Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất cho vay ít nhất 1,5-2%

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất 1,5-2%).

Ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Ảnh: H.H.

Ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Ảnh: H.H.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 97 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đáng chú ý, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ", Chính phủ yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm.

"Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân", Chính phủ chỉ đạo.

Ngoài ra, NHNN được giao tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Trước đó, tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam tối 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.

Cũng tại Nghị quyết này, Bộ Tài chính được giao triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Khẩn trương xử lý thực chất, hiệu quả những tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.

"Đặc biệt, sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để trình cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD trước ngày 13/7", Nghị quyết nêu rõ.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công Thương bảo đảm cung ứng điện ổn định, liên tục, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng.

"Khẩn trương hoàn thành xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trình Thủ tướng trước ngày 15/7. Sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu, thí điểm giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phát triển điện gió ngoài khơi", Chính phủ chỉ đạo.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương rà soát, sửa đổi xong trước ngày 20/7 về tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi quản lý nhà nước được giao để khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc hiện nay...

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Bài liên quan

Lạm phát Trung Quốc giảm về 0%

Lạm phát Trung Quốc giảm về 0%

Lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc đã về mức 0% trong tháng 6, trong khi lạm phát giá sản xuất tiếp tục giảm, thể hiện sự sụp đổ về nhu cầu và làm gia tăng nỗi lo giảm phát.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm