Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chợ truyền thống Trung Quốc, Singapore thay đổi để níu chân khách hàng

Chợ truyền thống ngày càng ít được ưa chuộng sau sự xuất hiện của dịch Covid-19. Nhiều nước đang tìm cách khoác áo mới cho loại hình kinh doanh này để giữ chân khách hàng.

Cac khu cho truyen thong anh 1

Theo South China Morning Post, Zirkol - một startup thương mại điện tử ở Hong Kong - đã chứng kiến lượng tải xuống tăng vọt khi làn sóng dịch Covid-19 tấn công thành phố.

Người tiêu dùng né tránh các khu "chợ ướt" - gần giống chợ truyền thống tại Việt Nam - vì lo ngại dịch bệnh. Zirkol cũng hứa hẹn bán hàng hóa với giá rẻ hơn giá bán tại các khu chợ truyền thống.

Zirkol thu hút người tiêu dùng ngay cả khi ở Hong Kong, lĩnh vực thương mại điện tử khó phát triển hơn những nơi khác. Nguyên nhân là sự thuận tiện của mạng lưới cửa hàng bán lẻ tại thành phố.

Mất sức hút

Năm 2019, doanh số bán lẻ trực tuyến chỉ chiếm 5,7% tổng doanh số bán lẻ tại Hong Kong, so với 10,8% ở Mỹ và 34,1% tại Trung Quốc. Nhưng giống như các nơi khác, dịch Covid-19 đã triệt tiêu khả năng cạnh tranh của những khu chợ truyền thống.

Theo Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ, doanh số thương mại điện tử của Hong Kong đã tăng 27% vào năm 2020. 50% người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến hơn mua sắm trực tiếp.

Tính riêng trong tháng 2 năm nay, bán lẻ trực tuyến đã chiếm 10,8% tổng doanh số bán lẻ, theo dữ liệu chính thức.

"Nếu mua cải ngọt hoặc thịt lợn xay ở các chợ truyền thống, các vị phải mua qua 6 bên trung gian, từ trang trại, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, cửa hàng bán buôn, nhà phân phối và cửa hàng bán lẻ", CEO Samson Ho của Zirkol chia sẻ.

"Trong khi đó, chúng tôi kết nối người tiêu dùng trực tiếp với các trang trại", ông giải thích lý do giúp giá bán trên sàn Zirkol rẻ hơn những khu chợ truyền thống.

Hôm 2/4, Zirkol đã chào bán cải ngọt với giá 8,9 HKD/300g. Trong khi đó, khách hàng phải trả khoảng 10 HKD cho số cải tương tự tại một số chợ truyền thống.

Theo ông Ho, Zirkol hiện có hơn 100.000 người dùng là các hộ gia đình. Nền tảng đang cung cấp hơn 1 triệu mặt hàng thực phẩm cho nhóm người dùng này mỗi tháng.

Việc các khu chợ truyền thống mất ưu thế trước những nền tảng thương mại điện tử và siêu thị không chỉ xuất hiện ở Hong Kong. Tại Singapore, chợ ướt được coi là một trong các truyền thống cần gìn giữ và thường xuất hiện trong danh sách gợi ý đối với khách du lịch.

Nhưng các siêu thị đã trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống. Chúng thường nằm ở các vị trí thuận lợi, hoạt động trong thời gian dài hơn, giúp người mua thuận tiện mua đồ khi đi làm về.

Mua sắm trong siêu thị cũng là trải nghiệm dễ chịu hơn tại các khu chợ ướt. Những siêu thị lớn có thể cung cấp các mặt hàng đa dạng và phong phú hơn.

Thêm vào đó, với sự phổ biến của các ứng dụng như Deliveroo và Foodpanda, việc mua đồ ăn trực tuyến trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngày nay, cư dân Singapore cũng sẵn sàng trả giá cao hơn để đổi lấy sự tiện lợi.

Chợ truyền thống không còn phổ biến do những thay đổi về nhân khẩu học, hành vi của người tiêu dùng, các mặt hàng tươi sống, sẵn có trong siêu thị và trung tâm mua sắm

Cục Môi trường quốc gia Singapore

Những lý do trên khiến các khu chợ ướt ở Singapore trở nên kém sức hút hơn. Nhưng đó không phải nguyên nhân lớn nhất. Mối đe dọa của những khu chợ truyền thống đến từ việc thiếu đổi mới.

