Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ Trung Quốc cáo buộc Alibaba bán hàng giả

Tập đoàn Alibaba đang đối diện với khủng hoảng lớn, khi phân phối hàng giả và cho phép các doanh nghiệp đối tác thực hiện chương trình khuyến mãi lừa đảo khách hàng.

Một báo cáo do Cục Quản lý nhà nước về Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (SAIC) vừa công bố cáo buộc Alibaba cho phép các thương gia không có giấy phép kinh doanh phân phối hàng hóa.

Báo cáo còn cho biết, Alibaba đã cho phép các cửa hàng trái phép hợp tác với những thương hiệu lớn để phân phối rượu và túi xách giả ra thị trường. Nhân viên của Alibaba đã nhận hối lộ, và gã khổng lồ thương mại điện tử đã không điều chỉnh các thông tin do khách hàng phản hồi lẫn hệ thống tín dụng nội bộ.

Theo SAIC, Alibaba vẫn cho phép các sản phẩm gây hại cho xã hội được bán trên mạng thương mại điện tử của mình, như thuốc lá và rượu giả, dao và các thiết bị ghi âm điện thoại.

 

"Trong thời gian dài, Alibaba đã không chú ý nhiều đến vấn đề pháp lý của các doanh nghiệp hoạt động trên website của mình, cũng như có những động thái giải quyết hậu quả vấn đề này", báo cáo cho biết. "Hệ quả là Alibaba không chỉ đối diện với cuộc khủng hoảng tín nhiệm lớn nhất từ ngày thành lập, mà còn làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp đang nỗ lực kinh doanh thương mại trực tuyến một cách hợp pháp".

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ tại văn phòng SAIC vào tháng 7/2014, Aliababa đã thừa nhận các vấn đề đang tồn tại trên website của công ty, và cho biết sẽ nỗ lực tăng cường giám sát, trao đổi với các đối tác hiện tại. Thông tin này được chính phủ Trung Quốc cung cấp.

Mặc dù cuộc họp tổ chức vào tháng 7, nhưng báo cáo không được công bố ngay thời điểm đó, để tránh ảnh hưởng đến quá trình IPO của Alibaba. Cuối năm 2014, Alibaba đã thực hiện IPO đạt mức kỷ lục với 25 tỷ USD.

Bob Christie, người phát ngôn của Alibaba cho biết, công ty từ chối bình luận về các cáo buộc này.

"SAIC đang dạy cho Alibaba một vài học và nhắc công ty nhớ đến vị trí của mình hiện tại", Li Muzhi - chuyên gia phân tích tại Arete Research Service LLP, chia sẻ nhận định với Bloomberg qua điện thoại. "Rất nhiều cơ quan của chính phủ Trung Quốc hiện không hài lòng với thành tích cao của Jack Ma, những tác động ông đã tạo ra đối với khu vực tài chính cũng như bán lẻ hiện nay".

Bản cáo buộc này được đưa ra ngay sau khi Alibaba có một bài viết trên tài khoản Weibo chính thức của công ty rằng, các thanh tra chính phủ đang áp dụng những quy định thiếu nhất quán, và không cho các doanh nghiệp đủ thời gian để phản ứng với những thay đổi này. Bài viết được đưa ra như một phát ngôn chính thức của công ty.

Bài viết nhìn nhận các thanh tra đã không đối xử công bằng với mạng thương mại trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, và đây là một sai lầm.

Alibaba cho biết, trong hồ sơ thực hiện IPO, công ty đã đề cập đến việc có những cáo buộc trong quá khứ, lẫn tương lai rằng, platform của công ty đang bán hàng giả, hàng cấm lẫn vi phạm bản quyền như âm nhạc.

Tuần trước, nhà sáng lập Alibaba - Jack Ma cho biết, chỉ chia sẻ thông tin người sử dụng với chính quyền Trung Quốc, nếu họ điều tra về khủng bố hoặc tội phạm.

"Những lý do còn lại thì không", Ma khẳng định với phóng viên Charlie Rose của đài CBS trong cuộc phỏng vấn diễn ra vào ngày 23/1, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên lần thứ 45 tại Davos, Thụy Sĩ.

Alibaba đã thực hiện một chiến dịch loại bỏ hàng giả, vi phạm bản quyền khi quyết định mở rộng ra thị trường quốc tế. Công ty cho biết, đã loại bỏ 90 triệu sản phẩm vi phạm bản quyền trước khi thực hiện IPO. Chiến dịch này là một phần trong chiến lược xây dựng danh tiếng của công ty công nghệ lớn nhất châu Á.

Vào tháng 12/2014, Alibaba tiếp tục cho biết, đã chi 160,7 triệu USD từ đầu năm 2013 đến thời điểm đó, để chặn hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

http://www.doanhnhansaigon.vn/thoi-su-quoc-te/chinh-phu-trung-quoc-cao-buoc-alibaba-ban-hang-gia/1086515/

Theo Lâm Nghi/ Doanh Nhân Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm