Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính sách châu Á của ông Trump lung lay giữa căng thẳng dồn dập

Hơn một tháng sau hội nghị G-20, những trụ cột trong chính sách châu Á của ông Trump lại bị đe dọa, khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa và thương chiến với Trung Quốc leo thang.

Vào thời điểm này cách đây hơn một tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến công du Đông Á đầy hứa hẹn: Tại hội nghị G20, tổng thống Mỹ nhất trí với ông Tập về việc sẽ giải quyết bất đồng trong chiến tranh thương mại.

Tương tự, một ngày sau đó tại khu phi quân sự liên Triều, ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, và cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đồng ý tái khởi động quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa.

Song chỉ đúng một tháng sau, tất cả đã diễn biến theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa 4 lần trong chưa đầy 2 tuần. Ở một chiến trường khác, Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm những sản phẩm tiêu thụ đại chúng như điện thoại iPhone, giày sneaker và đồ chơi.

Bắc Kinh ngay sau đó trả đũa bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ, hành động mà Washington lập tức cáo buộc là "thao túng tiền tệ", mở rộng cuộc chiến thương mại giữa hai nước sang một địa hạt mới.

Chinh sach doi ngoai cua My o chau A anh 1
Ông Trump và ông Tập vừa nhất trí sẽ giải quyết chiến tranh thương mại ở Hội nghị G20 cách đây một tháng, nhưng những diễn biến mới nhất lại cho thấy căng thẳng thương mại đang leo thang. Ảnh: Reuters.

Thêm vào đó, Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực, cũng đang có những bất đồng riêng với căng thẳng ngoại giao và thương mại gia tăng trong những tuần gần đây. Mới nhất, Tokyo đã đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác được ưu đãi xuất khẩu và Seoul tuyên bố đáp trả tương tự.

Thương chiến Mỹ - Trung lại leo thang

Khi ông Trump bước ra khỏi cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Osaka, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết những cuộc đàm phán thương mại đang "đi đúng hướng".

Khi đó tổng thống Mỹ tuyên bố với các phóng viên rằng mặc dù Mỹ sẽ không dỡ bỏ các hàng rào thuế quan hiện tại, nhưng Washington cũng sẽ không áp đặt thêm các biện pháp thuế quan mới đối với lượng hàng hóa Trung Quốc chưa phải chịu thuế.

"Chúng ta sẽ không làm thế", ông Trump đã nói vậy.

Song đến ngày 1/8, ngay sau khi vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc tại Thượng Hải, ông Trump đăng trên Twitter rằng chính quyền Mỹ sẽ áp đặt mức thuế 10% đối với toàn bộ số hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, vốn đang chưa chịu thuế, bắt đầu từ ngày 1/9 tới.

Một quan chức chính quyền chia sẻ với CNN rằng ông Trump không thật sự hài lòng khi phía Trung Quốc không đưa ra những cam kết chắc chắn về việc mua nông sản Mỹ trong cuộc gặp tại Thượng Hải. Tổng thống Mỹ tin rằng ông và Chủ tịch Tập đã thống nhất về vấn đề này trong cuộc gặp ở Osaka.

"Ông ấy (Tập Cận Bình) nói rằng ông ấy sẽ mua hàng hóa từ những nông dân của chúng ta, ông ấy đã không làm vậy. Ông ấy nói rằng ông ấy sẽ ngăn chặn fentanyl vào đất nước chúng ta, chất này vẫn tuôn ra từ Trung Quốc, ông ấy đã không làm vậy", Tổng thống Trump nói với các phóng viên hôm 1/8 khi được hỏi về loạt thuế mới. (Fentanyl là hợp chất được sử dụng để bào chế ma túy tổng hợp - chất quan trọng tạo nên cuộc khủng hoảng ma túy nhóm opiod ở Mỹ trong thời gian qua).

Theo ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IHS Markit, bằng việc áp đặt mức thuế mới, ông Trump đang leo thang rõ rệt cuộc chiến thương mại và đồng thời chấm dứt luôn lệnh đình chiến mà ông và Chủ tịch Tập nhất trí hồi tháng 6.

Ông Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh tế Mỹ - Trung, cho rằng động thái này có vẻ "rất phản tác dụng". Việc đó được thể hiện vào ngày 5/8, khi Trung Quốc quyết định hạ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD với tỷ giá mới là 1 USD đổi 7,05 tệ. Đây được coi là hành động đáp trả mạnh tay của Bắc Kinh trước các biện pháp thuế quan của Mỹ. 

Bộ Tài chính Mỹ sau đó liệt Trung Quốc vào diện “thao túng tiền tệ”. Chứng khoán ở các thị trường Mỹ và châu Âu chao đảo với mức giảm điểm sâu ở mức 2-3%.

Triều Tiên liên tục thử tên lửa

Chính quyền Trump vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào bày tỏ quan ngại về những vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. Tuy nhiên ông Trump cho biết mình "không có vấn đề gì" với những hoạt động này.

