"Có rất nhiều nhu cầu từ phía Syria. Họ cần mọi thứ. Lần trước tôi mang tới đây giấy ăn", ông cho biết. "Tôi thường xuyên cung cấp hàng hóa cho quân nổi dậy Syria. Họ tự mang theo xe tải và vận chuyển mọi thứ", Demir, 55 tuổi nói khi đứng bên chiếc xe chờ đợi xếp hàng để đi qua vùng biên giới nhộn nhịp Oncupinar.
Một người bán hàng trên đường ở thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: Reuters |
Mỗi ngày, hàng trăm xe tải chở đầy hàng hóa từ dầu ăn tới xi măng, tã lót xếp hàng chật cứng và kéo dài tại Oncupinar, vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây là trung tâm giao thương lớn với Syria. Ở những vùng khác dọc biên giới hai nước, người ta có thể nhìn thấy những chiếc hòm chất đầy hàng hóa như sữa bột trẻ em chuyên chở về Syria - nơi giá cả đang tăng vọt.
Cảnh tượng này đã trở nên quen thuộc dọc khu vực biên giới và làm thay đổi hình thức giao thương hai nước. Giờ đây cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ ba và ngày càng tạo nhiều cơ hội cho những ai sẵn sàng chấp nhận rủi ro. "Tình hình hỗn loạn tại Syria với sự kiểm soát kinh tế sụt giảm đã cung cấp cơ hội mới cho nhà buôn nước ngoài trước đây không thiết lập được quan hệ với chế độ", Torbjorn Soltvedt thuộc hãng tư vấn rủi ro Maplecroft nói.
Kinh tế thời chiến đồng nghĩa với việc các thương nhân sành sỏi có thể thiết lập các giao dịch hàng hóa để phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Thị trường chợ đen dường như ít bị gián đoạn vì bất kỳ cuộc không kích nước ngoài nào nhằm vào chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong hỗn loạn của một cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng hơn 100.000 người và buộc hàng triệu người rời bỏ nhà cửa, những kẻ buôn lậu, trung gian và công ty nhỏ đang làm việc với các đại lý vận chuyển để tìm mọi cách kiếm lời, họ hoạt động từ các nước láng giềng như Lebanon.
"Bất cứ ai làm thương mại tại Syria đều có thể thu lời vì những rủi ro và chiến tranh. Người Syria hiểu rằng, đó là cách duy nhất họ có thể có được hàng hóa", một nhà buôn Trung Đông tích cực giao thương với Syria nói. Chiến tranh ngày một tồi tệ, các chi phí gia tăng khiến những công ty quốc tế lớn trở nên thận trọng trong giao dịch với Syria.
Cơ hội từ chiến tranh
"Những gì chúng tôi đang chứng kiến là sự nổi lên của các công ty nhỏ - lực lượng dẫn dắt giao dịch hiện tại", một nguồn vận chuyển châu Âu cho biết. "Các chủ tàu không muốn rủi ro mang hàng hóa, tàu bè tới Syria. Nhà cung cấp đưa hàng hóa đến các cảng như Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ rồi công ty địa phương đến lấy hàng từ đó".
Thương mại vùng biên nhộn nhịp đã tạo ra con đường thuận lợi hơn cho tài xế xe tải, thậm chí còn khiến họ dừng vận chuyển hàng hóa tới các điểm đến xa hơn, khi họ có thể kiếm tiền tương đương bằng cách lái theo lộ trình ngắn hơn từ Mersin tới vùng đệm ở Syria. Một đại lý vận chuyển ở Mersin cho hay, giao dịch nhộn nhịp với Syria khiến giá cả hàng hóa địa phương tăng cao. Ví dụ khoai tây giờ đây tăng gấp năm lần so với giá thông thường.
"Tôi làm việc ở đây hàng chục năm và có thể khẳng định chưa từng có giao dịch từ Mersin đến Syria. Kể từ lúc chiến tranh, nó đã bùng nổ và dường như một lộ trình kinh doanh mới đang mở ra". Lebanon cũng như vậy, các công ty nhỏ đang bận rộn cung cấp hàng hóa cho Syria. "Nhiều công ty đông lạnh địa phương vẫn sẵn sàng đưa hàng hóa như thịt, đường trong các công ten nơ từ Beirut đến Syria. Với khả năng bị oanh tạc, toàn bộ nhà giao dịch lớn đã rời bỏ thị trường, không ai muốn hứng chịu rủi ro", một nhà buôn nói.
Giao dịch nhiên liệu tiếp tục sôi động từ Lebanon tới Syria bằng đường bộ mà không phải chịu quá nhiều sự giám sát từ chính quyền. Trong khi phần lớn giao dịch thị trường chợ đen liên quan tới những người mua ở những vùng nổi dậy, thì chính quyền Syria cũng đang cố mua sắm hàng hóa. Do nhiều biện pháp phong tỏa tài chính, Damascus buộc phải hủy bỏ một số gói thầu mua lúa mì, đường và gạo. Một chuyến hàng lúa mì bán cho Syria giờ đây phải gánh thêm 10% giá so với giá thị trường, nghĩa là các thương nhân địa phương có thể kiếm được nhiều triệu đô la.
"Giao dịch trực tiếp thường gắn với rủi ro cao. Nó sẽ ngày càng gia tăng với những người có tiếp xúc trực tiếp với phía Syria, với những ai sẵn sàng trả tiền để có hàng hóa", một nguồn giao dịch châu Âu nói. Các nhà giao dịch đường cho rằng, xung đột ngày một tồi tệ ở Syria khiến việc bán buôn gặp khó khăn và tạo điều kiện cho buôn lậu đường vào Syria phát triển từ các nước lân cận như Lebanon, Ai Cập và Iraq.
Tình hình trở nên đáng báo động với các cơ quan cứu trợ quốc tế. "Chúng tôi đặc biệt lo lắng về giá cả và sự khan hiếm lương thực. Giá tăng vọt, đôi khi hơn cả 300%", Muhannad Hadi, điều phối viên viện trợ khẩn cấp của Chương trình Lương thực Thế giới tại Syria cho biết.