Trả lời trước Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Sibusiso Moyo thừa nhận 50 phái đoàn đại diện ngoại giao của Zimbabwe đã được trang bị xe sang đời mới, chủ yếu là của hãng Range Rovers và Toyota, trị giá khoảng 40.000 USD mỗi chiếc, Guardian hôm 7/7 cho biết.
Trong một buổi trả lời khác cũng tại Quốc hội, người đứng đầu ban lãnh đạo Cơ quan Y tế quốc gia Paulinus Sikosana thừa nhận các thành viên của ban lãnh đạo đã được trang bị xe sang Range Rovers Discovery, có giá trị khoảng 50.000 USD mỗi chiếc. Ông Sikosana tuyên bố đây là tiêu chuẩn cho cán bộ cấp cao.
Y tá tham gia biểu tình tại thủ đô Harare. Ảnh: Guardian. |
Trong khi đó, quan chức quân đội cũng được trang bị nhiều xe sang hoặc ôtô đời mới, tùy cấp bậc.
Thông tin hàng triệu USD được chi để mua xe công được tiết lộ trong bối cảnh nền kinh tế Zimbabwe ngày càng suy sụp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Lạm phát tại quốc gia châu Phi hiện ở mức 785%/năm. Theo tính toán của Liên Hợp Quốc, khoảng 4,3 triệu người Zimbabwe sống tại khu vực nông thôn đang cần trợ giúp khẩn cấp. Cư dân tại nhiều thành phố và thị trấn đứng trước nguy cơ của nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng.
Liên đoàn Y tá Zimbabwe cho biết các nhân viên y tế nước này hiện không có khả năng chi trả các chi phí thường ngày do tình trạng lạm phát cao. Hàng nghìn bác sĩ và y tá Zimbabwe đang tham gia cuộc đình công phản đối tình trạng điều kiện lao động không đảm bảo, thiếu thiết bị bảo hộ và thu nhập thấp.
Những ý kiến chỉ trích cho rằng chính phủ của Tổng thống Emmerson Mnangagwa sử dụng xe sang để mua chuộc sự trung thành của các quan chức cấp cao và phe phái chính trị, bất chấp Zimbabwe đang hứng chịu các lệnh cấm vận tài chính quốc tế.
Trong khi đó, Tổng thống Mnangagwa đổ lỗi cho "những kẻ chống đối chính trị" gây ra khủng hoảng kinh tế tại Zimbabwe. Các quan chức Zimbabwe cũng nhiều lần cho rằng các biện pháp cấm vận quốc tế góp phần khiến nền kinh tế nước này lâm vào khủng hoảng.