Cách đây hơn hai năm, chị Lương Mỹ Ngọc (28 tuổi, quận 3, TP.HCM), nhân viên văn phòng, khá đắn đo mỗi lần mua hàng hóa, thực phẩm trên chợ “số”. Chị đã quen với việc đi chợ truyền thống lúc tan tầm, hay đi siêu thị mỗi cuối tuần. Hơn nữa, với các mặt hàng tươi sống, chị muốn tận tay chọn để đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, thời điểm giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, mọi người phải thay đổi thói quen đi chợ, chị Ngọc cũng không ngoại lệ. Nhớ lại khoảng thời gian đó, người dân, hay thậm chí shipper cũng chỉ được giao hàng nội quận. Nhiều hội nhóm được lập trên mạng xã hội để tiểu thương, người dân cùng quận mua bán nhu yếu phẩm.
Mua thực phẩm online trở thành thói quen của nhiều bà nội trợ. |
“Vậy là đi chợ online trở thành thói quen lúc nào không hay. Thời điểm đó có thực phẩm để ăn là may mắn lắm rồi, nên tôi không đặt nặng về chất lượng. Sau dịch, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, tôi khắt khe hơn trong việc mua thực phẩm trên các kênh online. Các ứng dụng cũng luôn cập nhật những cửa hàng uy tín chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống, trái cây chất lượng nên yên tâm lắm”, chị Ngọc cho hay.
Thực tế, thói quen đi chợ, mua sắm của người dùng Việt thay đổi nhiều, sự dịch chuyển từ mua hàng trực tiếp sang đi chợ trực tuyến mạnh mẽ hơn. Chợ “số” trở thành giải pháp phù hợp người dùng hiện đại khi thuận tiện, uy tín và nhanh chóng.
Khi công nghệ len lỏi vào đời sống thường nhật
Tại Việt Nam, năm 2022, số lượng người dùng mua hàng trực tuyến đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước; tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD. Cùng thời điểm này, Google và Bain & Company dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Thống kế cho thấy Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là những thị trường chợ “số” có tiềm năng phát triển vượt bậc trong tương lai.
Trước đại dịch, nhiều gia đình hay bà nội trợ vẫn gắn bó với kiểu đi chợ truyền thống, thích tự tay lựa chọn thực phẩm, rau củ quả. Tuy nhiên, thói quen này thay đổi từ khi Covid-19 bùng phát, đi chợ “số” trở thành giải pháp mua sắm an toàn, tiện lợi thời dịch.
Cũng như chị Ngọc, chị Nguyễn Thị Lan (29 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) từng không thích đi chợ online vì muốn tự chọn sản phẩm, trực tiếp so sánh giá thành. Song, từ khi có thói quen mua thực phẩm, hàng hóa trực tuyến, chị dần quen thuộc với sự tiện lợi của hình thức này.
Đi chợ online mang đến nhiều tiện ích. |
“Những lần đầu tiên mua thịt cá, rau củ online, tôi thấy không an tâm vì cứ sợ thực phẩm không tươi ngon như chính tay mình lựa. Nhưng tới giờ, nhờ lựa chọn kênh uy tín, tôi luôn hài lòng khi đi chợ online. Hàng hóa tươi ngon, đúng giá và nhiều lần được miễn phí giao nên tôi ưng lắm”, chị Lan chia sẻ.
Kể thêm về trải nghiệm đi chợ online, chị Lan bày tỏ thích nhất là không phải chen chúc, cũng không ngần ngại lúc nắng hay mưa.
Là bà nội trợ lâu năm, chị Mai Xuân Hòa (35 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ bản thân thích đi chợ “số” vì giá cả niêm yết sẵn, không phải “kỳ kèo bớt một thêm hai”. Những khi cần gấp thực phẩm, chị cũng có thể đặt giao ngay, chẳng cần tất tả đi mua như trước.
“Có những hôm đang nấu ăn thì thiếu nguyên liệu, tôi chỉ đặt qua app, khoảng 30 phút sau là đơn hàng được giao tận cửa”, chị Hòa hài lòng chia sẻ.
Không chỉ mang đến nhiều tiện ích, với người trẻ, chợ “số” là giải pháp tối ưu trong cuộc sống bận rộn. Chị Phạm Thanh Tâm (26 tuổi, quận 8, TP.HCM) và chồng ít khi đi chợ truyền thống, mà thường xem việc đi chợ online là giải pháp hàng đầu. Trước khi tan ca, chị Tâm thường lên app đặt mua thực phẩm. Chị canh thời gian để về đến nhà cùng lúc đơn hàng được giao đến, nhờ vậy có thể tiết kiệm nhiều thời gian hơn.
