Từ tháng 12, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực. Trong đó có những quy định đáng chú ý liên quan đến quản lý hành chính, giáo dục, xử lý vi phạm hành chính, giao thông vận tải...
Sổ hộ khẩu giấy bị khai tử sau một tháng
Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân sau khi đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của người đó. Sổ hộ khẩu được sử dụng phổ biến trong các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự như giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh,...
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 38, Luật Cư trú 2020 quy định: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Như vậy, tháng 12 sẽ là tháng cuối cùng người dân được sử dụng sổ hộ khẩu giấy.
Trước đó, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh để bãi bỏ quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu. Giải pháp được nêu ra là sử dụng thẻ căn cước gắn chip, mã định danh điện tử, dữ liệu dân cư trong thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính.
Căn cước công dân gắn chip và mã định danh cá nhân là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Bộ Ngoại giao được bổ sung nhiệm vụ mới
Có hiệu lực từ 1/12, Nghị định 81/2022 của Chính phủ bổ sung nhiệm vụ về thống nhất chủ trương bầu cử tại các diễn đàn, tổ chức đa phương để bảo đảm phù hợp với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.
Nghị định bổ sung nhiệm vụ: “Tham mưu, chuẩn hóa và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước” để phù hợp với nhiệm vụ thực tế được giao cho Bộ Ngoại giao.
Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất chủ trì thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, biên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là đầu mối tổ chức và thực hiện các hoạt động quy chuẩn hóa công tác biên, phiên dịch nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay.
Nghị định cũng bổ sung nhiệm vụ "Thực hiện cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lãnh sự danh dự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình theo quy định của pháp luật".
Xúc phạm danh dự người học nghề bị phạt 5-10 triệu
Từ 12/12, Nghị định 88/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ được đưa vào áp dụng, thay thế Nghị định 79/2015.
Nghị định mới đã tăng mạnh mức phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của mình sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng (mức phạt trước đây là 3-5 triệu đồng).
Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung bị phạt 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định 88 cũng bổ sung một số hành vi mới bị xử phạt hành chính. Ví dụ, phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền 5-10 triệu đồng đồng đối với hành vi kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khuyến khích phát triển giao thông thủy nội địa
Quyết định 21/2022 của Thủ tướng về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa có hiệu lực từ 25/12.
Theo đó, Bộ GTVT được giao ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và quy hoạch các bến khách ngang sông tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để đảm bảo việc đầu tư mới các bến khách phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công trong trường hợp sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư; ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng container ở phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến phà biển từ huyện Cần Giờ (TP.HCM) đi TP Vũng Tàu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao nghiên cứu hướng dẫn địa phương có quy định cụ thể điều kiện để đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa ở ngoài đê được hoạt động hiệu quả trong mùa mưa lũ.
Lịch sử là môn học bắt buộc trong trường nghề
Thông tư 15 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 24/12. Trong đó quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Môn học bắt buộc: Toán, Ngữ Văn, Lịch sử
Môn học lựa chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý.
Trong đó, thời lượng giảng dạy của môn Toán, Ngữ văn là 252 tiết/môn. Các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử sẽ có thời lượng 168 tiết/môn.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.