“Với dân số trẻ và nền kinh tế đang tăng trưởng, các nước ASEAN là động lực trong thế kỷ 21. Do đó, đây là khu vực quan trọng mà nước Mỹ muốn chắc chắn có thể tích cực can dự”, bà Susan Thornton, người từng giữ cương vị quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong thời kỳ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, chia sẻ với Zing.
“Chính quyền của Tổng thống Biden đang cố gắng xua tan các nghi ngờ về cam kết của Mỹ với châu Á”, bà nói, nhưng cũng cho rằng chính quyền ông Biden chưa có nghị trình thương mại rõ ràng, cũng như chịu tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine.
“Đây là lý do họ mời các nhà lãnh đạo ASEAN tới Washington để thể hiện cam kết. Tôi chắc chắn Mỹ sẽ tập trung vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều cần được trình bày chi tiết cùng với hội nghị thượng đỉnh”, bà Thornton khẳng định.
Nhiều chuyên gia cũng chú ý đến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng cẩn trọng rằng đây sẽ không phải là một hiệp định thương mại tự do.
Điểm nhấn kinh tế
Trong bài viết trên trang web của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), ông Joshua Kurlantzick, nhà phân tích Đông Nam Á của CFR, cũng nhận định Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của hội nghị.
“Chính quyền (Mỹ) đang phát triển Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kế hoạch khái quát được hy vọng sẽ là nhân tố chủ chốt trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm chứng tỏ nước Mỹ sẽ tiếp tục sẵn sàng đi đầu trong các vấn đề kinh tế và thương mại của khu vực”, ông Kurlantzick viết.
Dù vậy, theo vị chuyên gia, kế hoạch này không phải là một hiệp định thương mại và không thể thay đổi quá nhiều điều trong khu vực.
“Các nước lớn khác ở châu Á, như Nhật Bản, đã gây áp lực với mong muốn biến nó thành một văn bản bao gồm các cam kết và đề nghị tiếp cận thị trường mang tính ràng buộc của Mỹ trong các lĩnh vực nhất định”, ông nhận định.
Trên Diplomat, hai nhà nghiên cứu Teh Zi Yee và Nory Ly cho rằng Tổng thống Biden sẽ trình bày về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho các nhà lãnh đạo ASEAN trong hội nghị nhằm nhận được sự ủng hộ trong quá trình triển khai.
“Về thúc đẩy tăng trưởng chung, ASEAN sẽ mở rộng vòng tay hoan nghênh bất kỳ sáng kiến nào đem tới tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng”, hai học giả phân tích.
“Hội nghị đặc biệt lần này sẽ dựa trên cơ sở là sự tham gia của Tổng thống Biden tại Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN tháng 10/2021, cũng như mở rộng sự can dự của Mỹ với ASEAN về phục hồi sau Covid-19, an ninh y tế, chống khủng hoảng khí hậu, kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và tăng cường quan hệ nhân dân”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Hai bên đều cần nhau
Theo ông Brian Harding, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Hòa bình Mỹ (USIP), các nước ASEAN nhận thức được rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng quan trọng tới chính họ.
“Các nước Đông Nam Á mong muốn nhận được sự ủng hộ của Mỹ với các thể chế đa phương do ASEAN làm trung tâm, như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) hay Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)”, vị chuyên gia nói. “ASEAN muốn giữ vị trí trung tâm trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Ngoài ra, các nước trong khu vực cũng muốn Mỹ trở thành đối tác mạnh mẽ hơn trên các khía cạnh như kinh tế hay các thách thức xuyên quốc gia từ biến đổi khí hậu, sẵn sàng ứng phó với đại dịch hay tội phạm xuyên quốc gia.
Ở chiều ngược lại, theo ông Harding, sự ủng hộ với một ASEAN liên kết chặt chẽ và có khả năng phục hồi là một trong những biện pháp quan trọng để Mỹ thúc đẩy “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
“Việc đầu tư vào mối quan hệ với ASEAN và làm những điều có thể để ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực là điều nằm trong lợi ích của Mỹ”, ông Harding nhận định.
Ông cũng chỉ ra trong năm 2021, sự can dự của Washington với các nước Đông Nam Á và ASEAN vấp phải khó khăn do các biện pháp hạn chế di chuyển phòng dịch Covid-19 và các vấn đề gây ra bởi cuộc chính biến tại Myanmar tháng 2/2021.
“Hội nghị đặc biệt lần này hướng đến việc bù đắp quãng thời gian đã mất, cũng như thể hiện rõ ràng mối quan tâm và cam kết của Mỹ với việc làm sâu sắc thêm quan hệ với ASEAN và các nước thành viên”, vị chuyên gia nhận định.
Những cuộc gặp bên lề quan trọng ở Washington D.C.
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Mỹ - ASEAN đã trở về hình thức họp trực tiếp, và cùng với đó là sự trở lại của các cuộc gặp mặt không chính thức nhưng quan trọng bên lề.
Hội nghị cấp cao đặc biệt cho thấy 'Mỹ - ASEAN coi trọng lẫn nhau'
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhận định việc Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN có thể thu xếp cùng dự hội nghị sắp tới cho thấy hai bên coi trọng lẫn nhau.
Vì sao ông Trump trừng mắt trong bức chân dung mới?
Giữa khoảnh khắc đỉnh cao của chiến thắng và ăn mừng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại trông nghiêm nghị trong bức chân dung mới được công bố trước thềm lễ nhậm chức.