Những ngày gần đây, các sạp bán thịt lợn tại chợ Thiều (xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) vắng lặng người bán, kẻ mua.
Tiểu thương lao đao
Theo tìm hiểu, nguyên nhân là ngày 16/5, UBND xã Dân Lý ra thông báo số 90 về việc chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, địa phương này nghiêm cấm các hộ vận chuyển, kinh doanh lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn (trong địa bàn dân cư và chợ Thiều) ra vào địa bàn của xã.
Chính quyền xã ra lệnh cấm bán thịt lợn tại chợ Thiều. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Đối với các hộ giết mổ lợn và hộ kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn phải ngừng hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán tại chợ Thiều và bán lẻ tại các thôn kể từ ngày 16/5 cho đến khi hết dịch được công bố của UBND huyện.
Thông báo cũng nêu nếu hộ nào vi phạm, UBND xã sẽ lập biên bản thu hồi để tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc chính quyền ra thông báo trên đã khiến nhiều tiểu thương và người dân bức xúc.
Bà Đào Thị Nhung (46 tuổi, trú xã Dân Lý) cho biết làm nghề buôn bán thịt lợn được hơn 20 năm nay. Theo bà, ngày 16/5, chính quyền xã đưa cho các hộ buôn bán một bản cam kết về việc không được giết mổ lợn đưa ra chợ Thiều bán.
Việc này khiến các tiểu thương bức xúc vì rơi vào cảnh thất nghiệp. “Nếu cấm toàn tỉnh thì chúng tôi nghỉ bán, không sao cả. Nhưng chỗ cấm chỗ không. Trong khi đó, chúng tôi có nhiều bạn hàng, mối hàng, họ không mua được ở chỗ tôi thì sẽ đi chỗ khác. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của chúng tôi”, bà Nhung nói.
Cả trăm sạp kinh doanh thịt lợn vắng cảnh người bán, kẻ mua. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Còn ông Lê Văn Minh (50 tuổi, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn khác) cho biết các hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Thiều đều bán thịt lợn sạch, đã qua kiểm dịch nên đủ tiêu chuẩn.
“Nếu lợn sạch, có nguồn gốc xuất xứ phải để cho chúng tôi bán. Còn lợn phát hiện ốm thì chính quyền cứ tiêu hủy. Chứ chính quyền cấm bán hẳn thế này thì người dân sẽ khát và quay lưng với thịt lợn”, ông Minh nói.
Cả chợ bị ảnh hưởng
Lệnh cấm bán thịt lợn này còn ảnh hưởng đến các tiểu thương bán thịt bò và các mặt hàng khác. Chị Lê Thị Lan (39 tuổi, buôn bán thịt bò) cho biết từ ngày có lệnh cấm trên, chợ thưa thớt người đến mua.
“Những người có nhu cầu ăn thịt lợn họ sẽ không đến đây và mua thêm những mặt hàng khác. Chợ khác có thịt lợn thì họ đến đó để mua và mua thêm thịt bò, hải sản, rau... Vì thế nên những ngày qua việc kinh doanh của chúng tôi đều bị ảnh hưởng”, chị Lan bức xúc.
Ông Đoàn Quang Chinh (Quản lý chợ Thiều) cho biết chợ có 120 sạp buôn bán thịt lợn, bình quân mỗi ngày tiêu thụ hơn 1,5 tấn.
Theo ông Chinh, chợ Thiều là chợ an toàn thực phẩm nên từ trước đến nay, việc truy xét nguồn gốc được thực hiện rất kỹ. Lợn nhập vào đều được truy xuất nguồn gốc xem lý lịch ra sao, có bệnh tình gì không và phải đóng dấu.
Tiểu thương bức xúc trước việc chính quyền ra lệnh cấm bán thịt lợn. Ảnh: Nguyễn Dương. |
"Nếu phát hiện lợn mắc bệnh chúng tôi lập tức ngăn chặn không cho tiểu thương đưa vào chợ, mà buộc phải tiêu hủy và xử lý nghiêm theo quy định. Còn đối với lợn sạch, cơ quan chức năng nên có cơ chế để cho người dân giết mổ, buôn bán bình thường”, ông Chinh đề nghị.
Xã nói làm theo chỉ đạo, huyện nói xã hiểu sai
Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Văn Tỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Dân Lý, xác nhận việc xã này có ra văn bản nói trên. Ông nói việc này do lãnh đạo huyện chỉ đạo.
“Hôm đó, đoàn công tác của huyện đi kiểm tra tại chợ Thiều và thấy người dân bán thịt lợn. Lãnh đạo huyện có gọi cả Chủ tịch xã và Phó chủ tịch xã lên khiển trách đồng thời chỉ đạo yêu cầu không được bán thịt lợn ở chợ. Sau đó, chúng tôi phải thực hiện theo”, ông Tỉnh lý giải.
Về vấn đề này, ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Triệu Sơn, lại khẳng định rằng huyện chỉ đạo đúng nhưng xã lại hiểu sai.
“Huyện chỉ đạo rất nghiêm túc, cấm giết mổ, cấm bán thịt lợn không đúng quy định. Thế nhưng, xã lại hiểu sai, bỏ qua các chữ không đúng quy định dẫn đến làm như vậy”, ông Lâm phân trần.
Cũng theo ông, huyện sẽ tiến hành họp các chợ, các tiểu thương và chính quyền xã để phổ biến lại vấn đề này.
Từ ngày 16/5, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Đến nay, dịch đã lan rộng đến 19/36 xã, buộc phải tiêu hủy hơn 100 tấn.
Ngày 20/3, Bộ NN&PTNT có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo tập trung, triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Trong đó nêu rõ về quản lý việc giết mổ lợn. Theo đó, Bộ cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn trong vùng có dịch (cấp xã, huyện, tỉnh). Thịt và sản phẩm từ thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng có dịch bệnh theo cấp địa phương đã công bố.
Việc giết mổ lợn phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, bảo đảm vệ sinh thú y, có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Cơ sở giết mổ phải thực hiện đầy đủ việc vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc sau mỗi ca giết mổ...