Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính quyền Biden 'vỡ mộng' sau cái cụng tay ở Riyadh

Việc OPEC+ tăng sản lượng dầu không đáng kể được cho là "gáo nước lạnh" với chính quyền Biden sau chuyến công du Saudi Arabia với hy vọng lãnh đạo nhóm này sẽ bơm dầu nhiều hơn.

Năm 2019, vào thời điểm còn tranh cử tổng thống, ông Joe Biden đã cam kết sẽ coi Saudi Arabia là “pariah” - quốc gia bất trị, bị bài xích - vì những báo cáo nhân quyền. Thế nhưng giờ đây, đối mặt với thực trạng kinh tế suy giảm, tổng thống Mỹ đang đảo ngược chính lời hứa hẹn của mình.

Với giá xăng chạm gần mức kỷ lục và nỗi lo lạm phát gia tăng, Tổng thống Biden đã đến thăm Saudi Arabia vào tháng 7.

Trong bức ảnh được chụp lại, người ta thấy ông thậm chí còn cụng tay với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MBS), người mà tình báo Mỹ từng khẳng định có liên quan trực tiếp đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post vào năm 2018.

opec tang san luong dau anh 1

Cái cụng tay gây nhiều tranh cãi giữa Tổng thống Biden và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ sau đó rời đi mà không có bất cứ bản thỏa thuận công khai trợ giúp giá khí đốt nào từ Saudi Arabia. Nhưng các quan chức Nhà Trắng bày tỏ lạc quan rằng sự trợ giúp đang “trên đường đến”.

Tuy nhiên, giờ đây, rõ ràng canh bạc chính trị của ông Biden với Thái tử MBS đã không được đền đáp xứng đáng. Ít nhất đây là điều người Mỹ cảm thấy khi ở các trạm xăng.

OPEC+ tăng sản lượng "nhỏ giọt"

OPEC+ đã công bố thỏa thuận tăng sản lượng dầu vào hôm 3/8, nhưng chỉ với 100.000 thùng/ngày.

Theo CNN, con số này không đủ để thay đổi tình thế trong một thế giới tiêu thụ 100 triệu thùng dầu mỗi ngày.

"Con số đó rất nhỏ, gần như không thể nhận thấy sự khác biệt", Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group, nói.

Theo phân tích của ông McNally, đây là mức tăng sản lượng tính theo phần trăm thấp nhất trong lịch sử OPEC.

"Đó là một cử chỉ hoàn toàn mang tính biểu tượng", ông nói. "OPEC+ đã tăng sản lượng ở mức tối thiểu tuyệt đối. Và điều này chỉ mang lại một đợt phục hồi ngắn hạn trên thị trường".

Một số người khác thậm chí còn mô tả động thái này của OPEC+ là một sự xúc phạm khi mà ông Biden đã tới thăm Saudi Arabia, nhà lãnh đạo trên thực tế của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ.

"Đó là gáo nước lạnh với chính quyền Biden. Chuyến đi và cuộc gặp với Thái tử MBS không có kết quả", Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu của Mỹ tại Kpler, nói với CNN.

opec tang san luong dau anh 2

Mức tăng mới của OPEC+ không đủ để thay đổi tình thế trong một thế giới tiêu thụ 100 triệu thùng dầu mỗi ngày. Ảnh: Reuters.

Tương tự, Robert Yawger, phó chủ tịch phụ trách hợp đồng năng lượng tại Mizuho Securities, mô tả quyết định của OPEC+ là "một cái bạt tai".

"Tôi phải nói rằng tôi rất ngạc nhiên khi họ chỉ tăng thêm 100.000 thùng mỗi ngày", Yawger nói.

Lo ngại suy thoái

Bất chấp điều này, Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về an ninh năng lượng, vẫn cho rằng quyết định của OPEC+ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến giá xăng dầu của Mỹ.

Ông mô tả động thái hôm 3/8 là một "bước đi đúng hướng", nhưng từ chối cho biết liệu Tổng thống Biden có thất vọng trước mức tăng không lớn này hay không.

Dù trước đó, vào ngày 19/7, ông Hochstein vẫn còn nói với CNN rằng ông "khá tự tin" OPEC+ sẽ chuyển sang tăng sản lượng "do kết quả từ các cuộc trò chuyện của tổng thống".

Theo CNN, có những lý do chính đáng khiến OPEC+ quyết định không chú ý đến lời kêu gọi tăng cường sản xuất của Tổng thống Biden.

Chuyên gia Kate Dourian, thuộc Viện Năng lượng Anh, cho biết OPEC+ điều chỉnh cung và cầu để cân bằng thị trường. Họ giữ giá cao bằng cách giảm nguồn cung khi nhu cầu về dầu sụt giảm, và ngược lại, hạ giá bằng cách đưa thêm dầu vào thị trường - điều mà Mỹ đang mong muốn.

Tuy nhiên, những dấu hiệu về suy thoái đã bùng phát trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại trên thị trường dầu về việc nhu cầu năng lượng suy yếu.

Trong bối cảnh đó, việc tăng sản lượng dầu lớn có ảnh hưởng đến cán cân trên.

Trên thực tế, các nước OPEC+ từng ám chỉ việc nhu cầu dầu bị kìm hãm do rủi ro suy thoái tại Mỹ và các lệnh phong tỏa chống dịch của Trung Quốc khiến họ lưỡng lự trong việc tăng sản lượng.

Báo cáo gần đây của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô và tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng.

“Đây là một dữ liệu rất bất lợi cho giá dầu”, Bob Yawger, quan chức cấp cao của ngân hàng Mizuho, nhận định.

opec tang san luong dau anh 3

Động thái từ OPEC+ xóa tan kỳ vọng về khả năng nhóm này sẽ mạnh tay tăng nguồn cung sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Đầu tuần, giá dầu thô Mỹ đóng cửa ở mức thấp nhất trong 5 tháng. Sau khi lần đầu tiên tăng trên 5 USD/gallon vào tháng 6, giá xăng cũng hạ nhiệt đáng kể.

Theo AAA, mức trung bình trên toàn quốc đối với xăng thông thường đã giảm xuống 4,16 USD/gallon vào hôm 3/8, đánh dấu 50 ngày giảm giá liên tiếp.

Trước tình hình này, thị trường dầu ngày càng đặt nhiều nghi ngờ về việc OPEC+ có thực sự cần phải tăng sản lượng và tăng đến mức nào.

Trong cuộc họp hôm 3/8, nhóm cho biết "khả năng cung cấp dư thừa bị hạn chế đòi hỏi phải sử dụng nó một cách thận trọng để đối phó với sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng".

Ông Biden cụng tay với thái tử Saudi Arabia Ông Joe Biden cụng tay với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khi cả hai gặp nhau lần đầu tiên ở Jeddah vào ngày 15/7, trong chuyến công du của tổng thống Mỹ đến Trung Đông.

Thế khó của ông Biden khi giá xăng không ngừng tăng

Trước cuộc khủng hoảng giá xăng dầu, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng xoay xở, nhưng các giải pháp cho tình hình hiện nay đều có nhược điểm.

Ngành dầu khí thế giới lãi 2,8 tỷ USD chỉ trong một ngày

Một phân tích mới đã tiết lộ ngành công nghiệp dầu khí kiếm được 2,8 tỷ USD mỗi ngày trong suốt 50 năm qua.

Minh An

theo CNN

Bạn có thể quan tâm