Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chip, RAM, màn hình smartphone đang bị thổi phồng

Liệu rằng khách hàng có thực sự hưởng lợi từ những thông số đỉnh cao như lời quảng cáo? Hay thông số đó chỉ là những mánh lời kiếm nhằm tăng doanh số của nhà sản xuất?

Đã từ lâu, các thông số kỹ thuật giống như những “thước đo chuẩn” để xếp hạng một sản phẩm smartphone. Ngược lại, khi nói về những sản phẩm điện thoại thông minh tiêu biểu của một hãng sản xuất, hay còn được gọi với cái tên mỹ miều là siêu phẩm người ta không thể không nhắc tới các thông số.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi cả giới truyền thông và các hãng sản xuất cùng nói về những nâng cấp mới và “tung hô” cho các thông số thì không phải người sử dụng nào cũng hiểu được ý nghĩa và tác dụng của chúng. 

Thông số kỹ thuật kiêm luôn “doanh số bán hàng”

Một trong những thú vui hay nhất khi test điện thoại chính là màn thử nghiệm với trò chơi. Thế nhưng từ phóng viên cho đến chủ nhân của những trang blog và videolog đều đang đi vào lối mòn khi “quanh quẩn” với một vài trò như “Săn zombie” hay trò chơi đua tốc độ. 

Ai cũng biết rằng thiết bị với phần cứng có thông số thuộc hàng “khủng” thì sẽ dư sức để “biểu diễn” những trò chơi đơn giản đó một cách mượt nhất. Câu hỏi được đặt ra là tại sao không có ai tạo nên những ứng dụng để kiểm tra thông số? Và điều đáng nói là các ứng dụng trò chơi được giới thiệu để thử máy đều là những trò chơi quá “hiền lành”, không đủ độ hóc để làm khó các thông số của thiết bị.

Nói về việc kiểm tra thông số, hẳn những game thủ đã ngoài tuổi “băm” (trên 30 và dưới 40) vẫn còn nhớ về những “cuộc chiến” không khoan nhượng một thời giữa Super NES (Super Nintendo) với Genesis. Khi đó, việc so sánh thông số giống như một thú vui thời thượng để mọi người được thể hiện rằng thiết bị của mình “ngầu” hơn so với người khác.

Nhưng suy cho cùng, liệu rằng các thông số tối tân có phải là yếu tố quan trọng nhất “làm nên chuyện”? Chưa kể đến việc các thông số và bảng xếp hạng cũng thường xuyên bị phóng đại và làm quá tới mức vô lý. Thậm chí, mọi người dường như đều tin vào các thông tin được cho là rò rỉ về thiết bị mới với đầy đủ các thông số kỹ thuật. Giả sử, thiết bị ra mắt có đầy đủ các tính năng như thông tin trước đó thì chẳng bao lâu sau, mọi người lại được nghe về những lời than phiền như hiệu ứng “X” quá chậm, hay thiết bị quá “nhàm” vì nó chỉ được trang bị chip “Y” thay vì “Z” như tin đồn. 

Dường như, người dùng đang bị “hào quang” của những thông số kỹ thuật làm “hoa mắt” và “mù quáng” tin theo chúng còn hơn cả những trải nghiệm sử dụng thực sự hay chất lượng phần cứng. Cũng bởi vậy mà ngày nay, thông số sản phẩm “vượt mặt” tất cả các yếu tố khác, giữ vị trí quan trọng, giống như “chìa khóa” vàng để quảng bá và bán hàng.

Đánh giá và phân biệt thông số, không phải ai cũng tường tận

Có một điều mà khách hàng không bao giờ được nghe tới, rằng việc sở hữu những thông số mới và tối tân nhất không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc có được thiết bị tốt trong tay. 

Minh chứng cho điều này, chip xử lý mới nhất của Qualcomm ra mắt trong năm 2015. Snapdragon 810 gặp phải sự cố nhiệt làm nóng máy. Mặc dù Qualcomm đã hứa hẹn sẽ cải thiện điều này khi cho ra mắt chip thế hệ mới, phiên bản 820 trong năm tới nhưng có vẻ như người sử dụng vẫn phải chờ đợi thêm ít nhất 4 tháng nữa, hoặc có thể lâu hơn.

Ngày nay, khi nói về những chiếc smartphone thế hệ mới, mọi người thường cảm thấy thích thú khi so sánh rằng các thiết bị này thậm chí còn hiện đại và nhiều tính năng hơn cả con tàu vũ trụ Apollo 11 lần đầu tiên đáp xuống Mặt trăng. Nhưng liệu rằng có bao nhiêu người sử dụng phát huy hết được “quyền năng” của những công nghệ mới? 

Một người sử dụng thông thường sẽ dùng điện thoại chủ yếu để truy cập Internet, chơi một vài trò chơi đơn giản, chụp ảnh, gọi điện thoại. Chấm hết! Vậy tại sao khách hàng vẫn được “rỉ tai” rằng họ nhất định cần đến một thiết bị di động có RAM 4 GB để làm chừng đó việc? Và liệu rằng một thiết bị sử dụng chip 805 thì khác gì với một thiết bị trang bị chip 808?

Vấn đề là nhu cầu của một bộ phận “thiểu số” người dùng đang bị phóng đại và trở thành nhu cầu chung phổ cập cho cả một cộng đồng sử dụng. Điều này cũng tương tự như vấn đề liên quan tới máy tính cá nhân. Thử hỏi rằng có bao nhiêu trong mỗi 10 triệu người sử dụng cần tới những máy tính xử lý đa nhiệm và phải mở hàng tá các tab trình duyệt chạy cùng lúc? Liệu rằng có bao nhiêu tỷ người cần màn hình Quad HD với chỉ số FPS (chỉ số thể hiện “độ mạnh” của card màn hình) trên 50 để chơi game?

Thực tế thì một người sử dụng thông thường còn không phân biệt được màn hình Full HD hay Quad HD; đó là chưa kể tới màn hình chất lượng 4K. 

Nếu như tất cả các loại màn hình này được gọi chung là SHD thì liệu điều đó có gì khác biệt? Cứ cho rằng người sử dụng có thể phân biệt được rành mạch các loại màn hình có độ phân giải khác nhau khi đặt cạnh nhau nhưng sau cùng thì việc này cũng đâu mang lại tác dụng gì? 

Việc so sánh chất lượng phân giải cũng “na ná” như việc so sánh giữa màn hình công nghệ AMOLED và màn hình LCD hay TFT. Không chỉ màn hình, các loại chip của nhiều nhà sản xuất khác nhau cũng trở thành đề tài bàn luận và so sánh, vô hình chung tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Snapdragon với Exynos và MediaTek, Kirin. 

Nhưng một lần nữa đặt câu hỏi liệu có bao nhiêu người sử dụng thông thường biết đến tên các nhà sản xuất chip này hay chí ít là hiểu về quy trình sản xuất ra bộ vi xử lý?

Vậy tại sao chúng ta vẫn cần tới các thông số?

Mọi vấn đề đều có hai mặt, và thông số kỹ thuật cũng là những là những con số có ích. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng chỉ cần mua một chiếc điện thoại cơ bản giúp xử lý những tác vụ đơn giản thì cũng cần chú ý đến thông số của thiết bị. Nếu bạn không tin, hãy thử kiếm một chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Android Gingerbread và sử dụng trong một ngày. Chắc chắn rằng không dưới 2 lần bạn phải “nổi khùng” vì điện thoại bị chậm, RAM bị quá tải và máy bị “đơ toàn tập”. 

Xét cho cùng thì lỗi không phải tại máy, mà chính các ứng dụng mới là “thủ phạm”. Kể từ những phiên bản đầu tiên năm 2010, ứng dụng đã có sự phát triển và thay đổi chóng mặt, nên đòi hỏi thiết bị phải thay đổi cấu hình để “chạy” trơn tru các ứng dụng. Cả các nội dung trên Internet cũng vậy.

Tại sao iPhone có RAM 1 GB vẫn nhanh hơn Android? Các smartphone Android ngày càng có RAM khủng. Tuy nhiên, phần lớn các model 3 hay 4 GB bộ nhớ đệm vẫn không mượt như iPhone.

Và không có gì là ngạc nhiên khi mà các thiết bị tầm trung và thấp cấp ngày nay thậm chí còn có cấu hình mạnh hơn cả những thiết bị hàng đầu đầu tiên của các nhà sản xuất. Lý do là bởi những yêu cầu tối thiểu cho các nội dung trên Internet và ứng dụng đều phát triển với tốc độ chóng mặt. 

Thêm vào đó, vấn đề là ở: Sự kỳ vọng và quen thuộc. Nếu ai đó chưa từng sử dụng một sản phẩm thuộc hàng “top”, người đó sẽ không thể biết được những thiết bị tầm trung và giá rẻ thiếu sót ở điểm nào. Ví như một người nghiền và am hiểu về thông số sẽ cảm thấy thất vọng khi thử test sản phẩm Galaxy J1 của Samsung.

Sau cùng, có thể các thông số kỹ thuật đỉnh cao không quyết định tất cả cho một chiếc smartphone nhưng các thông số thực sự làm nên trải nghiệm tuyệt vời cho người sử dụng, và điều này góp phần tạo nên sự khác biệt và đẳng cấp cho sản phẩm.

Như một “luật bất thành văn”, mỗi một sản phẩm mới ra đời đều kèm theo một bảng dài dằng dặc các thông số mà khách hàng cần phải đau đầu để “đọc hiểu”. Mặc dù không thể phủ nhận tầm quan trọng của thông số nhưng chúng vẫn đang bị “thổi phồng” quá mức bởi các nhà sản xuất. Lời khuyên dành cho những khách hàng thông thái: Thay vì cố gắng nắm rõ mọi thông số, hãy tập trung vào những thông số quan trọng phục vụ nhu cầu ưu tiên khi mua thiết bị.

Tại sao iPhone luôn được ưu ái hơn di động chạy Android

Nhóm lập trình Infinum mới đây đã phát hiện ra tại sao các ứng dụng trên iPhone và iOS nói chung luôn được phát hành trước so với phiên bản trên nền tảng mã nguồn mở Android.

http://ictnews.vn/kinh-doanh/ho-so/chip-ram-man-hinh-smartphone-dang-bi-thoi-phong-qua-dang-131926.ict

Theo Lê Nga/Ictnews

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm