình cụ thể và điều kiện, khối lượng công việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm; do đó, nên giao quyền quyết định số lượng phiên giải trình cho Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tính chất của hoạt động giải trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo xác định phạm vi hướng dẫn không mở rộng đối với “giải trình” trong công tác xây dựng pháp luật. Về số lượng tối thiểu phiên giải trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, dự thảo thể hiện tổ chức ít nhất 1 phiên nhưng Ủy ban Pháp luật đề nghị cần phải tổ chức theo chương trình giám sát hằng năm.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là văn bản hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Về tính chất hoạt động giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, quy định giải trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, không phải theo giám sát hay pháp luật, tức là không giới hạn.

Về số lượng tối thiểu phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, không quy định là 1 phiên nhưng phải quy định là trong chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phải có nội dung giải trình. Vấn đề có bao nhiêu phiên giải trình tùy thuộc vào Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong quá trình làm có thể chia thành từng quý, từng tháng hoặc đột xuất, phát sinh hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Quy trình của các vấn đề này phải khác nhau. Liên quan đến các vấn đề Ủy ban Pháp luật đã giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp thu ý kiến.

Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Phát biểu của Tổng bí thư tại cuộc gặp gỡ Nhân sĩ Hữu nghị

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Cuộc gặp gỡ Nhân sĩ và Thế hệ Trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

https://www.vietnamplus.vn/cho-y-kien-ve-hoat-dong-giai-trinh-cua-cac-co-quan-cua-quoc-hoi-post915460.vnp

Theo Xuân Tùng/Vietnam+

Bạn có thể quan tâm