Ngày 17/8, Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm Huawei Technologies mua chip và các thành phần điện tử khác được phát triển hoặc sản xuất dựa trên công nghệ hoặc phần mềm Mỹ. Lệnh cấm này là phần mở rộng của điều luật được chính quyền Washington công bố hồi tháng 5.
Trước đó, các chuyên gia pháp lý đặt vấn đề Huawei có thể "lách luật". Ví dụ, các công ty Mỹ có thể bán chip cho bên thứ ba, và bên thứ ba đó cung cấp hàng cho Huawei. Tuy nhiên, lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ đã xóa bỏ "lỗ hổng" này.
Huawei đối mặt với cửa tử bởi mọi công ty công nghệ quốc tế, từ Qualcomm cho đến Samsung và Sony, đều sử dụng phần mềm, bản quyền sở hữu trí tuệ, công cụ thiết kế chíp và nguyên vật liệu của Mỹ. Nikkei Asian Review dẫn lời chuyên gia Geoff Blaber, Phó chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường CCS Insight nhận định Huawei không còn cửa nào để mua chip.
“Bản chất của ngành công nghiệp bán dẫn là có tính chất toàn cầu, nhưng nền tảng lại là Thung lũng Silicon ở nước Mỹ. Huawei khó có thể tìm được đường vòng nào để mua chip”, chuyên gia Blaber nhấn mạnh.
Các công ty Mỹ thống trị ngành thiết kế và sản xuất chip toàn cầu. |
Nền tảng ở Thung lũng Silicon
Các công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế chip đều là doanh nghiệp Mỹ. Có thể kể đến như Cadence Design Systems, Synopsys và Ansys. Mentor Graphics - nhà cung cấp công cụ thiết kế chip lớn thứ ba thế giới - Siemens (Đức) mua lại hồi năm 2016, nhưng vẫn duy trì hoạt động tại Mỹ.
Bốn công ty này kiểm soát xấp xỉ 90% thị trường công cụ thiết kế chip toàn cầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp này sở hữu phần lớn bản quyền trí tuệ về thiết kế chip, do đó không thể thay thế.
Các công đoạn sản xuất chip rất phức tạp và hiện chỉ có Cadence và Synopsys đủ khả năng cung cấp các giải pháp đầu cuối phục vụ hoạt động sản xuất chip tiên tiến. Huawei vẫn sử dụng các phiên bản công cụ thiết kế chip cũ. Nếu không có hỗ trợ của các công ty Mỹ, đại gia công nghệ Trung Quốc sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức hơn để xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh.
Arm Ltd - hãng thiết kế chip Anh - cung cấp thiết kế nền tảng của hơn 90% chip điện thoại di động trên thế giới. Mặc dù có trụ sở chính tại Cambridge, Arm lập trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Mỹ. Do đó, Arm cũng phải tuân theo các quy tắc xuất khẩu của Mỹ.
“Rất nhiều bản quyền sở hữu trí tuệ (IP) của Arm xuất phát từ văn phòng ở Mỹ. Hãng cũng dùng công cụ thiết kế chip của các công ty Mỹ như Cadence", chuyên gia Blaber giải thích.
Huawei đang đối mặt với tương lai ảm đạm khi bị cắt mất nguồn cung chip. Ảnh: Getty Images. |
Mọi công ty sản xuất chip trên thế giới, bất kể quốc tịch, đều dựa vào công cụ và bản quyền sở hữu trí tuệ của nhóm doanh nghiệp trên. Từ Apple, Huawei, Sony, Samsung, SK Hynix, Kioxia, NXP, Qualcomm đến Nvidia, MediaTek, Broadcom và STMicroelectronics, hoàn toàn không có ngoại lệ nào cả.
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố quy định mới, các công ty sẽ phải xin giấy phép từ chính quyền Washington để bán chip cho Huawei.
Thiết kế phần mềm chỉ là một lĩnh vực trong chuỗi cung ứng chip, nơi các công ty Mỹ kiểm soát hoàn toàn. Giống như thiết kế, hoạt động sản xuất chip cũng dựa chủ yếu vào các thiết bị sản xuất và thử nghiệp của Mỹ.
