Chẳng biết tự bao giờ cái góc công viên bé xíu quanh phố Cao Văn Lầu, Phan Văn Khỏe, Phạm Đình Hổ thuộc phường 2, quận 6, TPHCM đã trở thành điểm hò hẹn của những người giúp việc, quản gia, phụ hồ, xe ôm. Những tối thứ bảy lãng mạn, tình tứ, ngắn ngủi là quãng thời gian mà những người lao động đến với nhau, mong tìm được một nửa của cuộc đời.
Nơi gặp gỡ của tấm lòng
19h mỗi tối thứ 7, người giúp việc ở các khu vực xa như Tân Bình, Tân Phú, quận 11… thường xuất hiện sớm nhất. Công viên Phạm Đình Hổ nằm đúng ngã ba đường, rộng mấy trăm mét vuông, một góc là những trò chơi thiếu nhi, phần còn lại là điểm hẹn của “chợ tình osin” - theo cách gọi quen thuộc của những người dân quanh đó.
Nhiều đôi lứa thích thú ngồi ngắm khu vui chơi của thiếu nhi, và mơ ước về những ngôi nhà hạnh phúc. |
Anh Nguyễn Văn Phúc (ở đường Tháp Mười, quận 6) cho biết: Khoảng 3 năm nay, những người ở quê lên giúp việc cho các gia đình khá giả ở khu Chợ Lớn, nghe đâu nhiều người gốc Khmer ra đây hóng mát rồi lâu dần thành quen. Có người từ Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau…, có người từ Phú Yên, Bình Thuận, Nha Trang đi tìm những người bạn tâm giao để chia sẻ những khó khăn vất vả, bù đắp cho nhau những thiếu thốn về vật chất, tinh thần. Nhiều đôi yêu nhau, sau được các gia chủ tạo điều kiện, đã thành vợ chồng. Cái duyên ấy - được cho là “điềm lành” lan tỏa - khiến những người giúp việc, quản gia, phụ hồ, xe ôm khắp thành phố, cứ đêm thứ 7 lại chọn nơi đây thành điểm hò hẹn, giao lưu, tìm bạn.
20h, góc công viên náo nhiệt và sôi động. Những đám đông chừng hơn chục người, tập hợp các bạn trẻ từ 25-30 tuổi, đa phần là nữ, có bạn chỉ hẹn 1 người nhưng cũng kéo 3-4 người đi cùng để câu chuyện thêm rôm rả. Những câu chuyện tâm sự, sau một tuần đầy ắp, giờ "nổ" tung trời. Xa hơn, trong những góc khuất tĩnh lặng, những đôi ngồi gần nhau rủ rỉ, họ chừng tuổi 35-45, nhưng tuyệt nhiên không có những hành vi vô tư sàm sỡ như thường thấy ở vài công viên khác.
Chị Muôn Thị Hợi (35 tuổi, quê ở Sóc Trăng) cho biết, chị giúp việc nhà cho một gia chủ tại phố Nguyễn Văn Luông, quận 6, tính chị thật thà nên được gia chủ quan tâm, vì thế chị cũng hết lòng đối đáp. Quay đi ngoảnh lại thế mà gần 7 năm, chị đã quá lứa lỡ thì. Cách đây 3 tháng, qua một người bạn, chị quen với anh Huỳnh Văn Ợt, người cùng quê. Gia chủ biết chuyện cũng vun vén cho chị. Chị Hợi bảo: “Tụi tui đã có những buổi hẹn hò tại công viên này. Anh ấy làm quản gia, dọn vườn và cắt tỉa cây cảnh cho chủ ở quận 3, lương chừng 3-4 triệu đồng. Chủ nhà tụi tui đồng ý, nếu thấy hợp thì năm sau về quê làm đám cưới, xong vẫn được lên làm việc”.
Chị Muôn Thị Hợi đang chờ đợi người bạn tâm giao. |
Chị Nguyễn Thị Liên (30 tuổi, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị) có thâm niên giúp việc cho một gia chủ tại quận Tân Bình đã gần 10 năm. Chỉ vào người bạn trai ngồi bên cạnh, chị Liên giới thiệu đầy mãn nguyện: “Đây là bạn trai của em, anh Võ Hoàng Hảo, 32 tuổi, anh ấy làm nghề phụ hồ, tay nghề cũng khéo, thu nhập tạm ổn và quan trọng là anh ấy sống rất tình cảm, chân thành”. Hảo và Liên cùng quê, quen nhau đã 2 năm và họ cũng chọn công viên Phạm Đình Hổ làm nơi hò hẹn.