“Tôi nhận ra đi chợ tốn kha khá thời gian, sẽ đắn đo khi thấy quá nhiều món hoặc phát sinh thêm món này món kia, chưa kể thời gian di chuyển tới lui. Thế nên, hai vợ chồng tôi thống nhất đi chợ online để tiết kiệm thời gian, trong lúc chờ nhận hàng, chúng tôi có thể làm việc nhà”, chị Tâm cho hay.
Không riêng vợ chồng chị Thanh Tâm, người trẻ hiện đại với cuộc sống tất bật thường chọn giải pháp nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Trong đó, chợ “số” đáp ứng mọi tiêu chí này.
Chợ “số” - kênh tiêu thụ nông sản mới cho bà con nông dân
Ngoài mang đến các tiện ích cho người tiêu dùng, chợ “số” cũng mở ra kênh tiêu thụ nông sản mới cho bà con nông dân địa phương, HTX nông nghiệp, giúp họ từng bước tiếp cận quá trình chuyển đổi số và hưởng lợi từ nền kinh tế số.
Sau lần mua ủng hộ vải thiều Lục Ngạn qua dự án GrabConnect trong mùa dịch, chị Thanh Tâm trở thành khách hàng thường xuyên của siêu ứng dụng này.
Dự án GrabConnect được công bố trong bối cảnh vải thiều Lục Ngạn gặp khó vì đại dịch. |
Cũng biết đến dịch vụ đi chợ online của Grab qua dự án GrabConnect, chị Lan chia sẻ ban đầu muốn mua vải thiều để giúp đỡ bà con nông dân. Dần dà, chị nhận thấy các thực phẩm tươi sống, đặc biệt là trái cây chính vụ bán trên GrabMart luôn đảm bảo chất lượng, giá cả cũng phải chăng, tốc độ giao hàng nhanh chóng.
“Ban đầu mình chọn vì muốn hỗ trợ bà con nông dân trong lúc dịch dã, nhưng rồi thấy mua trái cây trên GrabMart giá cả phải chăng, đảm bảo uy tín, giao nhanh nên lúc nào cũng tươi ngon. Tôi không chỉ mua cho nhà mình, mà còn đặt giao qua nhà bố mẹ”, chị Lan hào hứng nói.
Tháng 6/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản gặp vô số khó khăn để đến tay người dùng. Trong bối cảnh đó, Grab công bố dự án GrabConnect để góp phần “nối” lại chuỗi cung ứng đang “đứt gãy”. Dự án nhằm hỗ trợ kết nối nông sản địa phương an toàn, chất lượng từ nông dân đến tay người dùng trên cả nước.
Cụ thể, ngoài việc giản lược các khâu trung gian, dự án GrabConnect còn hợp tác với một số đơn vị chuyên kết nối nhà vườn uy tín với những nền tảng như Grab. Sau đó, tận dụng hệ sinh thái với mạng lưới đối tác rộng khắp, GrabConnect giới thiệu, kết nối nguồn nông sản chất lượng từ vườn với những đối tác đang kinh doanh trên nền tảng Grab. Qua đó, nhà vườn địa phương có thêm kênh tiêu thụ nông sản ổn định, trong khi đối tác Grab được tiếp cận nguồn cung chất lượng, an toàn với giá cả phải chăng.
Nhiều đối tác Grab được tiếp cận nguồn nông sản chất lượng, ổn định với giá tốt để kinh doanh. |
Đến nay, dù đã bước sang năm thứ 3, dự án vẫn bền bỉ theo đuổi chiến lược dài hạn trong việc kết nối nông sản chất lượng từ vườn đến tay người tiêu dùng cuối. “Hè là cao điểm chính vụ của nhiều loại trái cây đặc sản. Tôi để ý cứ vào thời điểm trên, GrabMart lại có chương trình Lễ hội trái cây, nào là sầu riêng Ri6, măng cụt Lái Thiêu, bơ 034… đủ cả”, chị Lan cho hay.
Cùng trải nghiệm như chị Lan là anh Đinh Ngọc Huy (33 tuổi, Hà Nội). Anh Huy cho biết trước đây hay đến cửa hàng trái cây “ruột” để mua các loại trái đặc sản. Sau đó, cửa hàng này cũng “lên app” nên anh đặt trái cây qua ứng dụng, tiết kiệm thời gian di chuyển.
Người dùng dễ dàng đặt trái cây chính vụ trên ứng dụng Grab. |
“Từ lúc biết cửa hàng trái cây quen ‘mở sạp’ trên GrabMart, tôi mua luôn trên đây cho tiện. Mua trên app được áp dụng nhiều ưu đãi một lúc, nên giá còn rẻ hơn mua trực tiếp tại cửa hàng”, anh Huy chia sẻ.
Với chợ “số”, không chỉ người nông dân có thêm đầu ra cho sản phẩm nông sản, mà người dùng còn có thể mua trái cây chính vụ, chất lượng giá cả hợp lý.