Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Chính sách công dành cho ai?

Nhiều người có suy nghĩ chính sách công “đại diện” cho Nhà nước, chính quyền, không liên quan đến mỗi cá thể trong xã hội. Tuy nhiên, góc nhìn này chưa hẳn chính xác.

Truong Chinh sach cong,  Fulbright anh 1

Nhiều người có suy nghĩ chính sách công “đại diện” cho Nhà nước, chính quyền, không liên quan đến mỗi cá thể trong xã hội. Tuy nhiên, góc nhìn này chưa hẳn chính xác.

Trong chương trình thời sự hay chuyên mục báo chí, cụm từ “chính sách” thường đi liền với vấn đề hay ngành/lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn chính sách nhà ở, chính sách tiền tệ, chính sách giáo dục, chính sách y tế thời Covid-19… Hay khi tìm kiếm trên Google, người dùng thường thấy từ “chính sách” thường đi cùng “Nhà nước”. Đó là lý do phần đông mọi người khi nghe đến ba chữ chính sách công đều nhận định đây là “việc chung”, liên quan trực tiếp đến chính quyền.

Theo từ điển Hán Việt, “chính” có nghĩa làm cho ngay thẳng. “Sách” có thể hiểu là sách lược, phương pháp để thực hiện mục tiêu đã định. Theo đó, “chính sách” là đường lối sắp đặt công việc đúng đắn. Cần hiểu rõ “công” đối lập với “tư”, do đó khái niệm chính sách công thường hướng đến lợi ích chung chứ không phải nhóm riêng lẻ. Chẳng hạn đường lối kinh doanh của công ty là chính sách tư, không phải chính sách công. Theo đó, chính sách công là những quyết định hành xử của chính quyền liên quan đến vấn đề chung, thường là của quốc gia hay địa phương.

Từ khái niệm này, nhiều người thường có suy nghĩ chính sách công là việc của Nhà nước, chính quyền, không liên quan nhiều đến cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, góc nhìn này chưa chính xác, bởi quy luật vận hành và mọi khía cạnh đời sống - xã hội - kinh tế đều bắt nguồn từ chính sách công. Nói cách khác, đây là vấn đề thiết thân với mọi người.

Dẫn chứng về cách chính sách công tác động đến cuộc sống, chúng ta có thể nhìn nhận xuyên suốt từ thời điểm lọt lòng đến quá trình trưởng thành của một người. Việc được sinh ra ở bệnh viện công hay bệnh viện tư, viện phí trả thế nào, hỗ trợ bảo hiểm y tế ra sao, khai sinh, quê quán trên giấy tờ… phụ thuộc vào quy định trong chính sách công.

Khi lớn lên, những vấn đề tưởng chừng nhỏ như theo học trường đúng tuyến, học môn gì, dùng sách giáo khoa nào, học bao nhiêu năm, đóng học phí thế nào, ai là người đứng lớp… cũng gắn với chính sách công. Đến lúc đi làm, mức lương cuối cùng nhận được phụ thuộc vào phần trăm thuế, chiếu theo quy định chung trong chính sách công. Nói rõ hơn, chính sách công được thể hiện thành văn bản pháp luật, chỉ thị, quyết định của chính quyền hay gần gũi hơn là cách cán bộ phường xã trả lời câu hỏi của người dân bình thường.

Truong Chinh sach cong,  Fulbright anh 2

Tại Việt Nam, quá trình chính sách gồm 3 giai đoạn cơ bản: Hoạch định chính sách, thực thi chính sách và đánh giá chính sách. Với quy trình lý tưởng, việc đánh giá tác động chính sách cần bắt đầu từ khâu hoạch định, trong đó có lấy ý kiến người dân trước khi chính sách được ban hành. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chỉ đến khi vấp váp trong áp dụng thực tiễn và tạo ra thảo luận đủ lớn, các vấn đề trong chính sách công mới được giải quyết.

Lấy ví dụ với quyết định lùi giờ vào học 30 phút cho toàn bộ học sinh cấp 1 vào tháng 10 năm ngoái của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Một tuần trước khi quyết sách mới được đưa ra, nhiều cơ quan báo chí nêu ý kiến việc yêu cầu trẻ em đi học quá sớm chưa phù hợp, gây khó khăn cho phụ huynh. Hình ảnh những em bé ngái ngủ sau xe máy cha mẹ, ăn vội hộp xôi để đến trường đã khơi gợi sự đồng cảm, tạo nên cuộc tranh luận của các bậc phụ huynh.

Cuộc thảo luận tạo ra tác động đủ lớn để các kênh truyền thông cùng vào cuộc, giúp tiếng nói người dân đồng vọng, đủ mạnh để chính quyền thành phố lắng nghe, cân nhắc và thay đổi. Đây cũng là câu chuyện điển hình cho thấy chính sách là những thứ thiết thân và người dân có thể tác động, tạo ra thay đổi.

Truong Chinh sach cong,  Fulbright anh 3

Chính sách công có thể có ảnh hưởng đến mọi người, nhưng điều này thường mang nặng tính lý thuyết. Trên thực tế, dưới áp lực cơm áo, người dân bình thường chỉ quan tâm đến chính sách khi có chuyện xảy ra. Dù vậy, chính sách công rất quan trọng, chúng ta không thể phó thác cho các công chức hay chính trị gia. Đó là lý do xã hội cần những nhóm người giám sát và làm việc để thúc đẩy chính sách đi đúng hướng trong mọi lĩnh vực.

Có thể hiểu “đúng hướng” nghĩa là hướng đến giá trị công tốt đẹp. Dù quyết sách nào cũng có người được lợi và người chịu thiệt, chúng ta vẫn cần dung hòa lợi ích các bên, đồng thời đảm bảo nhóm yếu thế nhất không bị bỏ sót.

Người học chính sách công là đối tượng quan tâm và mong muốn giải quyết vấn đề trong cộng đồng của mình. Ở các lớp học chính sách công, chúng ta có thể gặp một sinh viên sư phạm muốn góp ý cho kế hoạch thay đổi sách giáo khoa phổ thông, một lập trình viên muốn hiểu hơn về cách đóng góp chuyên môn để phát triển xã hội, đạo diễn điện ảnh tìm cách kêu gọi nguồn lực cho dự án phim độc lập, người quản lý mục tiêu phát triển bền vững trong tập đoàn đa quốc gia hay một doanh nhân muốn trồng nhiều rừng…

Hiếm có ngành học nào ngoài chính sách công có thể quy tụ được đa dạng gương mặt với nhiều tâm huyết như vậy. Tiềm năng đóng góp của các cá nhân là lý do chương trình giáo dục trong lĩnh vực chính sách công thường được cấp một phần hoặc toàn phần học bổng.

Ngành chính sách công cũng mang đến cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho người học, không chỉ trong cơ quan nhà nước hay các tổ chức xã hội, mà trong cả khu vực tư.

“Người tốt nghiệp chuyên ngành chính sách công thường có hiểu biết rộng, không chỉ về chính sách mà còn cả vấn đề liên quan”, ông Khuất Quang Hưng, một chuyên gia và nhà tuyển dụng lâu năm trong lĩnh vực truyền thông đối ngoại đánh giá.

Theo ông Hưng, trong khi người học chuyên ngành hẹp thường có kiến thức sâu về một vấn đề, người học chính sách công phải có kiến thức toàn diện. Không chỉ thấu tỏ các vấn đề vĩ mô, môi trường pháp luật, phân tích chính sách, quy trình ra chính sách, họ cần hiểu mong muốn của các bên tham gia, sức ảnh hưởng, cũng như biết rõ tác động vào đâu để tạo ra thay đổi.

“Nhu cầu về nhân sự ngành học này ở các tổ chức lớn luôn hiện hữu, đồng thời vai trò của chính sách công với hoạt động của doanh nghiệp ngày càng quan trọng”, ông Hưng nhận định.

Truong Chinh sach cong,  Fulbright anh 4

Sức hút của ngành chính sách công với người học và nhà tuyển dụng phần lớn đến từ tính chất liên ngành và đây cũng là xu thế đào tạo hiện nay. Ngoài nắm vững chuyên môn ngành học, họ cần hiểu biết về xã hội, chính trị, quy trình chính sách, kỹ năng thương lượng, thuyết phục, phân tích, đánh giá, phản biện, lựa chọn giải pháp để có thể tạo ra sự thay đổi mong muốn.

Một chương trình thạc sĩ chính sách công tốt có thể trang bị cho người học bộ kỹ năng này - kỹ năng của người tạo ra thay đổi, đồng thời có thể đặt người học vào mạng lưới để tạo ra các liên minh, huy động nguồn lực cần thiết. Nhưng trên hết, đó phải là nơi nuôi dưỡng tinh thần phụng sự những giá trị chung. Đây cũng là hướng đi mà Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright luôn theo đuổi trong suốt 15 năm qua.

Truong Chinh sach cong,  Fulbright anh 5Truong Chinh sach cong,  Fulbright anh 6

Chương trình học của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright chú trọng phương pháp tư duy dựa trên chứng cứ và dữ liệu; học viên đa dạng ngành nghề, lứa tuổi, địa phương; lớp học “thở cùng nhịp thở cuộc đời”. Các chủ đề thời sự thường xuyên được đưa vào đề bài của học viên như chính sách giãn cách chống dịch Covid-19 của Việt Nam và các quốc gia; chuyển đổi số thay đổi cách cơ quan Nhà nước tương tác với người dân; thảo luận về vấn đề bảo vệ dữ liệu công dân khỏi nguy cơ rò rỉ, bị đánh cắp.

Những cuộc thảo luận cởi mở mang hơi thở thời đại là yếu tố giúp học viên ấn tượng với chương trình đào tạo chính sách công của Fulbright. “Tầm nhìn toàn cầu, hành xử địa phương” là cách tiếp cận đã tạo nền móng cho thương hiệu của chương trình học bổng thạc sĩ chính sách công này.

Đây cũng là trích dẫn ưa thích của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - giảng viên cao cấp kiêm giám đốc chương trình. Theo ông, việc cập nhật chương trình đào tạo theo diễn biến thời cuộc là mệnh lệnh tiên quyết trong việc giảng dạy chính sách công.

“Giá trị và nguyên tắc phổ quát cần giữ vững, nhưng thi hành chính sách công phải hợp thời. Khó có thể tạo ra thay đổi đáng kể nếu chúng ta không hiểu bối cảnh địa phương và thời đại đang sống”, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa khẳng định.

Chương trình học bổng thạc sĩ Chính sách Công của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam đã mở đơn ứng tuyển. Chương trình có hỗ trợ học bổng và chào đón ứng viên từ mọi ngành nghề. Kỳ tuyển sinh năm nay, trường áp dụng phương pháp xét tuyển hồ sơ. Độc giả tham khảo tại fsppm.fulbright.edu.vn/vn/tuyen-sinh/tai-sao-chon-fsppm/.

Tú Chi

Đồ họa: Tấn Lợi

Bạn có thể quan tâm