Ảnh minh họa. Nguồn: Canva. |
Trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu cho con học ngoại ngữ bắt đầu tăng lên đáng kể. Có thể thấy trên các mạng xã hội trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm. Cùng đó là vô vàn cơ sở đào tạo chứng chỉ tiếng Anh.
Trong cuộc chạy đua này, việc cho con học tiếng Anh từ sớm dường như là cách hữu hiệu đối với hầu hết phụ huynh. Đặc biệt, một số cha mẹ sử dụng những cuốn sách song ngữ dành riêng cho trẻ 2-6 tuổi, vừa để phát huy tư duy ngôn ngữ vừa mở rộng trí sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến tranh luận về việc cho trẻ tiếp cận ngoại ngữ sớm, khi tiếng mẹ đẻ chưa vững.
Đọc sách ngoại ngữ sớm có lợi gì
Nguyễn Ngọc Anh (26 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu cho con đọc các cuốn sách tranh có tiếng Anh. Theo mô tả của Ngọc Anh, các cuốn sách được thiết kế như một dạng từ điển có hình thù sinh động và chú thích song ngữ ở phía dưới. Đi cùng bộ sách đó là nhiều món đồ chơi để giúp trẻ hứng thú hơn.
Con của Ngọc Anh năm nay lên 4 tuổi đã bắt đầu bập bẹ được các từ trong đó như quả táo, quả cam, một số màu sắc và đếm số thứ tự.
Ngọc Anh hiểu rằng ngoại ngữ là hành trang thiết yếu cho trẻ thời buổi hiện nay. Đặc biệt trong quá trình học tập và thi cử, ngoại ngữ có thể trở thành lợi thế đối với một số trường đại học xét duyệt học bạ hoặc phụ huynh có nhu cầu cho con học trường quốc tế.
"Cho con đọc sách ngoại ngữ sớm là rất tốt. Đối với mình và bé, các cuốn sách này đều như những món đồ chơi có khả năng lật giở, tương tác... Mình cũng không đặt nặng chuyện con phải học được gì chỉ cần bé thích là được", Ngọc Anh cho biết.
Cũng như Ngọc Anh, Hồng Nhung (29 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho rằng các cuốn sách song ngữ hiện nay rất dễ xem. Chúng mỏng và có hình minh họa dễ hiểu, các chủ đề phân chia rõ ràng theo từng tập.
"Mình nghĩ đây là một cách tốt, vừa giúp con học ngoại ngữ, vừa tạo ra thói quen đọc sách cho con. Con mình xem các sách song ngữ như này từ năm 2 tuổi, đến nay mình vẫn thấy cháu phát triển tiếng Việt bình thường không lẫn lộn", Nhung chia sẻ.
Tại một số trường mẫu giáo quốc tế, trẻ em đã được học tiếng Anh với người bản xứ. Ảnh: VTV. |
Không chỉ sách song ngữ, phụ huynh này còn cho con xem các nội dung nước ngoài, song ngữ trên những phần mềm phát video dành riêng cho trẻ như Pop Kids, YouTube Kids... Nhung nhận thấy sau khi xem, con cũng bắt chước nói theo được rất nhiều từ mới đặc biệt là các loại quả. Nếu trong những năm tiếp theo con vẫn có hứng thú với ngoại ngữ, Nhung sẽ tìm một trường quốc tế để con học tập.
Hiện nay, có nhiều công cụ hỗ trợ đọc sách tiếng Anh cho trẻ như sách nói, sách thông minh dành cho trẻ từ 0 đến 10 tuổi, bút chấm đọc, kim từ điển... Theo bà Kim Thoa, CEO Tân Việt Books, âm thanh có thể tác động đến não bộ của trẻ rất hữu hiệu. Học ngoại ngữ bằng các phương pháp nghe, nhắc lại còn có thể giúp trẻ đánh thức và khai mở những năng lực trong bán cầu não phải.
Khi nào mới nên cho trẻ tiếp xúc ngôn ngữ thứ hai
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Giảng viên khoa tiếng Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết việc đọc sách rất quan trọng đối với việc học nói riêng và phát triển con người nói chung. Tuy nhiên, đối với quá trình học ngoại ngữ, độ tuổi thích hợp để phụ huynh cho con tiếp xúc sách tiếng Anh là từ lớp hai lớp ba.
"Mình từng gặp nhiều trường học cho con học ngoại ngữ từ sớm nên tư duy tiếng mẹ đẻ phát triển không tốt. Khi con thấy một đồ vật, con không biết phải chọn diễn đạt bằng tiếng Anh hay tiếng Việt. Vì vậy, mình nghĩ các con cần phải xây dựng tư duy ngôn ngữ bằng tiếng mẹ đẻ thật vững trước khi có bất cứ hoạt động bổ sung ngôn ngữ thứ hai nào thông qua các tài liệu học tập", Giảng viên Kim Ngân nhận định.
Giảng viên Nguyễn Thị Kim Ngân trên giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Bên cạnh đó, Kim Ngân cũng nhấn mạnh rằng học ngoại ngữ sớm hay muộn không quan trọng bằng phương pháp học và dạy có đúng đắn, phù hợp với cá nhân từng con hay không.
Hiện nay việc học ngoại ngữ đang được cá nhân hóa. Các trung tâm tiếng Anh lớn chỉ có khoảng 10 em học sinh. Họ giới hạn lại số lượng để có thể tương tác nhiều hơn, phân tích phương pháp riêng biệt, cụ thể cho từng người.
"Nếu là kĩ năng nghe nói, các con hoàn toàn có thể bắt đầu sớm, nhưng với kĩ năng đọc thì theo mình phải đến những năm cuối cấp 1 và tốt nhất là bắt đầu từ cấp 2, khi các con đã hoàn thiện về mặt tư duy, bố mẹ mới nên đẩy mạnh việc cho con đọc sách tiếng Anh", bà Kim Ngân cho biết thêm.
Bà Lê Thị Thùy Dương (Giám đốc dự án Sách Nhà Mình) lại thấy thói quen sử dụng ngôn ngữ lẫn lộn Anh - Việt của các phụ huynh có thể khiến con trẻ bắt chước và học theo. Còn các cuốn sách song ngữ chỉ đơn thuần là những cánh cửa giúp trẻ nhìn ngắm thế giới một cách khoa học.
Phụ huynh không nên đặt nặng việc cho con học ngoại ngữ từ sớm để bắt kịp với bạn bè đồng trang lứa hay tiến bộ nhanh hơn. Đọc sách cũng vậy, phụ huynh cần có những can thiệp đúng mức để trẻ phát triển theo khả năng và tự khám phá sở thích bản thân.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng