Chợ cá lớn nhất thế giới ở Nhật bốc mùi sau 1 tháng mở cửa
Thứ hai, 12/11/2018 17:11 (GMT+7)
17:11 12/11/2018
Ngày 11/11 đánh dấu tròn một tháng chợ cá Toyosu mở cửa, thay thế chợ cá Tsukiji. Tuy nhiên, tại đây không ngừng xuất hiện những lời phàn nàn về mùi hôi thối "buồn nôn".
Nhân viên làm việc trong chợ bán buôn thực phẩm Toyosu phải bịt mũi vì mùi hôi thối bốc lên ở nhiều nơi trong chợ, chủ yếu xuất phát từ những con cá được bày bán. Ảnh: Reuters.
Khu chợ mới khai trương hồi tháng 10, thay thế chợ cá nổi tiếng thế giới Tsukiji và soán ngôi Tsukiji để trở thành chợ cá lớn nhất thế giới, nơi cá được bán đấu giá. Tuy nhiên, mùi hôi thối tồi tệ đến mức một nhân viên đấu giá lâu năm cũng phải nhăn nhó và mô tả là "buồn nôn". Ảnh: Reuters.
Nhiều người tìm tới chợ cá mới cũng đã phải lên tiếng về tình trạng này. Trong khi đó, chợ cá cũ Tsukiji chưa từng gặp phải vấn đề tương tự. Tsukiji, giờ đã không còn hoạt động, nằm ngoài trời ở phường Chuo còn chợ cá mới nằm ở phường Koto, cách chợ Tsukiji cũ khoảng 2 km về phía đông. Chợ Toyosu nằm trên khu vực rộng 40 ha, gấp 1,7 lần diện tích khu chợ Tsukiji. Tuy nhiên, nơi này từng là một nhà máy hóa chất. Ảnh: AP.
Đặc biệt, khu vực bán buôn là nơi bốc mùi nhất. Đây là chỗ thực phẩm tươi sống được bày. Theo những gì người mua bán ở chợ kể lại, góc hàng lang, cầu thang bộ, thang máy và nhiều nơi khác đều ngập mùi giống mùi mực khô kèm củ cải muối và là sự kết hợp giữa chất hóa học với mùi cá. Ảnh: Reuters.
"Tôi đã dần làm quen với chợ mới nhưng mùi ở đây đang làm tôi khổ sở", một nhân viên bán buôn cho biết. Một người bán cá khác phàn nàn với Japan Times rằng chưa từng ngửi thấy mùi khó chịu như vậy ở chợ Tsukiji trước đây. Ảnh: Reuters.
Giới chức giám sát chợ cho biết mùi hôi thối là "không thể tránh được" do tòa nhà kín gió. Một quan chức suy đoán vấn đề này một phần xuất phát từ các tấm bạt trải để bày hàng hoặc những đôi ủng cao su khử trùng của các nhân viên. Ảnh: Reuters.
Cấu trúc tòa nhà và các đặc điểm về an toàn vệ sinh tại Toyosu từng được cho là một trong những ưu điểm của chợ này vì giúp chặn không khí từ bên ngoài. Nhân viên doanh nghiệp bán buôn cho biết mùi thôi thối không ảnh hưởng đến hải sản hay gây thay đổi lớn với chất lượng sản phẩm bởi khu vực bán được thông hơi tương đối tốt. Ảnh: Reuters.
Mùi cũng không ảnh hưởng nhiều tới các nhà hàng và khu vực tham quan, nơi tấp nập du khách. Lý do là bởi những cơ sở này được ngăn cách bằng tường hoặc kính. Du khách không được phép tiến gần đến khu vực bày bán và đấu giá như tại chợ cũ. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra quan ngại về mối nguy hại của mùi hôi thối với sức khỏe. Bên cạnh đó, mùi nồng nặc có thể ảnh hưởng tới việc đánh giá chất lượng thực phẩm. Chưa hết, nhiều cư dân địa phương còn phàn nàn rằng nó ám vào quần áo và giày của nhân viên ở chợ. Ảnh: AP.
Trước khi Toyosu mở phiên đấu giá đầu tiên hôm 11/10, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike từng nhấn mạnh khu phức hợp Toyosu đảm bảo an toàn và khẳng định chợ cung cấp môi trường hiện đại để bán cá. Sau khi tiếp nhận những lời phàn nàn, chính quyền thành phố Tokyo đang nỗ lực cải thiện quá trình thông hơi trong tòa nhà. Các quan chức cho hay sẽ kiểm tra lại hệ thống thông khí và điều chỉnh hệ thống điều hòa. Ảnh: Reuters.
Chợ cá Tsukiji, sau 83 năm hoạt động, đã tổ chức phiên đấu giá cuối cùng sáng 6/10 trước khi bị chính thức đóng cửa và các tiểu thương sẽ phải di chuyển tới một khu vực khác.
Ngày 11/10 đánh dấu buổi đấu giá đầu tiên tại chợ Toyosu sau khi chợ cá Tsukiji đóng cửa. Với diện tích gấp 1,7 lần chợ cũ, Toyosu hiện là chợ cá lớn nhất thế giới.
Người mua và khách tham quan đổ xô tới chợ cá Tsukiji trong ngày hoạt động cuối cùng. Chợ cá lớn nhất thế giới bị đóng cửa từ ngày 6/10 sau 83 năm tồn tại.