Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh đưa ra yêu cầu trên sau khi China Evergrande lần đầu thất bại trong việc thanh toán lãi trái phiếu coupon bằng đồng USD.
Nhiều chính quyền địa phương trên khắp đất nước cũng giám sát tài khoản ngân hàng của công ty. Mục đích là đảm bảo China Evergrande sử dụng tiền để hoàn thành các dự án nhà ở, thay vì trả tiền cho chủ nợ.
Bloomberg nhận định với yêu cầu ông Hứa dùng tiền túi để trả nợ cho China Evergrande, Bắc Kinh dường như không sẵn sàng giải cứu tập đoàn bất động sản nợ nần, ngay cả khi hố nợ hơn 300 tỷ USD đã lan sang lĩnh vực bất động sản và làm chao đảo các thị trường tài chính.
China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn nợ nần đầm đìa sau nhiều năm vay nợ để mở rộng ồ ạt. Ảnh: Reuters. |
Bỏ tiền túi trả nợ
Không rõ liệu tài sản của ông Hứa có đủ lớn và thanh khoản để giải quyết khoản tiền phải trả khổng lồ của China Evergrande hay không. Theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của ông Hứa đã giảm từ mức đỉnh 42 tỷ USD hồi năm 2017 xuống còn khoảng 7,8 tỷ USD.
Ông Hứa giữ hơn 70% cổ phần tại China Evergrande và nắm toàn quyền chỉ huy hoạt động của tập đoàn. Phần lớn tài sản của ông Hứa đến từ cổ phần tại China Evergrande và cổ tức tiền mặt mà ông nhận được từ công ty kể từ khi niêm yết năm 2009 tại Hong Kong.
Theo tính toán của Bloomberg, ông đã bỏ túi khoảng 8 tỷ USD trong thập kỷ qua nhờ các khoản thanh toán hậu hĩnh của China Evergrande, nhưng không biết ông đã tái đầu tư những khoản cổ tức đó như thế nào.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hà Nam, ông Hứa đã tận dụng các chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc để trở thành doanh nhân giàu nhất đất nước.
China Evergrande từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Năm 2017, ông Hứa trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Ông sở hữu nhiều tài sản xa xỉ, từ căn biệt thự trị giá 100 triệu USD tại Hong Kong cho đến siêu du thuyền dài 60 m có tên Event.
China Evergrande vừa thoát khỏi bờ vực vỡ nợ trong gang tấc. Hôm 22/10, China Evergrande đã trả 83,5 triệu USD lãi trái phiếu coupon ngay trước khi hết thời gian ân hạn ngày 23/10. Không rõ nguồn tiền đến từ đâu.
Theo Reuters, ông Hứa đã đồng ý bỏ tiền túi vào dự án khu dân cư có ràng buộc với một trái phiếu nhằm đảm bảo thanh toán cho các trái chủ. Nhưng China Evergrande vẫn phải đối mặt với một khoản thanh toán khác vào ngày 29/10. Năm 2022, khoảng 7,4 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước của tập đoàn sẽ đáo hạn.
Cạn kiệt nguồn tiền
China Evergrande đang cố gắng bán tài sản, chẳng hạn cổ phần trong đơn vị xe điện và công ty quản lý tài sản của tập đoàn. Tuy nhiên, quá trình này vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Hôm 19/10, REDD Intelligence cho biết kế hoạch bán phần lớn cổ phần của Evergrande Property Services - đơn vị quản lý tài sản của China Evergrande - cho Hopson Development đã tạm dừng. Reuters đưa tin kế hoạch bán văn phòng ở Hong Kong của tập đoàn cũng thất bại.
Nhóm bạn giàu có của tỷ phú Hứa đã nhiều lần giúp China Evergrande thoát khỏi "cửa tử". Nhưng giờ, đế chế bất động sản của ông đang là một trong những nạn nhân trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm giảm khoản nợ khổng lồ và rủi ro trên thị trường nhà ở.
Cuộc trấn áp của Bắc Kinh chặn đứng hầu hết nguồn tiền của China Evergrande và các công ty con, từ phát hành trái phiếu, bán cổ phiếu, vay ngân hàng đến tài trợ ngầm.
Vào tháng 8, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc yêu cầu các chi nhánh địa phương trên khắp Trung Quốc giám sát nguồn vốn cho những dự án bất động sản của China Evergrande qua các tài khoản ủy thác giữ đặc biệt.
Hàng trăm dự án nhà ở của China Evergrande chưa được hoàn thành vì tập đoàn không thể trả tiền cho các nhà cung cấp và nhà thầu. Ảnh: New York Times. |
Theo nguồn tin của Bloomberg, dưới sự giám sát cao độ, tiền của China Evergrande buộc phải sử dụng để hoàn thành các dự án nhà ở dở dang. China Evergrande vẫn chưa hoàn thành nhà cho 1,6 triệu người mua đã đặt cọc.
Doanh số bán bất động sản của gã khổng lồ địa ốc giảm khoảng 97% trong mùa mua nhà cao điểm. Điều đó tiếp tục thu hẹp nguồn tiền của tập đoàn. Những rắc rối của công ty đang lan sang thị trường nhà ở Trung Quốc. Khách mua nhà bắt đầu dè chừng. Giá nhà lao dốc lần đầu tiên sau 6 năm.
Tuần trước, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc tuyên bố sẽ duy trì những hạn chế đối với thị trường bất động sản đất nước, ngay cả khi các chính sách đang đè nặng lên những tập đoàn bất động sản nợ nần.
Ngân hàng trung ương cũng khẳng định những rủi ro từ hố nợ của China Evergrande là "có thể kiểm soát được" và không có khả năng lây lan.