Tại buổi làm việc của Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sáng 13/5, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đồng ý với chủ trương thí điểm cho môtô từ 175 phân khối trở lên được chạy vào 3 tuyến đường cao tốc là Hà Nội - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương. Chủ trương này đã bị các chuyên gia cho là vội vàng khi chỉ dựa vào đề xuất của một người... chơi xe phân khối lớn tại hội thảo do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hôm 6/5.
Niềm vui cho... dân mê tốc độ
Để bảo vệ quan điểm của mình, tại buổi làm việc trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Chúng ta cho nhập xe về, tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái môtô phân khối lớn nhưng lại không cho chạy thì cho thi, cho nhập làm gì? Nếu luật chưa cho phép thì có thể xin Thủ tướng làm thí điểm”.
Một vụ tai nạn giao thông giữa môtô phân khối lớn và xe máy xảy ra ở quận 1, TP HCM làm 2 người bị thương vào sáng 7/5. |
Theo Bộ trưởng Thăng, trước mắt, đề xuất thí điểm cho môtô từ 175 phân khối trở lên được chạy vào 3 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Ôtô Việt Nam, đồng tình: “Chưa gì mà chúng ta đã ngồi trong phòng máy lạnh rồi phán là nên hay không nên cho đi là không ổn. Qua thực tiễn thí điểm sẽ chứng minh việc cho môtô phân khối lớn vào đường cao tốc có phù hợp hay không”.
Ông Ngô Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Môtô thể thao Việt Nam, cũng ủng hộ chủ trương này khi cho rằng quyết định của Bộ trưởng đem lại niềm vui cho những người yêu thích và sử dụng môtô phân khối lớn. Bởi với họ, đây không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là một thú vui giải trí, thỏa mãn niềm đam mê tốc độ.
“Theo ý kiến cá nhân, tôi đề xuất chỉ có môtô từ 400 phân khối trở lên mới được phép di chuyển vào làn ôtô cũng như đường cao tốc” - ông Vinh đề xuất.
Quá vội vàng!
Dù vậy, chủ trương của Bộ GTVT vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân và giới chuyên môn. TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, bày tỏ ngạc nhiên trước sự vội vã của Bộ trưởng Thăng. “Tôi khẳng định vụ việc này có đến 90% dư luận không đồng tình, chỉ 10% đồng ý với lý luận chung chung và không có cơ sở khoa học nào cả” - ông Sanh quả quyết.
Chuyên gia Phạm Sanh cho rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng là người nắm chắc và hiểu rõ về tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc của Việt Nam chỉ dành cho ôtô chứ không phải môtô. Ở một số nước trên thế giới, họ cũng cho môtô phân phối lớn lưu thông vào đường cao tốc nhưng đường được thiết có làn riêng cho phương tiện này.
Trong khi đó, đường cao tốc ở Việt Nam có làn đường hẹp, chất lượng không cao và nhiều nhánh rẽ nên rất nguy hiểm. Đó là chưa nói ý thức tham gia giao thông của người dân chưa thật sự cao.Nhiều người thường phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách nên rất dễ gây tai nạn và nếu xảy ra trên đường cao tốc thì không thể nói trước được điều gì. “Không thể lấy sinh mạng con người ra làm thí điểm được” - ông Sanh nói.
Tai nạn sẽ gia tăng
Đó là băn khoăn của hầu hết giới chuyên môn, cơ quan chức năng một khi cho môtô phân khối lớn chạy vào đường cao tốc.
Theo thượng tá Trần Hữu Toán, Cục Cảnh sát giao thông (C67) - Bộ Công an, ý thức của người lái môtô là một trong những yếu tố đáng quan tâm nhất, khi có đến 70%-80% chưa thật sự hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ.
Trên thực tế, tai nạn do phương tiện này gây ra là không ít. Điển hình nhất là vụ một thành viên đoàn bảo vệ cuộc đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương bị Ngô Tiến Phụng (22 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) điều khiển môtô phân khối lớn chạy tốc độ cao tông chết vào ngày 1/3.
Tại TP HCM, theo thống kê, từ năm 2014 đến nay xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông liên quan đến môtô phân khối lớn, làm chết 4 người và 5 người bị thương. Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP HCM, nhìn nhận tình trạng người điều khiển dòng xe này vi phạm tốc độ, sai làn đường cũng thường xuyên xảy ra.
Trong khi đó, theo C67, dù bị cấm nhưng thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng một số trường hợp cố tình chạy xe phân khối lớn vào đường cao tốc, gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.
“Mặt đường cao tốc ở Việt Nam còn nhỏ so với lưu lượng xe tham gia giao thông. Làn dành cho môtô cũng chưa có nên nếu cho chạy chung thì chắc chắn tai nạn sẽ gia tăng” - một cán bộ C67 nhận định.
Các địa phương có đường cao tốc đi qua nằm trong phạm vi dự kiến thí điểm cho xe phân khối lớn lưu thông cũng bày tỏ lo ngại. Theo Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Công an tỉnh Tiền Giang, lưu lượng ôtô lưu thông trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương rất lớn, mỗi ngày có từ 18 đến 20 nghìn lượt. Do đó, việc cho thêm môtô tham gia lưu thông sẽ gây bất ổn, mất an toàn.
Chưa tương đồng tiêu chuẩn Việt Nam
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2004 đến hết tháng 4/2015, cả nước có 8.682 môtô trên 175 cm3 được nhập khẩu. Môtô phân khối lớn gia tăng nhanh chóng về số lượng nhưng lại được nhập về Việt Nam theo nhiều nguồn khác nhau, trong đó không ít dòng xe vẫn chưa tương đồng với quy chuẩn ở nước ta.
Chuyên gia Phạm Sanh lo ngại việc môtô phân khối lớn gia tăng với đủ mọi chủng loại, tốc độ khác nhau, kết hợp ý thức người điều khiển kém thì sẽ có nhiều rủi ro nếu cho chạy trên đường cao tốc.
Không dùng môtô hộ tống vì nguy hiểm
Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết trước đây, Đội tuần tra dẫn đoàn của đơn vị này thường xuyên đưa 2 môtô phân khối lớn làm nhiệm vụ dẫn các đoàn nguyên thủ quốc gia từ TP HCM về miền Tây và ngược lại trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ dẫn đoàn, các chiến sĩ phải chạy với tốc độ cao nên rất nguy hiểm cho cả các loại ôtô. Chính vì thế mà hiện nay, khi làm nhiệm vụ dẫn đoàn, Công an tỉnh Tiền Giang chỉ sử dụng ôtô đặc chủng thay cho môtô.