Ngày 15/3, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục CSGT) kiểm soát xe chở quá tải trọng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Chỉ huy đơn vị này cho hay trong một tuần qua (9-15/3), CSGT kiểm soát tải trọng xe trên tuyến 24/24h. Cùng thời điểm trên, 120 trường hợp vi phạm về tải trọng bị xử lý với số tiền phạt trên 750 triệu đồng. Ngoài ra, 38 bằng lái và 50 phù hiệu xe cũng bị CSGT tạm giữ.
Ghi nhận của Zing vào chiều 15/3, đa số xe vào kiểm soát đều có tải trọng đúng mức cho phép. Khoảng 14h30 cùng ngày, xe tải do tài xế N.V.S. (quê Nghệ An) cầm lái có tải trọng vượt quá 39% mức quy định. Mức chở tối đa cho phép của xe này là 17,9 tấn.
Với vi phạm này, tài xế bị phạt 4 triệu đồng và chủ ôtô bị phạt 7 triệu đồng, tổng mức phạt tiền là 11 triệu đồng. Ngoài ra, tài xế cũng bị tước bằng lái và phù hiệu xe trong 2 tháng.
Chiếc xe chở quá tải trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 15/3. Ảnh: Hồng Quang. |
Tài xế S. cho hay chiếc xe do anh điều khiển có hành trình từ Bình Thuận đến Hà Nội. Trên thùng ôtô chở xoài và thanh long đi tiêu thụ. Khi được hỏi về lý do chở quá tải trọng, nam tài xế phân trần thời gian này nông sản khó xuất qua cửa khẩu, đồng thời giá xăng dầu tăng dẫn đến nhiều chi phí trong hành trình vận tải tăng theo. Do vậy, nam tài xế quyết định “cố chở để kiếm thêm chi phí bù đắp”.
“Xe đi đường dài, mỗi lần tiếp nhiên liệu là 600 lít cộng với 2 thùng phuy đựng nước làm mát, nguyên đó đã hao tốn hơn một tấn tải trọng. Nhưng mình sai so với quy định của Nhà nước nên tôi sẽ chấp hành”, anh S. nói và cho biết với mức xử phạt này tương đương tiền công 3 chuyến xe từ Bình Thuận ra Hà Nội và ngược lại.
Đại úy Đinh Vạn Sơn, Đội phó Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, cho hay sau một tuần CSGT tăng cường xử lý xe quá tải trên cao tốc, nhiều tài xế đã trốn tránh bằng cách đi ra đường gom hoặc di chuyển trên các tuyến quốc lộ. Vị này đề xuất lực lượng chức năng các địa phương tăng lực lượng để phối hợp với CSGT xử lý.
“Chúng tôi thông cảm với khó khăn của tài xế. Tuy nhiên, việc chở hàng quá tải trọng là nguyên nhân hàng đầu gây mất trật tự an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng, cần phải xử nghiêm”, ông Sơn nói.
Theo quy định mới của Nghị định 123 có hiệu lực từ đầu năm 2022, cơ quan chức năng quy định chỉ còn 3 mức xử lý xe quá tải gồm: Quá tải 10-20%, 20-50% và trên 50%. Trước đó, Nghị định 100 quy định tới 5 mức quá tải lần lượt là: 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150%.