Đã gần 6 năm nay, "chợ ve chai" trong khuôn viên quán cà phê Cao Minh, nằm trên con hẻm nhỏ, phía chân cầu Băng Ky, đường Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM, trở thành điểm đến ưa thích của những "tín đồ" yêu chuộng đổ cổ, hiếm và lạ. Phiên "chợ ve chai" này chỉ mở duy nhất một ngày chủ nhật trong tuần và khách tìm đến đây đủ thành phần từ những người lớn tuổi cho đến những bạn trẻ.
Độc đáo 'chợ ve chai’ giá ngàn đô giữa Sài Gòn. |
Đến hẹn lại lên, nhiều người chọn "chợ ve chai'"đơn giản chỉ vì không chỉ được thưởng thức những tách cà phê đậm chất trong một buổi sáng cuối tuần, mà còn được thỏa sức chiêm ngưỡng những cổ vật "ve chai" được các dân chơi Sài Gòn trưng bày, bày bán rất 'độc' và đa dạng.
Gọi là "chợ ve chai", bởi những sản phẩm được bày bán ở đây được chủ nhân của nó rong ruổi khắp bốn phương sưu tầm đem về bày bán. Thậm chí, có những sản phẩm vô giá chỉ để trưng bày cho “thiên hạ” xem chơi. Những ai đã một lần đến với phiên chợ này đều "đã mắt" vì những mặt hàng ở đây đều thuộc vào loại "đỉnh" bởi chúng khá hiếm và đắt đỏ.
Tại phiên "chợ ve chai" này, một chiếc hộp quẹt zippo chỉ nhỉnh hơn bao diêm có giá hàng trăm, thậm chí cả ngàn USD; những chiếc xe máy hiệu Mobylette, Vespa, Lambretta… được sản xuất từ những năm 40-60 của thế kỷ trước đáng giá hàng ngàn USD.
Hay những chiếc máy ảnh, máy hát, đồng hồ khiến không ít người mê mẩn. Một chiếc đồng hồ đeo tay Citizen có giá 100.000 đồng/chiếc, Omega mạ vàng 300-400 USD/chiếc, chiếc tẩu hút thuốc có giá 500.000 đồng/cái...
Những sản phẩm ở chợ rất đa dạng, từ đồng xu cổ... |
Đến chén đĩa bạc. |
Anh Trần Khắc Dũng, chủ quán cà phê Văn Minh cũng là người sáng lập “sàn giao dịch ve chai” độc đáo này cho biết, phiên chợ ve chai được anh và cộng sự lập ra năm 2009, trải qua nhiều biến cố, gần đây phiên chợ này mới giao dịch trở lại. Anh Dũng cho biết, cà phê ngày cuối tuần đã trở thành nếp sống quen thuộc của người dân Sài Gòn. Chính vì nắm bắt được thú vui này, anh Dũng đã sáng lập ra quán cà phê, tạo một không gian yên tĩnh cho mọi người có thể đến đây giao lưu trò chuyện, thư giãn, đọc sách báo, la cà cùng với bộ sưu tập hàng “ve chai” độc đáo trên.
"Có những món đồ đối với người này không còn giá trị sử dụng nhưng với người khác thì nó là vô giá. Nếu người cũ không còn sử dụng được món đồ của mình mà vứt đi thì thật lãng phí”, anh Dũng cho biết.
"Chợ ve chai" của anh Dũng còn tập hợp nhiều chuyên gia sưu tầm đồ cổ có "máu mặt". Bất cứ ai cũng có thể nhờ họ giúp thẩm định giá trị của những loại đồ dùng xưa cũ mà mình đang sở hữu, đồng thời tìm kiếm giúp thông tin về món đồ cần tìm.
“Sự tin tưởng nhau chính là quy tắc bất thành văn tại đây, nếu người bán cố tình nói sai thông tin về món đồ để bán được giá hơn sẽ bị cấm không cho mang đồ vào Sài Gòn ve chai nữa. Nếu khách mua nhầm một món đồ có giá trị không xứng với số tiền đã trả cũng sẽ được chuyên gia thẩm định và đổi lại ngay", anh Dũng khẳng định.
Chiếc Malaguty sản xuất năm 1962 trị giá 1.000 USD. |
Khách đên đây có thể chiêm ngưỡng những món hàng độc, nếu thấy 'kết' thì có thể mở hầu bao mua về sử dụng. |
Anh Trần Xuân Danh (ngụ quận 1) cho biết, anh rất ưa chuộng đồ cổ, tuy nhiên thường ngày phải bận bịu công việc nên không có thời gian đi săn tìm. Qua bạn bè giới thiệu, anh được biết tại quận Bình Thạnh có một chợ ve chai chuyên trưng bày và bán những món đồ cổ nên cả năm nay cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần anh lại chạy xe hơn chục km để đến với quán cà phê Cao Minh săn hàng.
“Các mặt hàng ở đây được bày bán rất bắt mắt và phong phú. Gọi là "ve chai", song nhiều món đồ có khi có giá đến vài nghìn USD. Một chiếc đồng hồ Uply thập niên 1950 - 1960 được chào giá 11 triệu đồng; đồng hồ Omega mạ vàng giá 300 - 400 USD/chiếc; xe mô tô cổ sản xuất trước năm 1.900 giá 6.000 USD…Cũng có những thứ chủ nhân của nó chỉ mang đến khoe chứ không bán, dù được trả giá rất cao. Khách đến chợ ve chai quen có, mới đến lần đầu cũng có, khách thành phố, khách ở các tỉnh, kiều bào, cả người nước ngoài”, anh Xuân Danh cho biết.