Các công ty Mỹ - Applied Materials, Lam Research và KLA-Tencor - cùng ASML của châu Âu và Tokyo Electron (Nhật Bản) thống trị hoạt động sản xuất bán dẫn tiên tiến. ASML có trụ sở ở Hà Lan, nhưng máy móc của hãng sử dụng công nghệ Mỹ và một số thành phần quan trọng trong máy sản xuất chip được chế tạo ở Mỹ.
Huawei không có đường thoát
Năm ngoái, ASML buộc phải hoãn giao công cụ in thạch bản cho Semiconductor International Manufacturing Co, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc. Tokyo Electron cũng dựa vào phụ tùng và công nghệ Mỹ để chế tạo máy sản xuất chip.
Mỹ đồng thời cũng là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học vật liệu và hóa học. Các công ty Mỹ như Dow DuPont, 3M và Corning chiếm vị thế kiểm soát quy trình sản xuất chip và màn hình. Theo các chuyên gia pháp lý, phạm vi của luật mới vượt ra ngoài lĩnh vực bán dẫn, phủ cả mảng sản xuất các thành phần điện tử quan trọng khác như màn hình hiển thị. Phần lớn màn hình hiện nay sử dụng vật liệu Mỹ.
Chuyên gia Su Tze-yun thuộc Viện Quốc phòng và Nghiên cứu An ninh Đài Loan nhận định: "Trong những năm qua, các công ty châu Á vươn lên trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip, nhưng không kiểm soát các công cụ nền tảng và bản quyền sở hữu trí tuệ của ngành này". Ông cũng cho biết để đạt được trình độ công nghệ đó, doanh nghiệp và quốc gia cần đầu tư lâu dài, tích lũy kinh nghiệm và được khách hàng toàn cầu công nhận.
"Sau cùng, Mỹ vẫn nằm quyền kiểm soát các phần mềm nền tảng, khoa học vật liệu, hóa chất và kim loại, cũng như các thiết bị cơ bản trong sản xuất chip và linh kiện điện tử", ông Su nhấn mạnh. Các hãng như Taiwan Semiconductor Manufacturing (Đài Loan) và Samsung có thể sản xuất chip quy mô lớn, nhưng vẫn dựa vào công nghệ Mỹ.
Do đó, Huawei và các công ty Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn chip thay thế. Chiến lược "rũ bỏ sự phụ thuộc vào Mỹ" của chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc đối mặt cản trở quá lớn.
Mỹ kiểm soát gần như hoàn toàn ngành công nghiệp thiết kế và sản xuất chip. Ảnh: USA Today. |
Thời gian qua, Trung Quốc nỗ lực phát triển ngành chip nội địa và đạt được một số thành công nhất định. SMIC và Yangtze Memory Technologies được kỳ vọng sẽ thách thức Samsung và Micron. Tuy nhiên, các công ty này vẫn phụ thuộc nguồn cung thiết bị và vật liệu có yếu tố Mỹ.
Các doanh nghiệp khác của Trung Quốc như EDA Empyrean Software, Naura Technology Group và Advanced Micro-Fabrication Equipment Co bị đánh giá là kém xa đối thủ Mỹ về năng lực và quy mô.
Bắc Kinh đã rót hơn 340 tỷ NDT (9 tỷ USD) vào quỹ Big Fund để hiện thực hóa tham vọng sản xuất chip. Năm ngoái, nước này thành lập sàn giao dịch chứng khoán công nghệ Shanghai STAR, một phiên bản tương tự sàn Nasdaq của Mỹ.
Dù vậy, nhà phân tích Roger Sheng của Gartner cho rằng Mỹ vẫn chiếm vị thế thượng phong trong lĩnh vực này. "Ngay cả khi Trung Quốc đủ khả năng đầu tư nguồn vốn khổng lồ, nước này vẫn cần tiếp cận với nhiều yếu tố khác trong chuỗi cung ứng đang bị Mỹ kiểm soát".