Rượu nếp, vải, mận... là những mặt hàng được người Hà Nội mua nhiều để làm thủ tục "giết sâu bọ" trước khi ăn sáng trong ngày Tết Đoan Ngọ.
7h ngày 30/5 (5/5 âm lịch, còn gọi là Tết Đoan Ngọ), nhiều hàng hoa quả tại chợ đầu mối Phùng Khoang (Hà Nội) đông khách hơn ngày thường.
Mận là loại quả đắt hàng nhất trong ngày hôm nay. Theo quan niệm dân gian, những quả có vị chua thì sẽ hiệu quả trong ngày "giết sâu bọ".
Mận cũng bắt đầu vào chính vụ nên ngon và giá đã hạ nhiều so với đầu mùa. Nếu như cách đây một tháng, giá mận ở mức 120.000 đồng/kg thì nay chỉ quanh 25.000-40.000 đồng/kg.
Anh Thạo, người bán hoa quả ở chợ Phùng Khoang, cho biết hôm nay anh dọn hàng sớm, từ 5h30 thay vì 7h như thường lệ. Đến 7h30 anh đã bán được khoảng 50 kg mận cho khách về để "giết sâu bọ".
Cùng với mận, rượu nếp là thứ được người dân mua nhiều nhất bởi nó là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Người dân quan niệm ăn rượu nếp trước khi ăn sáng sẽ làm cho sâu bọ say mà chết đi.
Tuy đắt hàng nhưng giá rượu nếp năm nay đã giảm còn 25.000-30.000 đồng/kg so với 40.000 đồng/kg năm ngoái.
Giá một cốc rượu nếp dao động ở mức 10.000-20.000 đồng tuỳ loại cốc to hay cốc nhỏ, nếp cái hoa vàng hay nếp cẩm. Chị Quách Thị Thơm cho biết giá rượu nếp giảm do có nhiều người bán hơn dù rằng giá gạo nếp cái hoa vàng không giảm, vẫn ở mức 25.000 đồng/kg.
Vải được ít người lựa chọn hơn do vẫn ở mức 40.000 đồng/kg. Mặt khác, vải đầu mùa hiện vẫn xanh và chua chứ không ngọt như khi vào chính vụ.
Roi là loại quả đắt hàng năm nay khi mùa roi trùng vào thời điểm Tết Đoan Ngọ. Mỗi kg roi có giá 20.000 đồng.
Ngoài ra, hoa cúc, hoa ly cũng được nhiều người mua về để thắp hương trong ngày "giết sâu bọ".
Có ý kiến cho rằng nguồn gốc Tết Đoan ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, quan niệm và cách thức thờ cúng của người Việt trong Tết này có nhiều điểm khác biệt.
Chiến lược ra mắt Haul của Amazon để đối đầu trực tiếp với Temu và Shein đang có kết quả khả quan, liệu điều này có khiến cục diện "cuộc chiến" thương mại điện tử giá rẻ thay đổi.