Những người trẻ Singapore không còn muốn tiếp quản các quầy hàng của cha mẹ họ. Rất nhiều tiểu thương đã trả gian hàng cho chính quyền khi muốn nghỉ hưu. Chính quyền địa phương thậm chí còn gặp khó trong việc cho thuê lại quầy hàng.

Giá thuê từng lên tới hàng chục nghìn USD hiện được đấu thầu với giá khởi điểm chỉ 10 USD/tháng. Nhiều khu chợ truyền thống ở Singapore giờ vắng vẻ, đìu hiu, thay vì cảnh tấp nập, đông đúc từng có.

Nói với Channel News Asia, Cục Môi trường quốc gia Singapore nhận định chợ truyền thống hiện không còn phổ biến như xưa. Nguyên nhân là "những thay đổi về nhân khẩu học, hành vi của người tiêu dùng, các mặt hàng tươi sống, sẵn có trong siêu thị và trung tâm mua sắm".

Cần thay áo mới

Dĩ nhiên, nhiều chủ gia hàng đang tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh và giành giật lại thị trường. Chẳng hạn, ông Anthony Leow - chủ một quầy hàng bán gia vị ở khu phố Tàu tại Singapore - đã mở thêm cửa hàng trên đường Kreta Ayer gần đó.

Ông vẫn bán những mặt hàng giống như gian hàng ở khu phố Tàu. Nhưng cửa hàng mới được lắp máy điều hòa, lót sàn, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ và khô ráo. Điều này khắc phục được sự ẩm ướt và mùi hôi thường thấy ở các khu chợ truyền thống.

Ông cũng kéo dài thời gian mở cửa so với quầy hàng tại khu chợ truyền thông. Ngoài ra, theo Channel News Asia, một số người bán ở những khu chợ ướt cũng tìm cách bán song song trên các nền tảng thương mại điện tử, website và mạng xã hội để tăng khả năng tiếp cận khách hàng.

Ông Leow tiết lộ ý tưởng khoác áo mới cho gian hàng của ông ra đời trong một chuyến du lịch tới Australia. Tại đây, các khu chợ bán thịt và cá tươi vẫn khô ráo, sạch sẽ và nhiều lựa chọn hơn.

Tại Mỹ, các khu chợ truyền thống vẫn là nơi mua sắm chính của người dân địa phương. Những gian hàng sạch sẽ, tươm tất, giá cả rõ ràng giống như trong siêu thị.

Cac khu cho truyen thong anh 6

Các khu chợ bán thịt và cá tươi tại nhiều nước như Mỹ và Australia vẫn khô ráo, sạch sẽ, giá cả rõ ràng. Ảnh: Reuters.

Chợ truyền thống vẫn là nơi ông Wang Shouye - 62 tuổi, một kế toán đã nghỉ hưu tại Trung Quốc - thường xuyên tới. Với ông, giá bán tại các chợ đầu mối thường phải chăng hơn, thích hợp với những người có thu nhập thấp.

"Các khu chợ truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng, giúp tạo ra cuộc sống dễ thở hơn cho những người bình thường, nhất là người có thu nhập thấp", South China Morning Post dẫn lời ông Hu Xingdou - nhà kinh tế chính trị có trụ sở ở Bắc Kinh - nhận định.

Chợ ướt ở Trung Quốc thường cung cấp các mặt hàng tươi và rẻ hơn ở siêu thị. Kể từ năm 2005-2019, doanh thu của siêu thị đã tăng gấp 3 lần. Thị trường chợ truyền thống tăng với tốc độ chậm hơn nhưng vẫn ổn định.

Nhiều nông dân và thương lái kinh doanh nhỏ hiện cũng phụ thuộc vào các khu chợ truyền thống để kiếm sống. Tuy nhiên, theo chuyên gia Hu, Bắc Kinh nên cải thiện quản lý những khu chợ truyền thống nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

"Cùng với đó là đảm bảo các quy tắc chống dịch trong thời kỳ dịch Covid-19", ông nói thêm.

Cảng Thượng Hải ùn ứ vì lệnh phong tỏa, cung ứng toàn cầu lao đao

Việc phong tỏa Thượng Hải - nơi có cảng container đông đúc nhất thế giới - là một đòn giáng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chao đảo vì căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Giá cả tăng cao, người tiêu dùng từ Mỹ đến Ấn Độ 'thắt lưng buộc bụng'

Giá từ bánh mì, thịt đến dầu ăn tăng vọt trên thế giới, buộc các cửa hàng phải tăng giá hoặc giảm kích cỡ món ăn. Giá quá đắt đỏ còn khiến nhiều người tiêu dùng không dám mua hàng.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm