5 năm sau, nhìn vào những dòng người dài bên trong bách hóa 3 tầng - nơi có bán mọi thứ từ thiết bị điện tử và mỹ phẩm cho tới thực phẩm và hàng gia dụng - có thể thấy nơi này đang đáp ứng được kỳ vọng của nhà cố lãnh đạo, ít nhất là đối với những cư dân có tiền ở Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, bách hóa Pothonggang cũng là sự phản ánh sắc nét mức độ phát triển của thị trường “chợ đen” ở Triều Tiên. Tại đất nước này, “chợ đen” đang trở thành “chuyện bình thường mới”, và đặt ra một thế khó cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un vốn đang điều hành nền kinh tế theo mô hình tập trung.
Tỷ giá chính thức và “chợ đen”
Phóng viên Reuters đã có dịp tới thăm bách hóa Pothonggang và nhận thấy, hầu như tất cả hàng hóa ở đây được niêm yết giá cả bằng đồng USD và đồng won Triều Tiên.
Một chiếc TV hiệu Sharp có giá 11,26 triệu won, tương đương 1.340 USD; một máy bơm nước giá 2,52 triệu won (300 USD). Thịt bò có giá 76.000 won (8,6 USD)/kg. Bóng đèn LED do Triều Tiên sản xuất giá 42.000 won (5 USD).
Tỷ giá hối đoái được sử dụng trong bách hóa này là 8.400 won đổi 1 USD, cao gấp 80 lần so với tỷ giá chính thức là 105 won đổi 1 USD. Nếu áp dụng tỷ giá chính thức, chiếc TV Sharp sẽ có giá hơn 100.000 USD, còn chiếc bóng đèn LED sẽ có giá 400 USD.
Khách mua hàng ở Pothonggang không ngại đặt những xấp USD dày lên quầy thanh toán. Họ nhận lại tiền thừa là USD, Nhân dân tệ hoặc won Triều Tiên, đương nhiên với tỷ giá “chợ đen”.
Điều tương tự diễn ra ở khắp nơi tại Bình Nhưỡng: lái xe taxi tính tiền theo tỷ giá “chợ đen”, giống như tất cả các cửa hiệu và quầy hàng rong khác ở thành phố này mà phóng viên Reuters có dịp ghé thăm.
Theo các chuyên gia, trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường “chợ đen”, chính quyền Kim Jong Un không có nhiều lựa chọn, ngoài việc tiếp tục những nỗ lực cải cách kinh tế mới ở mức độ manh nha.
Các cô gái trẻ đang chụp ảnh trước bách hóa Pothonggang ở Bình Nhưỡng. |
Trong vòng 20 năm qua, Triều Tiên đã trải qua những thay đổi về mặt kinh tế, và “trái ngọt” của những thay đổi này đang hiện rõ hơn bao giờ hết ở Bình Nhưỡng. Các công ty lớn của Triều Tiên giờ đây đã sản xuất được nhiều mặt hàng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân. Người Triều Tiên đã tiêu tiền cởi mở hơn, mua sắm những mặt hàng như điện thoại động, xe đạp điện và xe đẩy trẻ em.
Cởi mở hơn với kinh tế tư nhân
Do một số chính sách thiếu hợp lý, Triều Tiên đã trải qua nạn đói nghiêm trọng vào giữa thập niên 1990 và siêu lạm phát sau đợt đổi tiền vào năm 2009. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12/2011, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cởi mở hơn với sự phát triển của thị trường “chợ đen” và kinh tế tư nhân ở nước này.
“Dưới thời Kim Jong Un, chưa có một chính sách nào được thực thi mà có ảnh hưởng bất lợi tới lợi ích và hiệu quả của kinh tế tư nhân”, ông Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Đại học Kookmin ở Seoul, nhận xét. “Đây là thời điểm tốt để là người giàu ở Triều Tiên”.
Nhiều hàng hóa bày bán ở bách hóa Pothonggang có mức giá nằm ngoài tầm tay của nhiều người Triều Tiên. Một chiếc điều hòa không khí có giá bán 3,78 triệu won, tương đương 450 USD. Nếu thanh toán bằng đồng nội tệ, số tiền sẽ là 756 tờ 5.000 won, tờ tiền có mệnh giá cao nhất của Triều Tiên.
Mặc dù vậy, tầng lớp trung lưu (donju) đang phát triển nhanh ở Triều Tiên đã bắt đầu mua sắm nhiều hơn những sản phẩm mới như vậy, bên cạnh giới quan chức có cuộc sống khá giả từ lâu.
Điện thoại di động cũng đang ngày càng trở nên phổ biến là Bình Nhưỡng. Ở Triều Tiên, số thuê bao di động đã vượt ngưỡng 3 triệu - một nhân viên của nhà mạng di động Koryolink tiết lộ với Reuters. Từ năm 2012 đến nay, số thuê bao di động ở nước này đã tăng gấp 3, đồng nghĩa với việc trong 24 triệu dân Triều Tiên, cứ 8 người thì có 1 người dùng di động.
Bóng đèn LED tiết kiệm điện sản xuất trong nước rất phổ biến ở Triều Tiên, dù ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên “tối đen như mực” vào ban đêm. Do tình trạng thiếu điện, pin mặt trời, pin dự phòng và máy phát điện cỡ nhỏ cũng là những mặt hàng bán chạy ở bách hóa Pothonggang.
Xe đạp điện do Trung Quốc sản xuất mới xuất hiện ở Triều Tiên từ năm ngoái, người dân địa phương cho biết.
Thẻ ngân hàng và quảng cáo
Một tín hiệu nữa của sự phát triển kinh tế ở Triều Tiên là những chiếc thẻ tiền mặt từ ngân hàng thương mại ngày càng được sử dụng rộng rãi. Đó là thẻ Narae của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên. Thẻ này được nạp tiền là USD và chủ yếu được sử dụng để thanh toán các giao dịch bằng ngoại tệ, hoặc để nạp tiền cho điện thoại di động.
Sau một chuyến taxi có giá 4 USD, người tài xế được phóng viên Reuters đưa cho một tờ 20 USD. Khi được đề nghị trả lại tiền thừa bằng đồng won Triều Tiên, người tài xế tỏ ra lưỡng lự.
Theo quy định chính thức, người nước ngoài không được phép sử dụng đồng nội tệ, nên việc giao dịch như vậy là một dấu hiệu cho thấy thị trường “chợ đen” đang trở nên công khai ở Triều Tiên. Người tài xế ngại trả lại bằng đồng won chỉ vì cảm thấy bất tiện, chứ không phải vì sợ bị phát hiện.
“Tiền của chúng tôi phải đếm nhiều”, người tài xế làu bàu khi đếm 130.000 won từ một tệp lớn những tờ 5.000 won.
Ở đâu có kinh doanh, ở đó có quảng cáo. Bên cạnh những tấm biển chỉ đường và áp phích tuyên truyền lớn trên đường phố Bình Nhưỡng, đã xuất hiện nhiều thông báo nhỏ quảng cáo dịch vụ sửa xe, đồ điện tử, và các công ty.
Một công ty nổi tiếng ở Triều Tiên là Naegoyang quảng cáo tại các trận đấu bóng đá và có cả một đội bóng đá được đặt tên theo công ty này. Naegoyang sản xuất nhiều mặt hàng từ quần áo tới loại thuốc lá mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un hay hút.
Trong bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong Un hứa sẽ áp dụng chính sách “đặt nhân dân lên trên hết”. Nhưng chưa rõ liệu ông Kim Jong Un cam kết tới mức độ nào với các cải cách dựa trên thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Lankov thuộc Đại học Kookmin, việc Triều Tiên đi theo kinh tế thị trường chỉ là vấn đề thời gian. “Đó sẽ là một ngày tuyệt vời, nhưng có thể sẽ chẳng có ý nghĩa gì lắm. Bởi đó sẽ chỉ là sự công nhận chính thức đối với những gì đã xảy ra rồi mà thôi”, ông Lankov phát biểu.