Anh Hảo tâm sự, nhớ người yêu lắm nhưng Liên làm giúp việc, chỉ có thứ 7 rảnh rang công việc, sắp xếp hết mọi thứ mới xin phép chủ đi hẹn người yêu. Hảo và Liên cũng tính tới hôn nhân nhưng vì thu nhập thấp, cưới xin, con cái cần phải có thêm chút vốn để làm ăn nên cả 2 động viên nhau gắng làm thêm để chắt bóp lo cho tương lai. “Cuộc sống còn nhiều khó khăn, số tiền chắt chiu không biết thế nào, nhưng với chúng tôi, được gặp nhau hàng tuần, đã là sung sướng lắm, nhất là chúng tôi lại thêm nhiều người bạn mới, nhiều sự cảm thông mới”, anh Hảo trò chuyện.
Chị Hà Thị Lương (26 tuổi quê Cần Đước, Long An) thì e ngại khi tiếp xúc với chúng tôi. Chị làm nghề giúp việc, chăm sóc cụ già đã ngoài 80 tuổi, tính chị hiền lành, chu đáo nên chủ nhà rất quý. “Nghe thông tin qua bạn bè, em cũng muốn tìm bạn song ngượng lắm, phải nói dối chủ là đi chơi, đâu dám nói ra công viên hò hẹn tìm bạn. Phận nghèo, lại làm giúp việc nên cũng tự ti, chẳng dám quen ai nhưng lần đầu tiên đến đây, thấy nhiều tấm lòng chia sẻ, đùm bọc nhau, em vui lắm. Tuần sau em sẽ lại đến, mong tìm thấy người hợp với mình”.
Và giữa đám thanh niên trẻ trung, đầy ắp những tiếng cười. |
Nét đẹp giữa đời thường
Một điều khá thú vị là trước đây có nhiều thanh niên người Khmer gặp nhau ở công viên này. Theo phong tục, chỉ khi nào người con trai ngỏ lời, người con gái đồng ý yêu thì cô gái mới cho nắm tay. Có lẽ vì thế mà tại điểm hò hẹn của những người lao động bình dân, việc tìm hiểu, tâm giao, đồng cảm diễn ra rất lành mạnh. Những câu chuyện, những tiếng cười thật thà, bình dị của người quê khiến những người dân quanh cái công viên hình tam giác bé xíu này cũng thấy vui khi dạo mát và ngắm nhìn họ.
Tiến sĩ Nguyễn Bích Thúy - khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm TPHCM nói: “Những người nông dân vì hoàn cảnh gia đình xa quê lên thành phố mưu sinh làm giúp việc, phụ hồ, xe ôm. Họ cũng như bao người, cần một chốn để tâm sự, để đồng cảm và công viên này thực sự là nét đẹp nhân văn giữa đời thường mà xã hội cần trân trọng".
Còn chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho rằng, điểm hò hẹn của những người lao động bình dị như một “vệt nắng đáng yêu” trong khung trời bình yên của cuộc sống hôm nay. Tất nhiên ở một góc xa nào đó, vẫn có kẻ lợi dụng cái gọi là “chợ tình” để làm điều xấu, lừa phỉnh những cô gái quê, gạ gẫm mua bán dâm, song con số đó chỉ là rất nhỏ và không thể làm mất đi hình ảnh đẹp của một tụ điểm, một nơi hẹn hò văn hóa rất riêng của những người lao động. Cũng theo chuyên gia Lý Thị Mai, TPHCM hiện có nhiều sân chơi cho sinh viên, những diễn đàn cho công nhân để trao đổi, tìm hiểu nhưng những người nữ giúp việc gia đình, những người phụ hồ, xe ôm… lại chưa được xã hội chú ý.
Hãy nhìn ánh mắt rạng ngời của những người như chị Hợi, anh Ợt, chị Liên, anh Hảo để thấy giữa chốn phồn hoa ồn ào, xô bồ vẫn còn những góc sáng trong, bình yên và ngập tràn hạnh phúc.