Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Chợ truyền thống có yếu thế trước áp lực của dịch bệnh?

Những thay đổi trong thời kỳ dịch bệnh đã mở đường cho các chợ truyền thống tích hợp mô hình kinh doanh số tiện lợi và nhanh gọn.

Những thay đổi trong thời kỳ dịch bệnh đã mở đường cho các chợ truyền thống tích hợp mô hình kinh doanh số tiện lợi và nhanh gọn.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng cũng tạo ra cú hích để các mô hình kinh doanh truyền thống “khoác áo mới”, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Kể từ tháng 3/2020, quầy thịt của chị Hoa Lài (tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã giảm lợi nhuận đến 50-80%. Trong đó, giai đoạn lỗ nặng nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 3, doanh thu nhỏ giọt, chị vẫn phải trả tiền thuê sạp liên tục vài tháng mà không dám nhận hàng về bán.

Nỗi lo của chị Hoa Lài không chỉ là tình hình kinh doanh gián đoạn do dịch bệnh, mà còn đến từ sự cạnh tranh gay gắt của hàng loạt cửa hàng tiện lợi, siêu thị thực phẩm tươi sống đang “mọc lên như nấm”, chen vào mọi ngóc ngách quanh khu chợ mà chị đã buôn bán hàng chục năm.

“Bước ra khỏi chợ Bà Chiểu, rẽ phải 200m là gặp ngay một siêu thị lớn. Con đường chạy dọc bên cạnh chợ là địa bàn của hàng loạt chuỗi bán lẻ. Cách chỗ bán của tôi vài trăm mét là quầy thịt sạch… Nói không quá, tiểu thương bán thịt ở chợ bị cạnh tranh tứ phía, bủa vây bởi siêu thị và cửa hàng thực phẩm”, chị Lài nói.

Grab anh 1

Cũng theo chị Lài, các tiểu thương tại chợ Bà Chiểu còn chịu sức ép cạnh tranh từ khu chợ tự phát với hàng loạt quầy hàng nhỏ lẻ dọc lề đường, khách chỉ việc dừng chân mua hàng là có thể đi ngay mà không cần gửi xe, đi vào chợ. Trong khi đó, quầy hàng của các tiểu thương nằm bên trong, vừa tốn tiền thuê mặt bằng kinh doanh vừa không tiện để khách mua.

“Chưa thời điểm nào chúng tôi cảm thấy khổ như vậy. Nhiều tiểu thương bán thịt trong chợ đã trả quầy, nghỉ bán. Nhờ khách sỉ, người quen bỏ mối nhà hàng, quán ăn… nên quầy của tôi vẫn cầm cự được, nhưng về lâu về dài thì không biết làm sao”, chị Hoa Lài bày tỏ.

Chung cảnh ngộ với chị Lài, anh Bình (tiểu thương tại chợ Xóm Chiếu, quận 4, TP.HCM) cũng gặp khó khi buôn bán ế ẩm liên tục nhiều tháng. Anh cho biết, chợ vắng khách một phần vì người mua tuân thủ việc không tập trung nơi đông người để tránh dịch bệnh, phần khác là thói quen mua sắm rau củ, thịt cá online dần tăng.

Không khó nhận thấy, Covid-19 đã khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng thành thị có dấu hiệu dịch chuyển từ tiệm bách hóa, tạp hóa nhỏ, chợ truyền thống sang cửa hàng chuyên doanh, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị. Kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy trước khi có đại dịch, 3 kênh mua sắm chính là chợ truyền thống (73,5%), trung tâm thương mại, siêu thị (71,6%), cửa hàng tiện lợi (50,9%). Thời điểm dịch bệnh bùng phát, 3 kênh được người tiêu dùng lựa chọn là cửa hàng online (59,8%), cửa hàng tiện lợi (54,9%), trung tâm thương mại, siêu thị (50,9%). Điều này khiến không ít tiểu thương tại các chợ truyền thống gặp khó trong việc kinh doanh.

Chưa kể trong những năm gần đây, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đã tiến vào mọi ngõ ngách, giành thị phần từ các chợ truyền thống trong nước, đồng thời thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Trích dẫn từ số liệu mới nhất của MBA Andrews, chỉ trong một năm (2019-2020), số cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng từ 2.495 lên 5.228, trong khi lượng trung tâm thương mại cũng bổ sung thêm 11 trung tâm trong năm qua.

