Theo Bloomberg, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 của Trung Quốc được công bố mới đây gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, tức là hầu như không tăng trưởng sau một năm.
Con số này thậm chí còn thấp hơn kỳ vọng tăng 0,2% của các chuyên gia kinh tế và thấp hơn mức tương tự của tháng 5.
Cụ thể, lạm phát lõi - chỉ số CPI sau khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - tiếp tục hạ nhiệt từ 0,6% xuống 0,4%. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 5,4%, mạnh hơn nhiều so với mức giảm 4,6% của tháng trước, nhiều hơn cả mức dự đoán 5% của giới đầu tư.
Dữ liệu lạm phát càng cho thấy đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt. Ảnh: Bloomberg. |
Trên thực tế, nỗi lo về tăng trưởng bao trùm khắp Trung Quốc trong vài tháng gần đây, kéo giảm niềm tin của thị trường.
Các nhà sản xuất hiện phải đối mặt với giá hàng hóa thấp hơn và nhu cầu yếu đi ở quê nhà lẫn nước ngoài. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục hạn chế chi tiêu trong thời gian tới với kỳ vọng giá giảm thêm, vòng xoáy giảm giá chắc chắn sẽ xuất hiện.
Trong tình cảnh này, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích nhưng quy mô còn khá khiêm tốn.
Trong tháng 6, ngân hàng trung ương giảm nhẹ lãi suất điều hành và Chính phủ kéo dài ưu đãi thuế cho những người mua xe điện.
Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã trao đổi thêm với các chuyên gia kinh tế về việc tung ra các gói hỗ trợ tiềm năng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các chính sách kích thích sẽ cần “nhắm tới mục tiêu cụ thể, toàn diện và cần có sự phối hợp tốt giữa các bên”. Do đó, nhiều người cho rằng các gói kích thích sẽ không quá lớn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.