Chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ được kỳ vọng sẽ giúp vực dậy thị trường ôtô Việt Nam đang tương đối ảm đạm so với năm 2022. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ngày 7/6, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái gửi Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Tư pháp về mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% và áp dụng kể từ 1/7 đến hết năm. Trình Chính phủ trước ngày 15/6.
"Bộ Tư pháp thẩm định kịp thời dự thảo nghị định trên ngay sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ của Bộ Tài chính, đảm bảo thời hạn trình Chính phủ trước 15/6", văn bản nêu rõ.
Các bộ trên có trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng thời hạn, không được chậm trễ.
Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan, trong đó nêu kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, các cơ quan này đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay, đồng thời đề xuất tiếp tục chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhóm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Sau đó không lâu, Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Ôtô Việt Nam (VIVA) cũng gửi đơn lên Quốc hội Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ về kiến nghị đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ đối với dòng ôtô nhập khẩu.
Theo báo cáo của VAMA, toàn thị trường Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 92.801 ôtô các loại sau 4 tháng đầu năm, giảm 30% so với cùng kỳ của năm 2022. Doanh số của nhóm ôtô lắp ráp trong nước đạt 50.017 xe, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức bán của nhóm xe nhập khẩu tại thị trường Việt Nam cũng thấp hơn 16% so với 4 tháng đầu năm 2022 và chỉ đạt 42.784 khi tháng đầu quý II khép lại.
Sức mua suy yếu của thị trường được cho là một phần nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất ôtô trong nước cũng như nhập khẩu xe nguyên chiếc từ nước ngoài chịu ảnh hưởng không ít trong các tháng gần đây.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.