Tập đoàn viễn thông Telenor (Na Uy) vừa đạt thỏa thuận trong việc mua lại cổ phần từ Tập đoàn truyền thông quốc tế Schibsted (Na Uy) và Tập đoàn truyền thông Singapore Press Holdings (SPH), để nắm quyền sở hữu tập đoàn rao vặt trực tuyến 701Search.
Hiện tập đoàn rao vặt trực tuyến 701Search đang điều hành Chợ Tốt (Việt Nam), ImSold (ở Việt Nam và Malaysia), Mudah (Malaysia) và OneKyat (Myanmar).
Như vậy, 2 trang rao vặt trực tuyến đang hoạt động ở Việt Nam gồm Chợ Tốt và ImSold sẽ trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của tập đoàn Na Uy.
Chợ Tốt Việt Nam đã về tay một tập đoàn viễn thông của Na Uy. |
Theo thông tin từ Chợ Tốt, Telenor đã mua lại toàn bộ cổ phần của SPH tại 701Search (trị giá 1/3 giá trị 701Search) với giá 110 triệu USD, riêng giá trị giao dịch với Schibsted không được tiết lộ. Theo dự kiến, các giao dịch kể trên sẽ hoàn tất trước cuối tháng 6/2017.
Ông Bryan Teo, CEO Chợ Tốt, cho biết việc thay đổi cổ đông hoàn toàn không ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của Chợ Tốt, vì Telenor đã tham gia vào Hội đồng quản trị của 701Search từ năm 2013 và đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng kế hoạch phát triển cho công ty.
Đây không phải là lần đầu tiên một trang rao vặt, TMĐT được thực hiện chuyển nhượng ở Việt Nam. Cách đây một năm, Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan chi 10 triệu USD để mua lại Zalora Việt Nam từ tay Rocket Internet.
Sau 1 năm kể từ khi về tay Central Group, trang Zalora vừa chính thức đóng cửa, hợp nhất với thương hiệu thời trang Robins.
Hiện nay, khi truy cập website zalora.vn, người dùng sẽ được chuyển về địa chỉ robins.vn. Tên trang chủ của website này cũng hiện thị thông điệp "Chào đón tên mới Robins. Zalora nay chính là Robins".
Như vậy, thương hiệu Zalora chính thức bị “khai tử” trên thị trường Việt Nam.
Robins được Central Group xây dựng từ năm 2014 khi mở tại 2 trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP.HCM, tập trung nhiều nhãn hiệu cao cấp từ các nước trên thế giới, trong đó hàng Thái chiếm số lượng lớn.
Trước khi Zalora đóng cửa, nhiều trang thương mại điện tử khác đã rời bỏ thị trường, như Deca, Beyeu, Lingo...