Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính sách Trung Quốc của Nhật Bản sẽ phụ thuộc em trai ông Abe

Thủ tướng Nhật Bản đã đưa ra nhiều lựa chọn nội các cho thấy ông sẽ đi theo chính sách đối ngoại của cựu Thủ tướng Abe, bao gồm cả các chiến lược đối với Trung Quốc.

Là người giữ chức vụ chánh văn phòng Nội các dưới thời ông Abe hơn 7 năm, tân Thủ tướng Yoshihide Suga được biết đến nhiều nhờ khả năng đối nội, nhưng không gây được nhiều ấn tượng trên mặt trận ngoại giao như nhà lãnh đạo cũ.

"Không được biết đến như một chuyên gia về chính sách đối ngoại và thiếu tầm vóc của Abe trên trường thế giới" là những gì Washington Post viết về ông Suga gần đây.

Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Suga đã đưa nhiều quan chức thân cận Abe vào Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Ông tái bổ nhiệm cố vấn an ninh quốc gia Shigeru Kitamura và Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi, chọn ông Nobuo Kishi (em trai ông Abe) làm bộ trưởng Quốc phòng. Nikkei Asian Review nhận định hành động này của Suga được cho là nhằm xoa dịu những nghi ngờ nêu trên.

Tan Thu tuong Nhat anh 1

Ông Yoshihide Suga - tân Thủ tướng Nhật Bản: Ảnh Getty.

Ông Kitamura từng là thư ký hành pháp trong thời gian ông Abe làm thủ tướng lần đầu vào giữa thập niên 2000. Ông được bổ nhiệm vào chức vụ hiện tại vào năm ngoái, trước khi được Thủ tướng Suga giữ lại bên mình.

Về phần Kishi, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao hai lần dưới thời ông Abe nhưng trước đó chưa từng giữ chức vụ nội các nào.

Trung Quốc là mối lo ngại nghiêm trọng

Ngày 18/9, ông Kishi khẳng định với báo chí rằng "việc xây dựng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc là một mối lo ngại nghiêm trọng". Tuy vậy, ông đồng thời thừa nhận tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng lòng tin giữa các quan chức quốc phòng của cả hai bên.

Việc ông Kishi được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc phòng không phải là tin vui đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì ông là người ủng hộ Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc luôn xem là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đoạt lại. Ông Kishi chủ trì một nhóm nhà lập pháp liên đảng tìm cách thúc đẩy quan hệ với Đài Loan.

Năm 2015, ông là người hướng dẫn cho bà Thái Văn Anh trong một chuyến công du đến Nhật Bản. Bà Thái Văn Anh là lãnh đạo phe đối lập ở Đài Loan lúc bấy giờ và hiện là nhà lãnh đạo của hòn đảo này.

Trung Quốc hy vọng rằng "phía Nhật Bản sẽ tuân thủ nguyên tắc 'Một Trung Quốc' và kiềm chế mọi hình thức viếng thăm chính thức với khu vực Đài Loan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với báo chí vào ngày 16/9.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản - đang leo thang do hoạt động xây dựng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, cuộc chiến thương mại và các quan ngại về Hong Kong. Giữa lúc đó, Tokyo cũng căng thẳng với Bắc Kinh do tranh chấp quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, nơi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và cũng tuyên bố chủ quyền.

Tan Thu tuong Nhat anh 2

Thủ tướng Yoshihide Suga (phải) được mong đợi sẽ duy trì phần lớn các chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Shinzo Abe (trái). Ảnh: AFP.

Thủ tướng Suga đã cho thấy rằng ông sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với Bắc Kinh về những vấn đề như trên, giống như Thủ tướng tiền nhiệm Shinzo Abe. Trong cuộc chạy đua cho vị trí lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, Suga cho biết ông sẽ "giải quyết từng vấn đề một trong khi khẳng định những gì cần khẳng định".

Nhưng Trung Quốc cũng quan trọng

Theo quan điểm của Thủ tướng Suga, việc duy trì mối quan hệ kinh tế giữa Tokyo và Bắc Kinh rất quan trọng. Vì vậy, một số nhà quan sát cho rằng ngôn ngữ cứng rắn trên, cùng với danh sách các quan chức ngoại giao và an ninh theo khuynh hướng bảo thủ dưới thời ông Suga có lẽ nhằm cân bằng lại quan điểm của chính ông với Trung Quốc.

Với tư cách là chánh văn phòng Nội các, ông Suga tập trung thúc đẩy du lịch nước ngoài. Ông cũng được cho là sẽ vực dậy nỗ lực này khi đại dịch Covid-19 lắng xuống. Để làm được điều này, ông cần phải duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc vì nguồn khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản phần lớn là từ nước này.

Tờ Nikkei Asian Review cho rằng khả năng xử lý các vấn đề đối ngoại của ông Suga có tốt hay không vẫn là điều phải quan sát thêm. Thủ tướng tiền nhiệm của ông đã xây dựng mối quan hệ tốt với Tổng thống Donald Trump, giữ cho liên minh Mỹ - Nhật luôn vững chắc. Vì vậy, ông cũng được mong đợi sẽ làm điều tương tự.

Sắp tới đây, Nhật Bản và Mỹ sẽ phải mở các cuộc đàm phán về chi phí mà Nhật Bản phải đóng góp cho quân đội Mỹ đồn trú tại nước này. Washington hiện gây áp lực buộc Tokyo phải trả thêm tiền. Thỏa thuận hiện hành dự kiến kết thúc vào tháng 3/2021. Vì vậy, hai bên hy vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán vào cuối năm nay. Theo Nikkei Asian Review nhận xét, đây sẽ là một “bài kiểm tra” về đối ngoại đối với tân Thủ tướng Suga.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng thủ tướng Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhậm chức ngày 16/9, thay thế người tiền nhiệm Shinzo Abe từ chức với lý do sức khỏe.

Ông Suga được bầu làm tân thủ tướng Nhật

Hạ viện Nhật Bản ngày 16/9 chính thức bầu ông Yoshihide Suga làm tân thủ tướng, kế nhiệm ông Shinzo Abe vừa từ chức vì vấn đề sức khỏe.

Hồng Ngọc

Theo Nikkei Asian Review

Bạn có thể quan tâm