So với các kênh bán hàng truyền thống, cửa hàng tiện lợi định vị thương hiệu ở phân khúc cao cấp, mang đến không gian mua sắm hiện đại, áp dụng thanh toán kỹ thuật số như ví điện tử, quét mã QR… dễ dàng thu hút người tiêu dùng trẻ thành thị.

Thực tế cho thấy dù siêu thị, cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều nhưng vẫn không thể thay thế vai trò của chợ truyền thống, tiệm tạp hóa trong đời sống người dân.

Với ưu điểm giá cả phải chăng, mô hình bán lẻ truyền thống vẫn là lựa chọn của nhóm người tiêu dùng ở cả thành thị lẫn khu vực nông thôn. Nguyễn Bích Ngọc (35 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho biết ngoại trừ khoảng thời gian đại dịch bùng phát, chị luôn có thói quen mua sắm ở chợ truyền thống gần nhà vì đa dạng mặt hàng hơn hẳn các siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi, chưa kể giá thành còn rẻ hơn 20-30%.

“Thực phẩm ở chợ vừa rẻ vừa tươi ngon, lại không tốn thời gian đi lại, chờ tính tiền. Thông thường, tôi chỉ mua đồ gia dụng ở siêu thị chứ ít khi chọn thực phẩm bởi chất lượng so với chợ không chênh lệch nhiều, mua người quen trong chợ vẫn rất đảm bảo”, chị Ngọc nói.

Tương tự, theo đánh giá của chị Ngọc, một trong những lợi thế lớn của các tiệm tạp hóa chính là “gần nhà và giá cả sản phẩm cạnh tranh” vì người bán thường không mất chi phí mặt bằng, quản lý, nhân viên… hoặc nếu có cũng rất ít.Ngoài giá thành thấp, thói quen “đụng đâu mua đó” của người Việt cũng góp phần giúp mô hình bán lẻ truyền thống tiếp tục tồn tại. Có thể thấy, siêu thị và trung tâm thương mại chiếm ưu thế về lượng chi tiêu nhưng những mô hình kinh doanh truyền thống lại có lợi thế về tần suất mua sắm của khách hàng.

Bằng chứng là dù phát triển rầm rộ trong xuyên suốt 30 năm qua nhưng đến nay kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được 25-26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Miếng bánh thị phần lớn nhất ngành bán lẻ vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa với 3/4 tổng doanh thu.

Số lượng chợ truyền thống có giảm, nhưng vẫn chiếm 85% nhu cầu tiêu dùng của người Việt, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Điều này cho thấy mô hình kinh doanh truyền thống vẫn là lựa chọn của nhiều thế hệ, có vai trò lớn trong việc lưu giữ văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, kênh bán lẻ truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức và thị phần sẽ bị kéo giảm trong tương lai. Mô hình truyền thống chỉ có thể "sống khỏe" khi biết cách đáp ứng đòi hỏi mới, thay đổi để phù hợp hơn, thích ứng trong thời đại công nghệ 4.0.

Sự thay đổi giúp kênh bán lẻ truyền thống thích nghi với thói quen và hành vi mua sắm mới của khách hàng trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc. Ghi nhận thị trường cho thấy, ngành bán lẻ truyền thống đã bắt đầu cải tiến cơ sở hạ tầng và gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng.

Cụ thể, sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến yếu tố tiện lợi, an toàn trong quá trình mua sắm. Trước sự thay đổi này, nhiều đơn vị bán lẻ truyền thống đã bắt tay vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Một số chợ, cửa hàng tạp hóa… đã bắt đầu xuất hiện phương thức thanh toán hiện đại như máy POS, máy tính tiền bằng mã vạch để người mua hàng có thể thanh toán nhanh chóng và chính xác. Nhiều cửa hàng cũng tặng phiếu giảm giá online để khuyến khích mua hàng trực tiếp hoặc livestream để thu hút sự quan tâm, kích cầu người tiêu dùng.

Ngoài ra, ứng dụng giao hàng trực tuyến đã thâm nhập sâu hơn vào nhiều khu chợ truyền thống. Các chủ quán đưa món ăn của mình lên ứng dụng giao thức ăn như GrabFood để tăng doanh thu. Nhóm sản phẩm tiêu dùng khác như mỹ phẩm, quần áo, trang sức, sản phẩm gia dụng… đã rầm rộ xuất hiện trên “chợ online” thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Grab anh 2

Thị trường còn chứng kiến sự ra đời và phát triển vượt bậc của các ứng dụng, dịch vụ “đi chợ hộ”, giao thực phẩm, rau củ quả tươi sạch tận nhà, điển hình là GrabMart. Ra đời vào tháng 3/2020, GrabMart nhanh chóng chạm mốc tăng trưởng 91% chỉ sau một tuần. Để làm được điều này, "kỳ lân" Singapore đã áp dụng chiến lược liên kết với nhiều chuỗi siêu thị lớn (Big C, AEON, Lotte Mart, Saigon Co.op...) và các cửa hàng tiện lợi để luôn đảm bảo mạng lưới đối tác đủ rộng để phục vụ khách hàng.

Video - GrabMart mang niềm vui đến với tiểu thương chợ truyền thống Đến nay, GrabMart đã hỗ trợ số hóa cho gần 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP. HCM.

Trên thực tế, Grab không phải ứng dụng duy nhất triển khai dịch vụ đi chợ hộ. Tuy nhiên, GrabMart đã có nhiều cải tiến trong mô hình hoạt động. Thông điệp “Giao nhanh 1 giờ” cho thấy tốc độ chính là ưu thế lớn nhất mà GrabMart lựa chọn để cạnh tranh với những người đi trước.

“Ý tưởng số hóa chợ truyền thống nhằm hỗ trợ các tiểu thương bán hàng, cũng là một cách kết nối, dung hòa giá trị văn hóa truyền thống và yêu cầu tiện lợi của xã hội hiện đại, mang chợ truyền thống đến gần hơn thế hệ trẻ - thành tố chính trong nền kinh tế số. Từ đó, tạo nên trào lưu đi chợ truyền thống thời 4.0 cho người dùng”, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, chia sẻ.

Các tiểu thương có thể mở sạp hàng online trên GrabMart, từ đó tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ và mạng lưới đối tác giao hàng rộng khắp của Grab. Công cụ giao tiếp kỹ thuật số tạo điều kiện để các tiểu thương có thêm đơn hàng và tăng thêm doanh thu.

Theo dữ liệu của Grab, trong quý III/2020, tổng số đơn hàng trung bình hàng ngày của GrabMart đạt mức tăng trưởng 3 con số, số lượng đối tác tăng gấp 7 lần so với quý trước đó. Hiện tại, lượng đơn hàng GrabMart theo ngày và lượng đối tác của công ty đã tăng gấp 10 lần so với cuối tháng 4 - thời điểm các biện pháp giãn cách xã hội vừa kết thúc. Các mặt hàng bán chạy nhất trên GrabMart chủ yếu là đồ tươi sống (rau củ quả, thịt cá tươi); món ăn vặt; sữa; sản phẩm chăm sóc cá nhân (dầu gội, sữa tắm); thức ăn nấu sẵn…

Tính đến nay, gần 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM đã hợp tác với GrabMart và được hỗ trợ bán hàng theo xu hướng 4.0. Trong tương lai gần, Grab Việt Nam đặt mục tiêu tăng số lượng tiểu thương tại 3 thành phố này lên gấp 10 lần trước cuối năm 2021.

Grab anh 3

Dù ra mắt chưa lâu, GrabMart đã chiếm lĩnh thị phần lớn trong mảng kinh doanh giao hàng nhu yếu phẩm trực tuyến, đồng thời tiếp tục giúp Grab thoát khỏi “chiếc áo” của một hãng xe công nghệ.

“Khi một tỷ lệ đáng kể chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang nền tảng kỹ thuật số, mô hình bán lẻ truyền thống cần suy nghĩ lại về chiến lược trải nghiệm mới dành cho người tiêu dùng của họ. Chúng tôi tin rằng việc chuyển đổi công nghệ cho các mô hình kinh doanh truyền thống là cách tốt nhất giúp thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời giữ lại nét đẹp truyền thống trong một ‘chiếc áo mới’, tiện lợi hơn”, bà Nguyễn Thái Hải Vân khẳng định.

Giang Chi Anh

Ảnh: Quỳnh Danh
Đồ họa: Vinh Phạm

Bình luận

Bạn có thể quan tâm