“Mỹ đã duy trì một lịch trình cuộc họp trực tuyến dày đặc với các đối tác ASEAN trong 2 năm qua, nhưng điều này không thể thay thế cho việc gặp mặt trực tiếp”, Andreyka Natalegawa, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với Zing.
Andreyka Natalegawa, chuyên gia tại CSIS. Ảnh: Đại học Gerorgetown. |
Đây là Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần thứ 2 kể từ năm 2016 và là hội nghị đầu tiên có sự tham gia trực tiếp của các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ kể từ năm 2017.
Theo ông Natalegawa, Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ không chỉ mang lại lợi ích thông qua các cuộc họp và sự kiện chính thức, mà còn cả những cuộc trò chuyện thân mật diễn ra bên lề.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang ở Mỹ trong lịch trình tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ trong hai ngày 12-13/5 tại Washington. Ngoài ra, Thủ tướng sẽ có bài phát biểu tại CSIS.
Chia sẻ với Zing, các chuyên gia đều khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden.
“Chính quyền ông Biden nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời khẳng định triển vọng của khối trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các văn kiện chiến lược của chính quyền Biden cũng thể hiện rõ điều này”, giáo sư Thayer, Đại học New South Wales (Australia), nói.
“Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN sẽ củng cố mối quan hệ hai bên, giúp Tổng thống Joe Biden tăng cường hơn nữa mối quan hệ với những lãnh đạo khu vực Đông Nam Á”, ông Natalegawa nói.
Vai trò trung tâm
"Ngoài Mỹ, các cường quốc lớn như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng coi ASEAN là phần quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, Washington không muốn ASEAN đứng về phía nào và không muốn gây áp lực với các đối tác trong khối”, ông Thayer nhận định.
Trong khi đó, ông Natalegawa nhận định rằng vào thời điểm Tổng thống Biden nhậm chức, “kỳ vọng vào cách tiếp cận của chính quyền ông đối với Đông Nam Á là rất cao” và "chính quyền Biden đã cố gắng đáp ứng những kỳ vọng này".
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ. Ảnh: TTXVN. |
“(Họ) thực hiện các bước quan trọng để thúc đẩy hợp tác với Đông Nam Á, bao gồm việc cử quan chức cấp cao trong nội các tới khu vực và bổ sung các chức vụ ngoại giao quan trọng, vốn bị bỏ trống trong nhiều năm”, chuyên gia từ CSIS cho biết. Điều này cho thấy quyền Tổng thống Biden hiểu rằng Đông Nam Á rất quan trọng.
“Việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN được tổ chức ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine đang diễn ra chứng tỏ rằng Mỹ có khả năng duy trì sự tập trung vào khu vực này”, ông Natalegawa nói. “Tuy nhiên, trong khi hợp tác chính trị và an ninh diễn ra tích cực, chính quyền Biden cần thực hiện các biện pháp tăng cường gắn kết kinh tế với Đông Nam Á, bao gồm thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
An ninh kinh tế có tầm quan trọng đáng kể đối với các nước ASEAN khi họ phục hồi sau đại dịch, và chính quyền Biden cần tận dụng cơ hội này để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế, ông nhận xét.
Trong đó, ông nhận định rằng Việt Nam có vai trò rất quan trọng: “Việt Nam được xác định là đối tác hàng đầu khu vực trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được cập nhật vào tháng 2. Việt Nam là trung tâm trong mục tiêu của Mỹ đối với việc duy trì luật hàng hải, bao gồm cả ở Biển Đông”.
Qua đó, ông nhận định rằng Hà Nội và Washington có cơ hội thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Trước đó, hội nghị thượng đỉnh này đã được tổ chức trực tuyến do dịch Covid-19. Vì vậy, theo giáo sư Thayer, các bên hiện đều hy vọng đánh dấu sự kết thúc của những hạn chế đối với việc di chuyển quốc tế do dịch bệnh.
“Các cuộc gặp trực tiếp của các nhà lãnh đạo luôn quan trọng vì các nhà lãnh đạo chủ chốt như thủ tướng Việt Nam và tổng thống Mỹ tự hào về sự hiểu biết với đối phương”, ông Thayer nói.
“Thủ tướng Phạm Minh Chính có 5 năm đương nhiệm kể từ khi nhậm chức, trong khi Tổng thống Biden có 4 năm. Vì vậy, nhiệm kỳ của cả hai sẽ có vài năm trùng nhau. Đây là một cuộc gặp đầu tiên quan trọng, bắt đầu từ việc cả hai nhà lãnh đạo có thể hòa hợp với nhau và chia sẻ quan điểm”, ông Thayer cho biết.
Nhận định về bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại CSIS, giáo sư Carl Thayer kỳ vọng điều này có thể tác động đến “quan điểm của giới tinh hoa Mỹ”.
“Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại một viện nghiên cứu chiến lược uy tín sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của giới tinh hoa Mỹ, cho thấy Việt Nam được xem là một đối tác tiềm năng rất quan trọng với Washington. Tất cả tài liệu từ thời cựu Tổng thống Trump cũng cho thấy điều đó”, ông nói với Zing.
Trở ngại và triển vọng
Ông Thayer cũng bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng hợp tác Mỹ - ASEAN.
“Hai bên có tiềm năng trở thành đối tác chiến lược. Trong hội nghị lần này, các nước sẽ khẩn trương hoàn thành những mục tiêu còn dang dở, và bắt đầu soạn thảo kế hoạch hành động tiếp theo”, ông nói.
Trước những biến động trong cục diện an ninh thế giới hiện nay, giáo sư Thayer cho rằng dù một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có xảy ra hay không, “rõ ràng cuộc chiến ở Ukraine sẽ có những tác động lâu dài. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của ASEAN”.
Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 10/2021. Ảnh: AP. |
Khi được hỏi về triển vọng tiến tới quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam và Mỹ, giáo sư Thayer nói "Việt Nam đóng một vai trò độc lập và không đứng về phía bên nào. Nếu đối phương hiểu rằng Việt Nam muốn tự chủ và độc lập, họ hoàn toàn được hoan nghênh với tư cách đối tác chiến lược".
Vị giáo sư cho rằng câu hỏi đặt ra hiện này là “liệu hai giấc mơ có thể tìm thấy điểm chung hay không”.
“Có nhiều thời gian để tìm hiểu mong muốn của mỗi bên và tìm ra điểm chung, không nên đưa ra quyết định vội vàng”, ông kết luận.