Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cho người lạ đi nhờ xe, thiếu nữ gốc Việt bị giết nhẫn tâm

Cuối cùng, Julio Miguel Blanco Garcia cũng nhận tội đã giết chết Vanessa Pham, một cô gái Mỹ gốc Việt Nam ở vùng Falls Church, bang Virginia, Mỹ.

Thứ năm tuần qua, đoàn bồi thẩm tuyên Julio phạm tội giết người, đáng nhận án tù 49 năm, tức 30 năm tù cộng 19 năm là số tuổi của Vanessa, cô sinh viên đang chuẩn bị về nhà với mẹ thì gặp phải kẻ giết người tại một bãi đậu xe: Julio đâm chết Vanessa khi cô cho hắn và đứa con gái một tuổi của hắn đi nhờ xe từ một siêu thị ở Fall Church vào ngày 27/6/2010.

Vanessa Pham.
Cơn bão bi kịch hoàn hảo

Luật sư của Julio thừa nhận hắn là kẻ giết người, nhưng vẫn nói hắn không cố ý giết Vanessa, và ông ta nhắc đi nhắc lại câu để mô tả vụ án mạng: “một cơn bão bi kịch hoàn hảo”. Ông ta bảo vào ngày Chủ nhật ấy, Julio đã phê ma túy và toan ăn cắp một TV ở siêu thị. Cuộc gặp tình cờ ấy đã cột hai phận đời vào bi kịch. Hôm ấy, Vanessa bắt đầu một ngày đầy niềm vui: người bạn trai nghiêm túc đầu tiên của cô là Aaron Apsley nhắn tin cho biết anh sẽ bay từ Ohio đến thăm cô trong hai ngày. Cô nhắn lại rằng tối hôm ấy sẽ gọi điện trò chuyện với Apsley.

Chiếc áo thun đẫm máu của Vanessa.
Vanessa muốn trở thành một nhà tạo mẫu thời trang, vừa mới kết thúc năm học thứ nhất ở Đại học Mỹ thuật-thiết kế Savannah. Cô đã vui vẻ cho bạn bè biết rằng trong kỳ nghỉ hè, cô làm vú em cho một gia đình.

Phần Julio, hắn khai đã cùng con gái vừa mua xong số ma túy trị giá 400USD từ một tên buôn lẻ, đang muốn trở về căn hộ mà hắn sống cùng người mẹ và đứa em trai. Khi Vanessa rời tiệm làm móng, Julio tiến lại xin cô cho cha con hắn đi nhờ xe. Lúc đó là 15 giờ 15, Apsley nhắn tin xác nhận anh và cô sẽ nói chuyện lúc tối, mà không hề biết vài phút sau, Vanessa bị giết chết.

Bị cáo Julio sau này xác nhận Vanessa có “trái tim tốt lành” khi cho hắn đi ké xe. Lúc đó, Julio không hề quen nạn nhân, xin Vanessa chở hắn và con hắn đến một bệnh viện. Khi cả ba cùng ngồi trên xe Vanessa, Julio khó chịu vì cô thực hiện cú rẽ xe không đúng luật giao thông, và hôm ấy hắn cũng đã “phê” ma túy nên hắn bị hoang tưởng, cho rằng cô muốn hại con hắn. Vì từng nhiều lần bị bắt do chơi ma túy, hắn sợ cô sẽ báo cảnh sát, nên hắn rút con dao chặt thịt trong ba-lô của hắn ra rồi đâm Vanessa, trong lúc con hắn ngồi sát bên.

Lưỡi dao đoạt mạng Vanessa.

Luật sư của gia đình Vanessa nói bạn bè cô đều đã tốt nghiệp đại học, chuyển đến nhiều nơi khác để sống và làm việc. Nhưng hồi đầu tháng 8 năm nay, 10 người trở lại Falls Church để làm giỗ mãn tang 3 năm cho cô.
Người bạn trai Apsley cũng bay đến Falls Church hai ngày sau cái chết của Vanessa để dự đám tang của cô. Ở đó, anh nói Vanessa đã giúp anh biết thế nào là yêu và được yêu. Anh không muốn được nhắc đến trong bài báo này, còn cha anh giải thích do anh vẫn còn đau đớn, xót xa cho cái chết quá trẻ của người bạn gái.

Vanessa khóc và la thét, nhưng Julio lại vung dao lần nữa, lần nữa. Giải phẫu pháp y cho kết quả Vanessa bị đâm tổng cộng 13 nhát, gồm 6 nhát vào ngực trong lúc cô giơ cánh tay chống đỡ. Chiếc xe bị mất lái khỏi con đường rồi lao xuống một hẻm núi, Julio leo ra khỏi xe, ôm đứa con rồi bỏ chạy, bỏ mặc Vanessa trên vũng máu… Lúc 15 giờ 34, có người phát hiện chiếc xe bị lật, báo cảnh sát đến ngay hiện trường khủng khiếp: Vanessa vẫn còn đeo dây an toàn ở ghế lái, mặt gục xuống, thân thể đẫm máu, một bánh xe vẫn còn quay.

Cuộc điều tra bế tắc


Cuộc điều tra của cảnh sát có sự khởi đầu đầy hứa hẹn: con dao giết Vanessa được tìm thấy dưới ghế lái và có dấu tay. Nhiều dấu tay khác được tìm thấy ở thành xe. Các nhà điều tra cũng tìm được chứng cứ ADN trên con dao, và họ có những đầu mối rằng đây không phải một vụ cướp bất thành: bóp tiền của Vanessa còn nguyên, một chai nước của em bé nằm trong hộc đựng bản đồ. Nhưng dù có các chứng cứ, cảnh sát vẫn lâm ngõ cụt: dấu tay và ADN không tương thích trong nhiều tháng sau đó. Gia đình và bạn bè Vanessa được mời cung cấp lời khai, đều cho biết cô là người dễ thương nên không có kẻ thù và cũng không lâm rắc rối nào.

Trong các tuần sau đó, báo giới địa phương bám sát vụ án mạng của Vanessa, thậm chí địa chỉ web “Kẻ bị truy nã gắt nhất Mỹ” cũng có bài, dẫn đến nhiều thông tin chỉ điểm mà các nhà điều tra đều phải bám theo suốt nhiều tháng. Một số thông tin khuyên cảnh sát kiểm tra một trại của người vô gia cư gần siêu thị; trong khi vài người nói có trông thấy một gã đáng ngờ đánh phụ nữ trong khu vực; một bà thầy bói cũng kể công đã trông thấy án mạng xảy ra như thế nào. Tuy nhiên, tất cả đều là thông tin sai. Cảnh sát lấy dấu tay và ADN của hàng chục người - gồm bạn của Vanessa, những tên tội phạm tình dục và người vô gia cư - để so sánh với các dấu vết tìm được ở hiện trường án mạng, nhưng không có kết quả tương thích nào.

Vụ giết người này là một trong những vụ án mạng được chú ý nhiều nhất nhưng không được làm sáng tỏ suốt 2 năm rưỡi ở Falls Church. Nhưng ngày 10/12/2012, cảnh sát đạt được một cú đột phá: một nhân viên ở phòng dấu tay báo cảnh sát rằng có một dấu tay tương thích với các dấu tay ở hiện trường. Đó là dấu tay của Julio sau khi hắn bị bắt vì đang trộm 3 chai rượu sâm-banh ở một cửa hàng hồi tháng 4/2012.
Gã giết người Julio.
Ngày 13/12, Julio bị bắt, khai rằng hắn không dám kể cho ai biết về vụ hắn giết Vanessa, và hắn dùng một tấm khăn ướt dùng cho em bé để chùi máu khỏi tay hắn. Julio cũng phi tang điện thoại di động của Vanessa, vứt bỏ ba-lô cùng quần áo đẫm máu của hắn. Việc kiểm tra máy điện toán của hắn cho thấy hắn theo dõi rất kỹ tiến trình cuộc điều tra. Biên bản của cảnh sát ghi lời khai của hắn: “Vanessa chẳng làm gì sai”.

Hơn 1.600 trang tài liệu do ngành công tố Fairfax County lập và nộp tòa trước ngày mở phiên tòa xét xử Julio (ngày 19/8). Biên bản của cảnh sát, kết luận pháp y và tóm tắt lời khai vốn hiếm khi được công bố trước phiên tòa, lần đầu tiên cho biết Julio đã gặp Vanessa thế nào, động cơ giết người của hắn, cùng một sự đột phá trong vụ án đã giúp cảnh sát bắt được tên giết người. Thông tin về vụ truy lùng tên giết người cũng gây tranh cãi: luật sư của Julio yêu cầu hủy phiên tòa, với lý do ngành công tố công bố tất cả các chứng cứ chống lại hắn trước khi chọn xong đoàn bồi thẩm. Nhưng chánh án bác yêu cầu này, trong khi ngành công tố từ chối bình luận, nhưng nói họ phải công bố các chứng cứ vì muốn hồ sơ trình tòa phản ảnh đủ các thông tin cung cấp cho bị cáo.

Tại tòa, sau khi đoàn bồi thẩm tuyên Julio có tội, hắn cúi gằm mặt, không để lộ cảm xúc. Gia đình và bạn bè Vanessa ôm nhau khóc. Người mẹ Julie Phạm kể bà từng chẳng thiết sống, cứ trốn mãi trong phòng khi cô “con gái rượu” bị giết. Bà từng đi làm 2 việc để nuôi Vanessa nên người. Julio sẽ bị chính thức tuyên án từ ngày 15/11 tới. Tại bang Virgina, một chánh án có thể xét giảm mức án tù đối với một tội phạm giết người, nhưng không được tăng thêm mức án.

Julio là người Guatemala nhập cư vào Mỹ để làm việc theo hợp đồng một năm kể từ năm 2002, rồi hắn trở thành dân nhập cư lậu khi visa hết hạn. Lẽ ra các cán bộ cơ quan di trú Mỹ đã trục xuất Julio vài tháng trước khi hắn giết chết Vanessa, do trước đó, Julio bị bắt vài giờ vì phê ma túy rồi gây rối nơi công cộng, rồi hắn được thả mà không bị lấy dấu tay. Đó là lý do dù vụ giết Vanessa xảy ra năm 2010 nhưng hắn không bị bắt suốt 2 năm rưỡi do cảnh sát không có dữ liệu về hắn.

Theo Thế giới & Hội nhập

Bạn có thể quan tâm