TP.HCM đóng góp 27% thu ngân sách cả nước, nhưng đang gặp một số khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chiều 30/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Nhiều đại biểu ủng hộ trao những cơ chế đặc thù, đột phá để phát triển TP.HCM xứng tầm với quy mô, tiềm năng, duy trì vị thế đầu tàu của cả nước.
Phát biểu giải trình thêm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để có nguồn lực phát triển TP.HCM có rất nhiều phương án đặt ra. Các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đang được Quốc hội thảo luận cũng là một phương án. Thậm chí Chính phủ không loại trừ nghiên cứu việc vay một nguồn lực lớn để phát triển TP.HCM.
Trao cơ chế nhưng cũng phải giám sát
Thảo luận, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng trong những năm vừa qua, kinh tế TP.HCM đang có dấu hiệu chững lại, nguyên nhân cả do cơ chế, dịch bệnh, bối cảnh thế giới, làm phát sinh những vấn đề trì trệ. Ông ủng họ việc cần có giải pháp khuyến khích phát triển.
Tuy nhiên, song song với việc tạo cơ chế đột phá, đại biểu cho rằng cần nâng lên các cơ chế giám sát. Ông nhấn mạnh trao sự chủ động về chính sách nhưng phải có cơ chế báo cáo và giám sát tương ứng phù hợp. Việc này nhằm tránh việc quá tải, vượt tầm kiểm soát.
Chính phủ đề xuất trao thêm 27 cơ chế đột phá cho TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Ông lấy ví dụ dự thảo nghị quyết cho phép TP.HCM đưa dự kiến nguồn thu phân bổ vào các dự án đầu tư công trung hạn đến cuối kỳ mới yêu cầu báo cáo. Đại biểu đề nghị phải sửa đổi và yêu cầu Thành phố báo cáo hàng năm. Tương tự, nghị quyết cho phép TP.HCM có dư nợ vay quá 120% thu ngân sách và cũng cần có biện pháp giám sát.
"Nếu vay để chi nhiều quá, không có nguồn thu bù đắp có thể vỡ nợ. Một số thành phố trên thế giới đã vỡ nợ khi không có nguồn thu bù đắp", ông nói.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) đồng tình với việc kiểm soát cơ chế cho phép TP.HCM có dư nợ vay vượt không qua 120% nguồn thu. Trước đó trong Nghị quyết 54 chỉ cho phép dư nợ vay không qua 90. Bà đặt câu hỏi: "Để thực hiện cơ chế chính sách này, thì liệu thành phố có thực hiện được không, có trả nợ được không?".
Băn khoăn thành lập Sở An toàn Thực Phẩm
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thì cho rằng trước khi ban hành một nghị quyết mới thì cần đánh giá cụ thể Nghị quyết 54 theo các nhóm chính sách, các chính sách thực hiện đến đâu, chính sách nào còn phù hợp, chính sách nào cần điều chỉnh bổ sung.
Điểm thứ hai, cũng cần phân tích rõ nguyên nhân chưa đạt được. Ông lấy ví dụ có những vấn đề do dịch Covid-19, nhưng cũng có vấn đề chủ quan; hệ thống và nhóm chính sách theo Nghị quyết 54 không còn phù hợp. "Quá trình tổ chức và thực hiện ý kiến này còn phù hợp hay không. Nếu nhìn được cái này mới đặt niềm tin cho các năm tiếp theo", ông nói.
Đại biểu cũng cho rằng sau khi hoàn thành nghị quyết vào 5 năm tới thì phải có quá trình tổng kết 10 năm, rút ra được bài học kinh nghiệm để có cơ sở triển khai tiếp, ở các địa phương khác.
Với nội dung giao TP.HCM lập Sở An toàn thực phẩm, từ thực tiễn đó và quy mô dân số, ông đánh giá việc lập sở là phù hợp. Nhưng việc này phải phát sinh bộ máy, con người mới, có làm tăng biên chế thì cần đánh giá tác động như thế nào.
Đồng tình, đại biểu Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng việc thành lập Sở An toàn Thực phẩm chưa có thông tin quy định các cấp phía dưới thế nào, chức năng của sở này ra sao. Ông thấy các chức năng chủ yếu các chức năng quản lý dính đến các ngành khác. Nếu kéo bộ máy cuốn xuống cấp quận, huyện bên dưới thì rất rườm rà.
Ông cũng cho rằng trong 5 năm, mà ban hành rất nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM, ông băn khoăn liệu có "triển khai hết hay không". Đại biểu lấy ví dụ Cần Thơ đã có cơ chế đặc thù hơn một năm nhưng có cơ chế chưa thực hiện được.
"Cần chọn cái căn bản, tác động lớn", ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Việt Linh. |
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại diện cơ quan soạn thảo, cho biết mục tiêu của nghị quyết là tạo ra những cơ chế chính sách đột phá, có trọng tâm, trọng điểm để giups phát triển TP.HCM.
"Cũng có ý kiến cho rằng sao không tạo cơ chế để TP.HCM vay 10-20 tỷ USD để có nguồn lực phát triển. Dùng số tiền này để phát triển trong một thời gian nhất định, phát triển được thành phố, tăng thu ngân sách, đạt hiệu quả... thì chúng ta có thể thu hồi lại vốn để trả nợ. Đó cũng là một cách huy động nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm mà chúng tôi cũng rất suy nghĩ, cân nhắc. Suy cho cùng kể cả trao cơ chế đột phá cũng là để tạo thêm nguồn lực để phát triển TP.HCM, đó cũng là cách có nguồn lực", ông nói.
Bộ trưởng cho biết sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu, từ đó hoàn thiện dự thảo, tạo cơ chế đột phá, xứng tầm phát triển TP.HCM với giá trị mới, sứ mệnh mới.