Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang bước vào giai đoạn nước rút. Những buổi tranh luận trực tiếp và sức khỏe của các ứng viên là tâm điểm chú ý trước thềm cuộc bầu cử ngày 3/11 tới.
Tuy nhiên, theo AP, có một điều không đổi là các cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu dựa trên những chính sách khác nhau của hai ứng viên tổng thống, trong số đó là chính sách về thuế và thương mại.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường chứng khoán tăng vọt là lợi thế của Tổng thống Trump trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ tại Mỹ. Tăng trưởng kinh tế Mỹ lao dốc, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở mức 7,9%. Khoảng 10 triệu người lao động Mỹ bị mất việc, con số vượt quá hồi cuộc Đại suy thoái năm 2008-2009.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang bước vào giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Ảnh: Reuters. |
Nền kinh tế và thuế
Ông Trump dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong quý III và quý IV/2020 rồi "cất cánh như tên lửa" vào năm 2021. Ông chủ Nhà Trắng cũng hứa rằng vaccine chống Covid-19 hoặc các phương pháp điều trị hiệu quả sẽ sớm ra mắt, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Kế hoạch cắt giảm thuế mới của ông Trump hồi mùa hè đã bị cản trở bởi sự phản đối gay gắt từ lưỡng đảng. Tuy nhiên, theo AP, nếu giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, ý tưởng của tổng thống Mỹ có khả năng được hồi sinh.
Trong khi đó, cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng nền kinh tế không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Đối với quá trình phục hồi dài hạn, ông đưa ra những động thái để tránh suy thoái kéo dài và giải quyết tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo.
Các kế hoạch lớn nhất của ông bao gồm chương trình trị giá 2.000 tỷ USD nhằm chống lại biến đổi khí hậu và kế hoạch bảo hiểm y tế mới với tất cả người Mỹ trong độ tuổi lao động. Ông Biden đề xuất chi tiêu mới cho giáo dục, cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp nhỏ. Cùng với đó là việc tăng mức lương tối thiểu quốc gia lên 15 USD/giờ.
Ông Trump hứa hẹn nền kinh tế Mỹ sẽ "cất cánh như tên lửa" vào năm sau. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ muốn tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28% và tăng thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của các công ty Mỹ. Như vậy, ông Biden sẽ đảo ngược một phần Luật giảm thuế và tạo việc làm, được Tổng thống Trump thông qua năm 2017.
Ông Biden cũng muốn tăng thuế thu nhập và tiền lương đối với những cá nhân có thu nhập chịu thuế hàng năm trên 400.000 USD. Các khoản thu này sẽ lên đến 4.000 tỷ USD hoặc lớn hơn trong vòng 10 năm.
Ông Biden cũng coi nhập cư là một vấn đề kinh tế. Ông muốn mở rộng vùng nhập cư hợp pháp và trao cơ hội nhập quốc tịch cho khoảng 11 triệu người sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ. Những người này đã đóng góp vào nền kinh tế với tư cách người lao động và người tiêu dùng.
Thương mại
Tổng thống Mỹ Donald Trump coi hiệp ước cập nhật với Mexico và Canada và thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc là những thành tựu tiêu biểu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận giai đoạn một vào tháng 1, chưa đầy hai tháng trước khi đại dịch làm mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục xấu đi nghiêm trọng.
Ông Trump khẳng định thỏa thuận giai đoạn một dẫn đến việc Trung Quốc mua khoảng 200 tỷ USD nông sản, sản phẩm năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ trong vòng hai năm. Đổi lại, Mỹ dừng áp thuế lên điện thoại thông minh, đồ chơi và máy tính xách tay Trung Quốc.
Mỹ cũng giảm một nửa mức thuế đánh vào 120 tỷ USD hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc xuống còn 7,5%.
Giai đoạn hai của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung dự kiến tập trung vào một số vấn đề khó khăn giữa hai quốc gia. Trong số đó, ông Trump mong muốn chính phủ Trung Quốc ngừng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Gần đây, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố "không quan tâm" đến việc đàm phán với Bắc Kinh.
Ông Joe Biden (trái) cam kết cứng rắn với Trung Quốc nếu giành chiến thắng. Ảnh: Getty Images. |
Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ khẳng định kế hoạch của ông là thúc đẩy chính sách thương mại, thuế và đầu tư để đẩy mạnh đổi mới trong nước, giảm phụ thuộc vào sản xuất nước ngoài và tạo thêm 5 triệu việc làm cho người Mỹ. Ông Biden muốn thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ bằng cách chi 400 tỷ USD ngân sách liên bang cho các sản phẩm sản xuất tại Mỹ.
Ông cũng muốn hỗ trợ 300 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển các công ty công nghệ Mỹ như xe điện và mạng 5G.
Ông cam kết sẽ đàm phán cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ. Trung Quốc, cũng như Mỹ, chưa phải là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Đây là hiệp định thương mại đa phương mà ông Biden công khai ủng hộ khi ông còn là phó tổng thống.