Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam là một trong các nước đi đầu trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đất nước có thể gặp khó khăn nếu không triển khai chương trình tiêm chủng đại trà với tốc độ nhanh và quy mô lớn.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông Cany nhận định Việt Nam nên thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân. Đó là tận dụng sức mua và cơ sở hạ tầng của nhà nước cùng với tốc độ và sự đổi mới của khu vực tư nhân.
Ông cho biết EuroCham hy vọng có thể tiếp sức cho chương trình tiêm chủng đại trà của Việt Nam thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp châu Âu tự bỏ chi phí để tiêm vaccine cho lực lượng lao động Việt Nam, sử dụng mối quan hệ ở châu Âu nhằm giúp Việt Nam tiếp cận đủ nguồn cung vaccine cần thiết.
Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn nếu không triển khai chương trình tiêm chủng đại trà với tốc độ nhanh và quy mô lớn. Ảnh: Thạch Thảo. |
Đẩy mạnh chương trình tiêm chủng
- Ông đánh giá thế nào về chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam?
- Chính phủ Việt Nam đã công bố mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số. Đó là một mục tiêu đầy tham vọng. Chúng tôi tin rằng Chính phủ có thể kết hợp những thành công đã có trong việc ngăn chặn virus với đẩy nhanh tiêm chủng đại trà cho người dân.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân có thể giúp Việt Nam tiến xa và nhanh hơn, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng thông qua việc tự bỏ chi phí để tiêm vaccine cho lực lượng lao động. Điều đó sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy quá trình tiêm chủng.
- Thế giới đang trong cuộc đua vaccine Covid-19 khốc liệt. Nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận và đàm phán mua vaccine. Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có thể hỗ trợ chương trình vaccine của Việt Nam như thế nào, thưa ông?
- Các doanh nghiệp châu Âu muốn hỗ trợ chương trình tiêm chủng tại Việt Nam bằng cách tự cung cấp toàn bộ thiết bị cho việc tiêm vaccine. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ ở châu Âu để giúp Việt Nam tiếp cận nguồn cung và đảm bảo đủ vaccine cần thiết.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). |
Một lựa chọn khả thi là hợp tác công tư giữa Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân. Tại đó, chúng ta có thể kết hợp sức mua của nhà nước với mạng lưới thương mại của những doanh nghiệp thành viên EuroCham trong lĩnh vực y tế và dược phẩm.
Chúng tôi cũng tin rằng người lao động của chúng tôi sẽ nhiệt tình với việc tiêm vaccine. Không có giải pháp lâu dài nào khác nếu chúng ta muốn trở lại cuộc sống bình thường ở nhà, trường học và nơi làm việc.
- Theo ông, Chính phủ Việt Nam có thể học hỏi gì từ các quốc gia khác để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà?
- Dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy rằng các quốc gia có rất nhiều điều để học hỏi lẫn nhau. Để vượt qua đại dịch, chúng ta cần chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc đối phó với Covid-19 và tiêm chủng hàng loạt.
Chẳng hạn, Việt Nam đã dẫn đầu toàn cầu trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus. Đất nước các bạn đã dạy nhiều điều cho đối tác, bạn bè năm châu về những chương trình truy vết hiệu quả và các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng khác.
Trong khi đó, những quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển hơn có thể chia sẻ về cách triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt với quy mô lớn và tốc độ nhanh.
Nhìn chung, quá trình này nên là sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân, tận dụng sức mua và cơ sở hạ tầng của nhà nước cùng tốc độ và sự đổi mới của khu vực tư nhân.
Sớm nới lỏng hạn chế sau khi đạt mục tiêu tiêm chủng
- Quan điểm của ông về hộ chiếu vaccine như thế nào, thưa ông?
- Hộ chiếu vaccine rất cần thiết để mở cửa biên giới và nối lại những chuyến đi quốc tế. Một khi các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 ở quốc gia của họ, họ sẽ không cần cách ly bắt buộc trong vòng 3 tuần khi đến nước sở tại.
Việt Nam có thể giảm bớt các yêu cầu cách ly đối với những du khách đã tiêm vaccine. Điều đó sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế.
Thách thức hiện tại của các chính phủ là đồng thuận về một tiêu chuẩn chung của hộ chiếu vaccine có thể được chấp nhận trên toàn thế giới. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu đang nghiên cứu "chứng chỉ xanh kỹ thuật số", cho phép các công dân đã tiêm chủng di chuyển qua 27 quốc gia thành viên của khối.
Chính phủ Việt Nam cũng có thể xem xét một chương trình tương tự Liên minh châu Âu để các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kỹ thuật châu Âu có thể trở lại và hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phục hồi.
Mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số của Việt Nam đạt được càng nhanh, chúng ta càng có thể sớm giảm bớt các hạn chế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ sức khỏe của người dân
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham
- Theo ông, Chính phủ cần lưu ý rủi ro gì khi nới lỏng các hạn chế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế? Các doanh nghiệp châu Âu có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam để đạt mục tiêu kép tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sức khỏe cộng đồng?
Sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, không nên nới lỏng các hạn chế cho đến khi an toàn được đảm bảo. Đó là lý do EuroCham ủng hộ kế hoạch tiêm chủng cho 75% dân số của Chính phủ Việt Nam.
Mục tiêu này đạt được càng nhanh, chúng ta càng có thể sớm giảm bớt các hạn chế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ sức khỏe của người dân.
Các doanh nghiệp châu Âu có thể hỗ trợ cho mục tiêu kép của Chính phủ Việt Nam thông qua việc thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 hàng loạt.
Chúng tôi hy vọng sẽ sớm tự mua vaccine và tiêm chủng cho lực lượng lao động của các doanh nghiệp thành viên. Một khi đạt được mục tiêu trên, doanh nghiệp châu Âu có thể giúp Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhờ vào nới lỏng những yêu cầu cách ly và nối lại các hoạt động kinh doanh.
Theo cuộc khảo sát của EuroCham với các lãnh đạo doanh nghiệp thành viên, cứ 5 người được hỏi thì 4 người (79%) đồng ý rằng doanh nghiệp nên có khả năng tham gia hỗ trợ để nhân viên của họ được tiêm chủng.
Các thành viên EuroCham cũng khuyến khích Chính phủ nới lỏng quy định về cách ly đối với nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài đã được tiêm phòng tại nước sở tại.
Hơn 2/3 lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện khảo sát (70%) cho biết công ty của họ phải đối mặt với nhiều trở ngại vì các quy định hiện tại. 79% khẳng định quy định thời gian cách ly ba tuần sẽ dẫn đến ít chuyên gia tới Việt Nam làm việc hơn.
81% thành viên EuroCham tin rằng Chính phủ nên giảm các quy định về cách ly đối với chuyên gia nước ngoài và gia đình đã được tiêm chủng xuống còn tối đa một tuần và đơn giản hóa thủ tục.