"Chúng ta sẽ xem xem điều gì xảy ra. Nhưng đó chỉ là những tên lửa tầm ngắn. Chúng rất là bình thường", tổng thống Mỹ nói.

Trong các cuộc đàm phán trước đó, cả hai bên đã đi đến một thỏa thuận ngầm rằng Triều Tiên sẽ ngừng thử tên lửa cấp độ liên lục địa và vũ khí hạt nhân.

Chinh sach doi ngoai cua My o chau A anh 2
Triều Tiên liên tục thử tên lửa tầm ngắn trong vòng một tuần trở lại đây, nhưng ông Trump cho rằng đây chỉ là những thử nghiệm bình thường. Ảnh: AP.

Ông Vipin Narang, giáo sư tại MIT về các vấn đề an ninh hạt nhân, cho rằng không có thỏa thuận nào liên quan đến tên lửa tầm ngắn hoặc công nghệ vũ khí khác, và Triều Tiên không hề che giấu việc tiếp tục thử nghiệm các hệ thống vũ khí khác của họ.

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên thường phục vụ nhiều mục đích, cả về mặt chính trị và công nghệ. Bản thân Bình Nhưỡng nói rằng sự gia tăng hoạt động thử nghiệm gần đây một phần là do có các cuộc tập trận chung quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc dự kiến diễn ra cuối tháng này, và vì Seoul đã mua thêm các máy bay chiến đấu.

"Đây là lời nhắc nhở rõ rệt rằng mặc dù Tổng thống Trump đi tới Bàn Môn Điếm, bắt tay ông Kim và nói rằng sẽ tái khởi động đàm phán. Và bằng những vụ thử tên lửa này, thông điệp của ông Kim là ông ấy cần nhiều hơn là một cái bắt tay", ông Narang nhận định.

"Điều đáng lo ngại là nếu thông điệp của ông Kim không nhận được hồi đáp, có thể ông ấy sẽ vặn âm lượng lên to hơn", ông Narang nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng ông Trump đã sai lầm khi đánh giá những tên lửa mới được thử của Triều Tiên là bình thường. Tình báo Hàn Quốc cho biết loại tên lửa mới này sử dụng nhiên liệu rắn, có để được điều khiển khi đang bay, điều giúp chúng trở nên khó bị đánh chặn hơn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa. Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể áp dụng những công nghệ này vào tên lửa tầm xa của họ.

Nhật - Hàn gia tăng bất hòa

Ngoài Trung Quốc và Triều Tiên, Washington cũng đang phải xử lý cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đối tác có vai trò quan trọng với ổn định và an ninh khu vực.

Hôm 2/8, Tokyo đưa Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" - bao gồm các quốc gia được ưu đãi xuất khẩu, khiến căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang, đe dọa chuỗi cung ứng điện thoại thông minh và thiết bị công nghệ toàn cầu.

Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc gọi quyết định của Tokyo là "lời tuyên chiến kinh tế toàn diện với đất nước chúng ta". Cùng ngày, Seoul có động thái đáp trả, tuyên bố loại Nhật Bản khỏi "danh sách trắng" của Hàn Quốc.

Chinh sach doi ngoai cua My o chau A anh 3
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có cuộc gặp với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản, bà Kang Kyung Wha và ông Taro Kono, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Bangkok. Ảnh: Reuters.

Mặc dù hai nước láng giềng Đông Bắc Á đều là đồng minh của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có một lịch sử phức tạp bắt nguồn từ khi Đế quốc Nhật xâm chiếm bán đảo Triều Tiên trong thế kỷ 19.

Mọi chuyện bắt đầu phức tạp trở lại khi Tòa Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật phải đền bù tổn thất cho người Hàn Quốc bị lao động cưỡng ép trong thời chiến. Tokyo cho rằng điều này đã được giải quyết trong một hiệp định được 2 bên ký kết năm 1965 và đáp trả bằng việc hạn chế xuất khẩu 3 mặt hàng sang Hàn Quốc. Những mặt hàng này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chip máy tính và một số sản phẩm công nghệ khác.

Hàn Quốc và Nhật Bản trong những năm gần đây đã tìm đến đồng minh chung của họ là Mỹ để giúp giải quyết các tranh chấp. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp các người đồng cấp Nhật, Hàn tại Bangkok vào ngày 3/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, song không thể làm dịu đi tình hình.

Nhật, Hàn leo thang thương chiến và Đông Bắc Á một ngày đầy biến động

Triều Tiên thử tên lửa lần ba trong một tuần, Nhật - Hàn leo thang chiến tranh thương mại, thủ tướng Nga thăm lãnh thổ tranh chấp với Nhật dồn dập diễn ra chỉ trong một ngày 2/8.

Phá giá đồng tệ - 'con dao' sắc bén nhưng hai lưỡi đối với Trung Quốc

Trung Quốc vừa trả đũa Mỹ bằng cách phá giá đồng tiền, đe dọa gây thêm bất lợi cho các nhà sản xuất Mỹ trước hàng Trung Quốc nhưng cũng nhận về phía họ nhiều rủi ro.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm